Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã tiến hành thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nêu rõ, Ủy ban cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, quy định của Hiến pháp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Việc Lực lượng vũ trang nhân dân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc là thể hiện truyền thống yêu chuộng hòa bình, trách nhiệm với cộng đồng thế giới của Việt Nam, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đồng thời, là cơ hội để mở rộng hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực của Lực lượng vũ trang nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) bày tỏ sự nhất trí với dự thảo nghị quyết

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) bày tỏ sự nhất trí với dự thảo nghị quyết

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) bày tỏ sự nhất trí với dự thảo nghị quyết. Theo đại biểu, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là việc làm thể hiện quan điểm của Đảng, Việt Nam là một quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Thực tế Việt Nam đã cử quân đội tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các phái bộ Liên hợp quốc nhưng chưa có pháp luật điều chỉnh.

“Việc ban hành nghị quyết này không chỉ ghi nhận về mặt pháp lý hoạt động của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời gian qua mà còn tạo cơ sở pháp lý để chúng ta đưa lực lượng khác đi tham gia các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc”, đại biểu nói.

Đồng thời, đại biểu Nguyễn Mai Bộ đề nghị nghiên cứu Điều 6 xử lý vi phạm, khiếu nại theo hướng mọi trường hợp vi phạm pháp luật thì việc đối xử hay xử lý phải theo nguyên tắc ngoại giao, đặc biệt trong trường hợp nếu phạm tội thì thẩm quyền xét xử phải thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án Việt Nam. Bởi vì, các nước họ đều đưa người của mình về để họ xét xử và Việt Nam chưa tham gia Công ước Rome về Tòa án Hình sự quốc tế.

Đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) nhìn nhận, thẩm quyền quyết định lực lượng vũ trang nhân dân tham gia hoạt động bảo vệ hòa bình trên thế giới là của tập thể Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Chủ tịch nước là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh sẽ ký quyết định với tư cách là đại diện, thay mặt cho Hội đồng.

Vì vậy, để tránh gây ra cách hiểu khác nhau trong việc thực hiện, đại biểu đề nghị quy định rõ Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh ký thay mặt Hội đồng Quốc phòng và An ninh, đồng thời quy định rõ trên cơ sở quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh thì Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh sẽ ban hành quyết định về việc cử, điều chỉnh rút lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đề nghị quan tâm và tăng cường chế độ chính sách cho cán bộ, chiến sĩ tham gia các hoạt động này. Bởi vì, tham gia lực lượng này là đến những địa bàn rất khó khăn, thậm chí còn nguy hiểm đến cả tính mạng nữa.

“Ngoài những chế độ chính sách mà Liên hợp quốc cho các cán bộ chiến sĩ được hưởng, tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng có thêm những chế độ, chính sách khác nữa cho anh em thì rất tốt”, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương nói.

Hoạt động gìn giữ hòa bình là một trong những hoạt động quan trọng nhất của Liên hợp quốc. Từ năm 1948 đến tháng 7-2020, Liên hợp quốc đã triển khai tất cả 70 phái bộ được thành lập; có tới 125/193 nước thành viên Liên hợp quốc đang đóng góp lực lượng cho các phái bộ.

Thực tế, từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử 172 lượt cán bộ, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại các Phái bộ Cộng hòa Trung Phi, Nam Xu-đăng và Cục Hoạt động hòa bình tại Trụ sở Liên hợp quốc.

Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Quốc phòng chuẩn bị triển khai lực lượng công binh thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (quân số khoảng 320 người). Lực lượng tham gia của Việt Nam đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Đảng, Nhà nước, Nhân dân ghi nhận, đồng tình ủng hộ và Liên hợp quốc cùng cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/quoc-hoi-thao-luan-du-thao-nghi-quyet-ve-tham-gia-luc-luong-gin-giu-hoa-binh-cua-lien-hop-quoc-215008.html