Quốc hội thảo luận ở Tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 22/5/2029, Quốc hội đã thảo luận ở Tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019.

Theo Báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, tình hình những tháng đầu năm 2019 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội quý IV/2018 chuyển biến tích cực, góp phần mang lại kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của năm 2018, năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. 12 chỉ tiêu chủ yếu đã đạt và vượt toàn bộ, trong đó 03 chỉ tiêu đạt, 09 chỉ tiêu vượt và nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn số đã báo cáo Quốc hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 7,08%, cao nhất kể từ năm 2008, thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. GDP bình quân đầu người đạt 2.590 USD. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 13,2% (đã báo cáo 11,2%), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 480 tỷ USD và xuất siêu 6,8 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Thu ngân sách nhà nước vượt 8% so với dự toán (đã báo cáo vượt 3%). Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 5,35%. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường đạt nhiều kết quả quan trọng. Công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng được triển khai quyết liệt…

Theo báo cáo, tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2019 đã đạt được những kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,71%, thấp nhất trong 3 năm qua. GDP quý I đạt 6,79%. Khu vực nông nghiệp tăng 2,68%, trong đó ngành thủy sản tăng 5,1%, cao nhất so với cùng kỳ 9 năm gần đây. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,63%, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,35%. Khu vực dịch vụ tăng 6,5%, tổng cầu của nền kinh tế tiếp tục tăng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 11,9%, cao nhất so với cùng kỳ 5 năm qua.

Trong 4 tháng đầu năm 2019, vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt 7,5 tỷ USD, tăng 28,6%, vốn thực hiện ước đạt 5,7 tỷ USD, tăng 7,5%. Có trên 43 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và trên 17 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tổng vốn đăng ký mới và bổ sung đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) luôn ở mức cao, thuộc nhóm các nước dẫn đầu khu vực, thế giới. Tổng thu NSNN 4 tháng tăng 13,9%, đạt 36,7% dự toán năm…

Các trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được đẩy mạnh. Năng lực tài chính, quản trị điều hành, quản lý rủi ro của các tổ chức tín dụng được nâng lên. Rà soát, xây dựng phương án phân bổ, sử dụng nguồn vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn, ưu tiên cho các dự án quan trọng, cấp bách, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh công tác chuẩn bị, triển khai thực hiện các công trình, dự án trọng điểm. Chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước theo đề án đã được phê duyệt. Cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh. Thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, thúc đẩy phát triển các dự án công nghiệp, năng lượng, các ngành sản xuất, lắp ráp ô-tô, chế biến nông, lâm, thủy sản... ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế. Tập trung phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao và ứng dụng công nghệ hiện đại như tài chính, ngân hàng, logistics, công nghệ thông tin, thương mại điện tử. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từng vùng. Ban hành văn bản quy định chi tiết thực hiện Luật quy hoạch, rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý quy hoạch xây dựng, đô thị…

Phát huy những kết quả đạt được, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tập trung thực hiện các nhóm giải pháp, gồm: Kiên định mục tiêu củng cố nền tảng vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Thực hiện quyết liệt cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Chủ động đẩy mạnh thông tin và truyền thông, tăng cường công tác phối hợp giữa Chính phủ với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể.

Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ. Ảnh: MPI

Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ. Ảnh: MPI

Tham gia thảo luận tại Tổ, các đại biểu đều cơ bản đồng tình và đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, những tháng đầu năm 2019 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới. Đồng thời nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu tốt cho Chính phủ những định hướng và giải pháp rất tốt. Các đại biểu tập trung thảo luận về những vấn đề liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp, giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư phát triển, vấn đề tăng giá điện, giá xăng và các vấn đề xã hội như tệ nạn ma túy, tai nạn giao thông, an sinh xã hội,…từ đó đưa ra những giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong thời gian tới.

Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Hoàng Minh Hùng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đánh giá cao tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Cụ thể, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều có kết quả tăng, tổng thu ngân sách nhà nước tăng cao, tình hình xuất nhập khẩu tăng mạnh, nhiều vấn đề an sinh xã hội được thực hiện tốt. Đại biểu cũng đề cập đến vấn đề cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, tình trạng thoái vốn, chính sách BOT, phát triển doanh nghiệp…

Liên quan đến vấn đề đầu tư công, ông Đỗ Văn Sinh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp thiết thực, căn cơ để sử dụng tốt hơn nguồn vốn trong các năm tới. Bên cạnh những vấn đề về ngân sách, kinh tế, đại biểu cũng đề cập đến việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật chậm trễ, gây khó khăn cho việc thực thi chính sách pháp luật ở các địa phương. “Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu các giải pháp cho Chính phủ rất tốt nhưng tôi vẫn thấy khâu tổ chức thực hiện có vấn đề. Tôi mong rằng, thời gian tới với những giải pháp mà Chính phủ đưa ra cần chú trọng hơn nữa về kỷ cương thực thi của đội ngũ cán bộ”, ông Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh.

Theo bà Chu Lê Chinh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong năm 2018 đã đạt được những kết quả tích cực. Điều này thể hiện sự quyết tâm của Quốc hội và Chính phủ trong việc điều hành, chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời đề nghị, trong thời gian tới, Quốc hội và Chính phủ tiếp tục quyết tâm, quyết liệt trong việc đưa ra các giải pháp để thực hiện song song giữa phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội.

Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Hữu Toàn, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu ghi nhận những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019. Báo cáo bổ sung của Chính phủ cho thấy nhiều chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đều hoàn thành, có nhiều chỉ tiêu vượt hơn so với báo cáo trước đây. Đồng thời nhấn mạnh, kinh tế năm 2018 về cơ bản đạt mục tiêu kép khi vừa tăng trưởng vừa ổn định được kinh tế vĩ mô và là nền tảng cho kinh tế năm 2019 phát triển. Đối với vấn đề giải ngân đầu tư công, theo ông Nguyễn Hữu Toàn, Luật đầu tư công tác động mạnh mẽ tới phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn, còn khi vào kế hoạch hằng năm thì việc triển khai thực hiện lại liên quan nhiều tới quy định khác liên quan đến xây dựng, giải phóng mặt bằng, triển khai và thực thi hoạt động đấu thầu, tổ chức thi công.

Ông Huỳnh Thanh Cảnh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đánh giá cao kết quả báo cáo của Chính phủ, đồng thời bày tỏ tin tưởng vào sự phát triển của đất nước trong thời gian tới với những kết quả hết sức khả quan. Tuy nhiên, theo Đại biểu, tình hình phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, cần được khắc phục trong thời gian tới. Về vấn đề vốn đầu tư, Đại biểu cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách, đặc biệt là chính sách về đối tác công tư và cần sớm ban hành Luật PPP để huy động nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, phục vụ cho phát triển hạ tầng ở các địa phương.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường bày tỏ tâm đắc với định hướng của Chính phủ khi đặt ra vấn đề phải thúc đẩy phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có năng lực cạnh tranh khu vực, quốc tế. Bởi từ trước đến nay chúng ta chỉ coi kinh tế tư nhân là trụ cột của tăng trưởng nhưng kinh tế tư nhân chung chung là chưa đủ, mà phải dựa vào các tập đoàn lớn, khi đó mới tạo ra được các chuỗi giá trị và thực sự mang lại đóng góp cho tăng trưởng. Còn nếu chỉ phát triển kinh tế tư nhân thông thường, gia công cho các tập đoàn kinh tế lớn nước ngoài thì phần “giá trị mới” rất thấp, không tạo ra được tăng trưởng. Do vậy, cần xem lại việc hình thành, phát triển tập đoàn kinh tế tư nhân để tạo ra chuỗi giá trị trong quá trình sản phẩm toàn cầu./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Nguồn Bộ KHĐT: http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=43228&idcm=188