Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet

Sáng ngày 12/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Theo Tờ trình về việc quyết định chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, Huyện Hàm Thuận Nam là huyện khô hạn thường xuyên của tỉnh Bình Thuận, nguồn nước mặt hàng năm được khai thác chủ yếu từ 3 con sông gồm sông Phan, sông Mương Mán và sông La Ngà. Nguồn nước này phân bố không đồng đều trong năm, vào mùa mưa lượng nước trên các sông rất lớn, gây ra lũ lụt, trong khi vào mùa khô nước sông cạn kiệt, gây khó khăn trong việc cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt của nhân dân trong huyện. Việc xây dựng hệ thống các hồ chứa nước là vấn đề cần được quan tâm nhằm điều tiết nguồn nước, đáp ứng nhu cầu về nước cho sản xuất và sinh hoạt. Đặc biệt là việc cấp nước sinh hoạt cho trung tâm Thị trấn Thuận Nam và cấp nước cho cây trồng chủ lực là cây Thanh long về mùa khô. Do vậy, nếu được đầu tư xây dựng, hồ chứa nước Ka Pét sẽ là một trong những công trình quan trọng có tính quyết định đối với việc cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, để phát triển kinh tế xã hội.

Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, dự án Hồ chứa nước Ka Pet là một trong những công trình quan trọng có tính quyết định đối với vấn đề cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận). Việc xây dựng hồ chứa nước Ka Pét sẽ giúp khai thác hiệu quả tiềm năng nguồn nước sông Ka Pét để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hàm Thuận Nam, một trong những vùng khô hạn, thường xuyên xảy ra hạn hán nhất của tỉnh Bình Thuận và cả nước. Việc đầu tư xây dựng hồ chứa nước Ka Pét sẽ tạo nguồn cung cấp nước ổn định phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; nước cho sinh hoạt của người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết; cấp nước cho sản xuất công nghiệp của khu công nghiệp Hàm Kiệm II; đồng thời cải thiện môi trường sinh thái do tăng lưu lượng xả nước về hạ du trong mùa khô.

Đại biểu phát biểu tại phiên họp

Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt- Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai, đại biểu Quốc hội Lê Thị Nguyệt- Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, cũng bày tỏ ủng hộ chủ trương xây dựng hồ chứa nước Ka Pét tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận và cho rằng công trình này sẽ giúp cải thiện và có tác động tốt tới môi trường và cải thiện đời sống dân sinh của địa phương. Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt nhấn mạnh, tỉnh Bình Thuận cũng giống tỉnh Gia Lai đang là một tỉnh rất khó khăn về nước. Khi mùa khô kéo dài, hạn hán thường xuyên, các hộ dân địa phương thoát nghèo đến mùa hạn hán lại nghèo trở lại. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm chưa khắc phục được, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Do vậy, việc tạo một hồ sinh thủy cho địa phương như Hồ Pa Ket là vô cùng cần thiết.

Cùng quan điểm này, đại biểu Quốc hội Tống Thanh Bình- Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu, nhấn mạnh, chỉ có sống tại Bình Thuận mới hiểu được người dân nơi đây sống khó khăn vì thiếu nước như thế nào vào mùa khô hạn. Đại biểu cho rằng, công trình Hồ chứa nước Ka Pet là công trình có tính quyết định cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho không chỉ bản thân tỉnh Bình Thuận, mà trong đó còn có tỉnh Phan Thiết cũng cần nguồn nước này. Theo đại biếu, đây là công trình lâu dài, có tuổi thọ có thể hàng trăm năm, có vai trò lớn trong ổn định kinh tế- xã hội, an ninh địa phương, hạn chế tình trạng di dân tự do.. Vì vậy, đề nghị Quốc hội tán thành chủ trương này.

Tuy nhiên, Dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng 162,55 ha rừng đặc dụng thuộc Khu bảo tồn Núi Ông. Quy mô Dự án gồm hồ chứa, đập đầu mối, tràn xả lũ, cống lấy nước đầu mối, công trình điều tiết, hệ thống kênh và các công trình phụ trợ. Tổng diện tích đất của Dự án là 693,31 ha. Trong đó, diện tích đất rừng là 680,41 ha, gồm: 162,55 ha rừng đặc dụng, 0,91 ha rừng phòng hộ; 471,09 ha rừng sản xuất… Các đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ 162,55 ha rừng đặc dụng chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng Hồ Pa Ket là loại rừng nào, có tác động đến môi trường sinh thái ra sao?

Theo báo cáo của Chính phủ, diện tích rừng đặc dụng chỉ chiếm 0,6% diện tích lâm phần, thuộc ranh giới phía ngoài của khu bảo tồn, chất lượng rừng ở khu vực này ở mức trung bình, không phải là nơi sinh sống thường xuyên của loại động, thực vật nguy cấp, quý hiếm.

Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai, nhấn mạnh, phải đặc biệt quan tâm tới vấn đề trồng rừng thay thế. Bởi việc trồng rừng thay thế sẽ có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái. Tại phiên họp, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cũng đề xuất các loại cây trồng thay thế nên là các loại cây gỗ lớn, lâu năm để giữ nước phục vụ mục đích lâu dài.

Góp ý cho chủ trương đầu tư Dự án, các đại biểu cũng rằng, thời gian thực hiện Dự án trong 5 năm (2019 - 2024) là quá dài so với tổng mức đầu tư và tính cấp thiết của Dự án. Nên rút ngắn thời gian đầu tư Dự án xuống còn 3 năm.

Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội đã được ghi chép, tổng hợp đầy đủ. Sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với cơ quan trình dự án tiếp thu và có báo báo giải trình đầy đủ các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội./.

Thu Phương- Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=42846