Quốc hội thảo luận kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

Quốc hội thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021.

10h45: Đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa) đề nghị có giải pháp để hạn chế, giảm thiểu sự cố trong vận hành hồ thủy lợi, thủy điện. Các chủ hồ, doanh nghiệp vận hành thủy điện phải xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du hồ đập, phạm vi, mức độ ảnh hưởng khi xả lũ. Các chủ hồ, DN vận hành thủy điện có trách nhiệm giải phóng mặt bằng tại vùng hạ du để bảo đảm không gây thiệt hại, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân và bồi thường khi có thiệt hại.

Đại biểu đề nghị Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT đánh giá tác độ biến đổi khí hậu đến từng hồ đập, mức độ an toàn; tăng cường kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư, đơn vị quản lý hồ chứa, hồ thủy điện, đặc biệt trong mùa lũ; tăng cường giám sát việc trồng và phục hồi rừng tại khu vực triển khai dự án thủy diện...

10h30: Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) bức xúc trước hiện tượng cho vay tín dụng qua mạng đang gây ra nhiều hệ lụy đau lòng. Dẫn ra trường hợp vay 8 triệu đồng nhưng sau 3 tháng phải trả nợ và phạt tới vài trăm triệu, người dân bị khủng bố, đòi nợ đến mức cùng đường. Thậm chí, có người không chịu được cảnh đòi nợ "ác hơn cả xã hội đen ngoài đời thực", đã tự tử.

10h20: Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh công tác xây dựng cơ bản đã đạt được nhiều thành công, riêng Bộ GTVT đã giải ngân tốt nguồn vốn.

Liên quan đến đường sắt đô thị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thừa nhận chuyện chậm tiến độ. "Qua những dự án hiện nay, chúng tôi rút ra được nhiều bài học quý báu", Bộ trưởng GTVT nói.

Bộ trưởng xin tiếp thu, sắp tới cùng các thành phố tham mưu cho Chính phủ để các dự án tiếp theo không lặp lại vấn đề này.

Giai đoạn 2021-2025, ngành GTVT có một số chương trình, nghiên cứu 7 tuyến đường cao tốc lớn, từ đó lựa chọn những đoạn tuyến quan trọng để đầu tư, nhằm nâng số km đường cao tốc hiện nay từ hơn 40 km lên hơn 300 km. Không có cao tốc thì thu hút đầu tư phát triển vùng ĐBSCL sẽ rất khó khăn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.

10h: Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu khẳng định bão lũ sẽ còn xảy ra hàng năm như quy luật của thiên nhiên nên không thể dùng lòng tốt để khắc phục được hậu quả từ năm này sang năm khác. Cần có chiến lược lâu dài để rà soát hậu quả nặng nề của bão lụt.

"Chiến lược đó cần phải được bàn bạc cẩn thận ở cấp quốc gia, có sự đóng góp của nhiều chuyên gia trên nhiều lĩnh vực, từ vấn đề vĩ mô như thảo luận với các nước thượng nguồn sông đổ vào Việt Nam, hạn chế các nước xây và vận hành các thủy điện tới những việc cấp thiết như cập nhật bản đồ sạt lở khắp các vùng, xây nhà chống lũ, trang thiết bị cứu hộ, hệ thống cảnh báo lũ sớm, hiệu quả, có sẵn những khu tập trung người dân bị nạn khi lũ lụt. Có như vậy, người nghèo, yếu thế, lực lượng chức năng, cơ quan y tế mới tránh được những tổn thất, hy sinh đau xót", ông nói.

9h: Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thông tin nếu năm 1990 cả nước có khoảng 9 triệu ha rừng thì sau 30 năm chúng ta có 14,6 triệu ha, trong đó có 10,3 triệu ha rừng tự nhiên. Tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam là 42%, trong khi thế giới là 29%, đây là cố gắng vượt bậc cả hệ thống chính trị và toàn dân.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.

Chúng ta quyết tâm phát triển rừng để bảo vệ môi trường, thực hiện phát triển bền vững. Chính sách hỗ trợ người dân bảo vệ rừng tự nhiên tăng dần qua các năm và đến nay đạt mức 250.000 đồng/ha và Quốc hội đã yêu cầu nghiên cứu nâng lên mức 1 triệu đồng/ha. Đáng chú ý nguồn thu từ bảo vệ rừng tự nhiên ngày càng tăng như phí môi trường rừng một năm thu hơn 3.000 tỷ đồng, mới đây Việt Nam đã ký thỏa thuận bán 10 triệu tấn CO2, tương đương khoảng 50 triệu USD dành cho trồng rừng và bảo vệ rừng. Việt Nam đã được thế giới công nhận tham gia phát triển bền vững.

Ngoài ra 4,3 triệu ha rừng nguyên liệu đã cung cấp khoảng 30 mét khối nguyên liệu, đáp ứng phần lớn nhu cầu của 4.600 DN chế biến gỗ, kim ngạch xuất khẩu khoảng 13 tỷ USD trong năm 2020.

Tại khu vực ĐBSCL, sau khi có nghị định “thuận thiên” của Chính phủ, nông nghiệp ĐBSCL chuyển mạnh từ khai thác tự nhiên sang thích ứng, tái cơ cấu thời vụ, vùng sản xuất, chuyển đổi 400.000/1,8 triệu ha đất lúa sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả đạt giá trị cao.

Thời gian tới, nông nghiệp vùng ĐBSCL tiếp tục tái cơ cấu theo hướng thích ứng, căn cứ vào thị trường, nguồn nước, đưa KHCN kết hợp với kinh nghiệm dân gian để phát triển bền vững.

8h50: Đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) đề xuất xem xét lại vấn đề trồng rừng thay thế trong các dự án thủy điện, không đủ chức năng phòng hộ.

Nên khuyến khích người dân làm nhà sàn ở vùng sạt lở, nhà chống lụt ở vùng lụt và hầm tránh bão.

Đại biểu Phan Thái Bình.

Ngoài ra, ông Bình đề xuất nên có cơ chế cấp gạo không cho vùng dân tộc thiểu số miền núi để nhân dân khỏi trồng lúa rẫy, khuyến khích nhân dân giữ rãy làm rừng. Có thể tạo cho người dân ở các khu vực này nguồn sinh kế tại chỗ, giúp họ đảm bảo lương thực.

Cùng với đó là cơ chế khuyến khích trồng rừng vụ lớn, trồng cây bản địa, rừng sinh kế cho người dân. Cần quan tâm tới việc trồng rừng thay thế, đảm bảo nguyên tắc về vị trí trồng, phòng hộ, loại cây trồng.

8h40: Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) kiến nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua.

Thiên tai cũng cho thấy sự yếu kém về cơ sở hạ tầng ở đồng bằng Sông Cửu Long. Đại biểu Nguyễn Quốc Hận đề nghị cần có chính sách đầu tư để sớm khắc phục tình trạng này.

Ông đề xuất trong thời gian chưa tăng lương cơ sở thì Chính phủ cần có chính sách kiềm chế giá để đảm bảo đời sống cho người dân có thu nhập thấp (dưới 5 triệu đồng/tháng).

8h30: Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) cho rằng phát triển đường sắt đồ thị ở Hà Nội và TP.HCM toàn "tỷ USD" nhưng đều đội vốn, gây bức xúc.

Ông cho rằng các dự án này mới tính đến tính khả thi về tài chính chứ chưa tính đến khả thi liên kết với không gian đô thị hiện hữu.

Về đường sắt Cát Linh - Hà Đông, ông Thường bày tỏ mong muốn Quốc hội, Chính phủ "tháo gỡ các vướng mắc để cuối năm nay vận hành, không để lỡ hẹn lần thứ 9 với nhân dân".

"Cần đánh giá, rút kinh nghiệm về việc vay ODA xây dựng đường sắt đô thị, thận trọng với các điều kiện vay. Và việc đầu tư đường sắt đô thị chỉ hiệu quả khi xây toàn tuyến chứ không phải một đoạn tuyến", ông Thường nói.

8h15: Đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) đề nghị xây dựng chính sách để phát triển mô hình Doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ (Spin-off) tại các trường đại học của Việt Nam.

"Spin-off" là mô hình doanh nghiệp khởi nguồn từ trường đại học để thương mại hóa các công nghệ nghiên cứu tại trường. Mô hình này đã thành công tại nhiều trường học lớn trên thế giới, hàng năm tạo ra khoảng 100-200 doanh nghiệp với doanh thu lớn. Tuy nhiên, tại Việt Nam, mô hình "Spin-off" chưa được chú ý.

Quốc hội họp tập trung tại Hội trường.

8h: Trong phiên họp sáng nay, Quốc hội thảo luận về kết quả phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch năm 2021, bao gồm các vấn đề về an ninh nguồn nước, quản lý an toàn hồ, đập và phát triển điện lực; báo cáo kết quả 3 năm thực hiện nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Nhóm vấn đề thứ hai về kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020: Phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn.

Thứ ba, kết quả thực hiện nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Thứ tư, dự kiến mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và các kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính 5 năm quốc gia, giai đoạn 2021-2025.

Thứ năm, chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án hồ chứa nước sông Than (tỉnh Ninh Thuận), dự án hồ chứa nước Bản Mồng (tỉnh Nghệ An).

Trong phiên thảo luận, thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Nhạc Dương

Nguồn VTC: https://vtc.vn/truc-tiep-quoc-hoi-thao-luan-kinh-te-xa-hoi-va-ngan-sach-nha-nuoc-ar578619.html