Quốc hội Sri Lanka thông qua kiến nghị bất tín nhiệm tân Thủ tướng

Theo Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Karu Jayasuriya, các nghị sỹ đã thông qua kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ của tân Thủ tướng Mahinda Rajapakse và Quốc hội nước này sẽ nhóm họp vào ngày 19/11 tới.

Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena (phải) chứng kiến lễ tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng mới của ông Mahinda Rajapakse (trái) tại Colombo ngày 26/10. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena (phải) chứng kiến lễ tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng mới của ông Mahinda Rajapakse (trái) tại Colombo ngày 26/10. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 16/11, Quốc hội Sri Lanka đã thông qua kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ của tân Thủ tướng Mahinda Rajapakse.

Theo Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Karu Jayasuriya, các nghị sỹ đã thông qua kiến nghị trên và Quốc hội nước này sẽ nhóm họp vào ngày 19/11 tới.

Phiên họp Quốc hội Sri Lanka đã diễn ra vào lúc 14 giờ (theo giờ địa phương), tức muộn 30 phút so với lịch trình do tình trạng hỗn loạn nhiều nghị sỹ vây quanh bục Chủ tịch Quốc hội để phản đối và yêu cầu bắt giữ ngay lập tức 2 nghị sỹ của đảng Mặt trận Quốc gia thống nhất (UNF) vì đã mang dao vào tòa nhà Quốc hội trong phiên họp một ngày trước đó.

Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Sri Lanka, Chủ tịch Quốc hội tiến vào phòng họp dưới sự bảo vệ của hàng trăm cảnh sát.

Các nghị sỹ đã tiến hành biểu quyết bằng miệng thay vì bỏ phiếu đối với kiến nghị bất tín nhiệm đối với chính phủ của tân Thủ tướng Mahinda Rajapakse.

Trong tuyên bố sau phiên họp Quốc hội trên, Tổng thống Maithripala Sirisena đã kêu gọi các thành viên Quốc hội giữ vững và phát huy các nguyên tắc dân chủ và truyền thống lâu đời của cơ quan lập pháp này.

Ông đảm bảo sẽ không cản trở hoạt động của Quốc hội trong mọi tình huống.

Trong khi đó, người phát ngôn Chính phủ Sri Lanka cho biết chính phủ sẽ không chấp nhận cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm này với lý do đây là hành động "phi pháp."

Những căng thẳng trên chính trường Sri Lanka bùng phát từ ngày 26/10 vừa qua, khi Tổng thống Sirisena bất ngờ cách chức Thủ tướng của ông Ranil Wickremesinghe và bổ nhiệm cựu Tổng thống Rajapakse giữ chức vụ này.

Ngay sau khi cách chức ông Wickremesinghe, Tổng thống Sirisena đã đình chỉ hoạt động của Quốc hội từ ngày 27/10 và ấn định thời điểm tiến hành bầu cử sớm.

Tuy nhiên, ông Wickremesinghe cho rằng việc Tổng thống cách chức ông là không hợp hiến và theo đó ông vẫn là thủ tướng hợp pháp.

Ngày 15/11, Quốc hội Sri Lanka đã phải hoãn phiên họp do đụng độ giữa các nghị sỹ ủng hộ và phản đối chính phủ cũng như các cuộc tấn công nhằm vào Chủ tịch Quốc hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/quoc-hoi-sri-lanka-thong-qua-kien-nghi-bat-tin-nhiem-tan-thu-tuong/535383.vnp