Quốc hội sẽ chất vấn tất cả các thành viên Chính phủ

Điểm khác biệt của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, đó là Quốc hội sẽ dành 3 ngày của tuần làm việc thứ 2 này để thực hiện hoạt động chất vấn các thành viên Chính phủ. Theo chương trình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ không trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Toàn cảnh nghị trường. Ảnh quochoi.vn

Không ấn định người ngồi “ghế nóng”

Theo chương trình, hoạt động chất vấn sẽ bắt đầu từ sáng 30.10 đến hết ngày 1.11. Ngay sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội sẽ nghe 5 báo cáo. Sau khi hoàn tất các báo cáo, Quốc hội bắt đầu chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao về việc thực hiện các nội dung trên.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, điểm mới trong phiên chất vấn lần này là không chất vấn theo nhóm vấn đề, không lựa chọn danh sách “cứng” người ngồi “ghế nóng” mà chất vấn tất cả thành viên Chính phủ. Những bộ trưởng, trưởng ngành nào có nội dung liên quan đều phải trả lời.

Thông thường, tại kỳ họp giữa năm của Quốc hội, Thủ tướng sẽ ủy quyền cho một Phó Thủ tướng trả lời chất vấn, còn ở kỳ họp cuối năm thì đích thân Thủ tướng đăng đàn. Lần chất vấn này, do hoạt động đối ngoại, Thủ tướng không trực tiếp trả lời câu hỏi mà chỉ báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ tại cuối phiên.

Những câu hỏi gửi đến Bộ trưởng Thông tin Truyền thông sẽ được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời thay, do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mới nhậm chức ít ngày chưa nắm hết các vấn đề. Mỗi đại biểu nêu chất vấn ngắn gọn, người trả lời không quá 3 phút với chất vấn của một đại biểu.

Đánh giá về nội dung chất vấn tại kỳ họp lần này, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng, phương thức chất vấn lời hứa của các thành viên Chính phủ rất hay. “Phiên chất vấn kỳ trước là chọn chủ đề. Một số thành viên Chính phủ, các ngành được chọn, thậm chí là chọn chủ đề, cũng có mặt hay. Nhưng, tôi cho là phiên chất vấn kỳ này hay hơn. Bởi vì, một lĩnh vực không phải của chỉ bộ, ngành đó, mà liên quan tới các bộ, ngành khác. Phiên chất vấn này đặt ra những lần chất vấn từ kỳ họp đầu tiên đến nay, nhiều vấn đề của cử tri, Đại biểu Quốc hội đặt ra. Các tư lệnh ngành đã giải quyết như thế nào?” - đại biểu Sinh nêu.

Cũng theo đại biểu Sinh, đây là phiên chất vấn một cách tổng thể những vấn đề bức xúc, từ đầu nhiệm kỳ đến giờ. ĐB Sinh nhận định một số vấn đề các bộ, ngành giải quyết được nhưng có vấn đề không phải một sớm một chiều mà cần có thời gian để giải quyết tiệm cận được.

Hứa mà không làm sẽ rõ qua hoạt động chất vấn

Nhìn lại hoạt động chất vấn của kỳ họp trước - kỳ họp thứ 5, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đánh giá, ở phiên chất vấn tại các kỳ họp vừa qua, một số đại biểu có đặt câu hỏi về việc thực hiện lời hứa của các trưởng ngành. Nhưng đó chỉ là số ít. Còn rất nhiều nội dung chất vấn, các thành viên Chính phủ có hứa nhưng không ai theo dõi vấn đề xem việc thực hiện đến đâu. Vì vậy, theo cá nhân ông, việc đổi mới nội dung chất vấn ở kỳ họp thứ 6 là hoàn toàn đúng. Nó giúp cho các đại biểu, Quốc hội nắm sát được việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng, thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao...

“Tránh tình trạng chất vấn xong để đấy không ai theo dõi, không biết việc thực hiện đi đến đâu, kết quả ra làm sao” - ĐB Nhưỡng nhấn mạnh.

ĐB Nhưỡng phân tích, đại biểu đặt câu hỏi chất vấn mới chỉ là đặt ra vấn đề để giám sát. Còn việc chất vấn về lời hứa của các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành sẽ là cả quá trình giám sát từ lời hứa trước Quốc hội đến thực thi. “Việc đổi mới này giúp đi thẳng vào nội dung giám sát, thậm chí là việc hậu giám sát. Đảm bảo tính toàn diện của một quá trình giám sát” - ĐB Nhưỡng nói.

ĐB Nhưỡng cho rằng, đại biểu chất vấn về việc thực hiện lời hứa không chỉ cho cá nhân đại biểu mà đấy là vấn đề chung. Một đại biểu đặt câu hỏi chất vấn lời hứa của các tư lệnh ngành không có nghĩa là chỉ mình đại biểu giám sát mà đổi mới này là để cả Quốc hội giám sát. Quan trọng hơn cả, những vị trưởng ngành nào hứa rồi để đấy sẽ rõ qua các chất vấn của đại biểu.

Còn đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhìn nhận, phiên chất vấn này chắc chắn sẽ hấp dẫn, càng ngày càng hiện đại, không có câu hỏi chuẩn bị trước sẽ tạo thế chủ động cho các bộ trưởng. “Tôi cho rằng điều này không gây căng thẳng và áp lực với các thành viên Chính phủ, bởi các bộ trưởng lúc nào cũng phải sẵn sàng. Đã là Bộ trưởng thì phải có sự chuẩn bị đầy đủ đối với các vấn đề liên quan lĩnh vực mình phụ trách. Tôi kỳ vọng buổi chất vấn ngày mai sẽ sôi nổi, trọng tâm, chất lượng đi sâu vào vấn đề giáo dục và giao thông” - ĐB Tuấn nói.

CAO NGUYÊN - XUÂN HÙNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/quoc-hoi-se-chat-van-tat-ca-cac-thanh-vien-chinh-phu-638739.ldo