Quốc hội thảo luận Luật Giáo dục (sửa đổi)

Sáng 15/11, tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 6, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì phiên thảo luận

Phát biểu tại phiên thảo luận, đa cố các vị đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục nhằm tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực, tăng tính dân chủ, tự chủ của các cơ sở giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Tại phiên họp toàn thể tại hội trường, đã có 28 vị đại biểu Quốc hội đã được phát biểu tại hội trường, trong đó có một vị đại biểu Quốc hội tranh luận.

Theo đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), tại kỳ họp thứ 5, ông cũng đã phân tích cũng khá sâu về thực nghiệm, thí nghiệm. Bởi vì, thời gian qua vấn đề thí nghiệm, thực nghiệm của mình, có một số chỗ không đạt yêu cầu.

Đại biểu Dương Minh Tuấn phát biểu tại phiên thảo luận

Đại biểu Dương Minh Tuấn cho rằng nếu lấy học sinh ra làm "chuột bạch", được thì tốt, không được thì không biết học sinh sẽ đi về đâu. Sai một ly đi một dặm. Chúng tôi có đặt vấn đề thí điểm thực nghiệm phải được thông qua Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Báo cáo thẩm tra của cơ quan thẩm tra cũng đã có nhận định cần phải có cơ quan kiểm chứng, cho ý kiến hoặc phê duyệt trước khi thí điểm.

Theo ông Dương Minh Tuấn, Ban soạn thảo đưa vào hai văn bản, một văn bản tiếp thu, một tài liệu hỏi đáp, cũng tiếp thu ý kiến, tức là đặt vấn đề về thí điểm. Tuy nhiên, mới nghe qua ta nghĩ Ban soạn thảo rất cầu thị nhưng đọc kỹ vào câu chữ thì thấy cách viết lòng vòng, không thể hiện sự cầu thị. Tôi xin đọc nguyên văn ở Điều 103: "Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi quyết định việc áp dụng đại trà đối với chính sách mới trong giáo dục đã được thí điểm thành công". Đồng nghĩa đại trà mới xin, còn thí điểm thì không xin.

Đại biểu Hứa Thị Hà phát biểu tại phiên thảo luận

“Tôi đọc câu này, mới nghe qua rất hay, nhưng thực chất quan điểm của Ban soạn thảo vẫn bảo đảm giữ ý chí thí điểm thực nghiệm, thử nghiệm là không thông qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tôi cho việc này là không được. Thực tế, tốn bao nhiêu tiền tỉ nhưng cuối cùng hết giai đoạn 2015 - 2016 nhưng không tổng kết và công việc diễn ra do nóng vội, tập huấn chưa đầy đủ, những bất cập trên trong mô hình trường học mới đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiêm túc rút kinh nghiệm. Thế thì học sinh đi về đâu? Trân trọng đề nghị Ban soạn thảo phải có ý kiến về nội dung này” - ông Dương Minh Tuấn nói.

Theo đại biểu Dương Minh Tuấn, nếu tiếp thu thì chỉnh sửa thêm Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào để phê duyệt. Nếu không tiếp thu thì Ban soạn thảo cũng phải nói rõ rằng việc thí điểm này tốn tiền tỉ, học sinh là chuột bạch nhưng do nguyên nhân gì đó, không phải xin Thường vụ Quốc hội thì cũng phải nói rõ để chúng tôi biết lý do, đừng viết lòng vòng để cuối cùng cũng là không phải xin Thường vụ Quốc hội. Đề nghị Ban soạn thảo hết sức cầu thị. Đại biểu Tuấn nói: “Chuyện đầu tiên chúng tôi tiếp cận luật này là chúng tôi đi tìm chữ này, tìm rất khó mới thấy được, lần trước "thực nghiệm" bỏ, đến nay thay bằng chữ "thí nghiệm".

Ngay sau phát biểu của đại biểu Dương Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết luật này sẽ thảo luận và thông qua tại ba kỳ họp, vừa rồi Quốc hội đã quyết nghị. “Chương trình kỳ họp của chúng ta vừa quyết nghị ngày hôm qua. Sau kỳ họp này, theo ý kiến đồng chí Chủ tịch, rất thận trọng, sẽ tổ chức các Hội nghị đại biểu chuyên trách để thảo luận kỹ các nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau. Chúng ta sẽ còn lấy ý kiến nhân dân về dự án luật này” – Phó Thủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu nêu

Sau đại biểu Dương Minh Tuấn, đã có 27 đại biểu phát biểu góp ý với Dự thảo luận. Báo cáo giải trình những vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trân trọng cảm ơn ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã phát biểu ý kiến sáng nay và các đại biểu Quốc hội đã đăng ký phát biểu nhưng chưa có thời gian thì chúng tôi xin tiếp tục được tiếp thu các ý kiến của các đại biểu.

Qua ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, ban soạn thảo sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu theo hướng: Thể hiện rõ hơn quan điểm, mục tiêu, nội dung của Nghị quyết 29 Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo và Nghị quyết 88 về chương trình sách giáo khoa của Quốc hội và cập nhật tinh thần của các nghị quyết Trung ương gần đây, trong đó đặc biệt là Nghị quyết 18, 19 của Trung ương 6 có liên quan rất nhiều đến lĩnh vực giáo dục đào tạo, đặc biệt là giáo dục phổ thông cũng như giáo dục về đại học.

Qua ý kiến của các đại biểu, ban soạn thảo cũng xét thấy trong thời gian tới cần phải rà soát để cụ thể hơn các vấn đề mà xã hội đang bức xúc và những vấn đề gây nút thắt trong phát triển giáo dục để từ đó lựa chọn, xác định rõ những vấn đề nào cụ thể được thì cụ thể luôn ở trong luật để khi triển khai không cần phải đợi các văn bản hướng dẫn, phải đảm bảo được tính khả thi và luật đi vào cuộc sống.

Toàn cảnh phiên thảo luận

“Có một số vấn đề lớn mà chúng tôi cũng ý thức được là cần phải nghiên cứu thật thấu đáo trong đánh giá tác động như sáng nay nhiều đại biểu nêu, ví dụ chính sách mới về nâng chuẩn giáo viên mầm non, những chính sách đối với miền núi, vấn đề xã hội hóa. Đây là những vấn đề rất lớn cần phải nghiên cứu thấu đáo đánh giá tác động đến các đối tượng. Cũng có những vấn đề cần phải nghiên cứu thấu đáo để tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội cũng như các đại biểu liên quan đến vấn đề về triết lý giáo dục. Đây là vấn đề liên quan đến quan điểm, rất nhiều nội dung mà các đại biểu nêu ở các khía cạnh khác nhau liên quan đến triết lý giáo dục” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Bộ trưởng cho biết, ban soạn thảo cũng đã chỉ đạo một nhóm nghiên cứu ở đề tài cấp quốc gia và nghiên cứu một cách thật sự, cẩn thận để tạo ra một sự thống nhất cao về triết lý giáo dục trong mục tiêu và nguyên lý giáo dục để có định hướng trong chỉ đạo các hoạt động của giáo dục tới đây. Tất cả những vấn đề này, ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu và nghiên cứu để trình Quốc hội dự thảo báo cáo Quốc hội kỳ họp thứ 7 được chất lượng.

Phát biểu kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị sau kỳ họp này, Chính phủ sẽ chủ động việc lấy ý kiến nhân dân, theo kết luận của đồng chí Chủ tịch Quốc hội tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc lấy ý kiến nhân dân là trong khoảng tháng 1/2019, sau đó có báo cáo tổng hợp để gửi và báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Do đó, đề nghị Ban soạn thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra để thực hiện các nội dung này. Sau đó, chúng ta sẽ tổ chức các hội nghị, có cả hội nghị đại biểu chuyên trách để góp ý thêm hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 7 thông qua” - Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói và trân trọng cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội hôm nay với tâm huyết, trách nhiệm rất cao trước sự nghiệp giáo dục của nước nhà đã có nhiều ý kiến đóng góp rất xác đáng.

Việt Hùng - Quốc Khánh (lược ghi)

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/thoi-su/quoc-hoi-thao-luan-luat-giao-duc-sua-doi-1261689.html