Quốc hội Sri Lanka hỗn loạn do kiến nghị bất tín nhiệm tân Thủ tướng

Khi một nghị sỹ đảng đối lập đưa ra kiến nghị bất tín nhiệm tân Thủ tướng Mahinda Rajapakse, các nghị sỹ thuộc đảng của ông Rajapakse rầm rộ phản đối và tân thủ tướng lập tức rời khỏi phòng họp.

Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena (phải) chứng kiến lễ tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng mới của ông Mahinda Rajapakse (trái) tại Colombo ngày 26/10/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quốc hội Sri Lanka đã rơi vào tình trạng hỗn loạn ngày 14/11, khi một kiến nghị bất tín nhiệm tân Thủ tướng Mahinda Rajapakse được đưa ra bỏ phiếu.

Kiến nghị do nghị sỹ Anura Kumara thuộc đảng đối lập Janatha Vimukthi Peramuna (JVP) trình Chủ tịch Quốc hội Karu Jayasuriya.

Tuy nhiên, khi kiến nghị được đưa ra bỏ phiếu, các nghị sỹ thuộc đảng của ông Rajapakse rầm rộ phản đối và tân thủ tướng rời khỏi phòng họp.

Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Jayasuriya tuyên bố đa số thành viên trong quốc hội gồm 225 ghế đã ủng hộ kiến nghị bất tín nhiệm ông Rajapakse.

Những căng thẳng trên chính trường Sri Lanka bùng phát từ ngày 26/10 vừa qua, khi Tổng thống Maithripala Sirisena bất ngờ cách chức Thủ tướng của ông Ranil Wickremesinghe và bổ nhiệm cựu Tổng thống Rajapakse giữ chức vụ này.

Ngay sau khi cách chức ông Wickremesinghe, Tổng thống Sirisena đã đình chỉ hoạt động của Quốc hội từ ngày 27/10 và ấn định thời điểm tiến hành bầu cử sớm.

Tuy nhiên, ông Wickremesinghe cho rằng việc Tổng thống cách chức ông là không hợp hiến và theo đó ông vẫn là thủ tướng hợp pháp.

Đảng của ông Wickremesinghe là đảng lớn nhất tại Quốc hội, song Tổng thống Sirisena vẫn có quyền lựa chọn một thủ tướng kế tiếp

Ngày 13/11, Tòa án tối cao Sri Lanka tuyên bố đình chỉ sắc lệnh giải tán Quốc hội của Tổng thống Sirisena, đồng thời ra lệnh ngừng mọi công tác chuẩn bị cho các cuộc bầu cử sớm dự kiến diễn ra vào ngày 5/1/2019./.

Thanh Phương (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/quoc-hoi-sri-lanka-hon-loan-do-kien-nghi-bat-tin-nhiem-tan-thu-tuong/534887.vnp