Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước như thế nào?

Chiều 22/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người duy nhất được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giới thiệu để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Vậy, quy trình bầu Chủ tịch nước sẽ thế nào?

Trình tự bầu Chủ tịch nước theo quy định tại Điều 31, Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (Nghị quyết số: 102/2015/QH13) như sau:

Ủy ban thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

Ngoài danh sách do Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị, đại biểu Quốc hội có quyền giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào chức danh Chủ tịch nước; người được giới thiệu ứng cử có quyền rút khỏi danh sách người ứng cử.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội có thể họp với các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội để trao đổi về các vấn đề có liên quan.

Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội; trình Quốc hội quyết định danh sách người ứng cử do đại biểu Quốc hội giới thiệu hoặc tự ứng cử.

Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước.

Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu.

Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, biểu quyết.

Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết bầu Chủ tịch nước.

Chủ tịch nước tuyên thệ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người duy nhất được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giới thiệu để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

Còn theo thông tin từ ngày làm việc đầu tiên, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV diễn ra ngày 22/10, cuối giờ chiều, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày tờ trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

Theo đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người duy nhất được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giới thiệu để Quốc hội bầu để đảm nhiệm chức vụ này.

Theo chương trình làm việc của kỳ họp thứ 6 đã được Quốc hội thông qua, sáng mai, thứ Ba, ngày 23/10/2018, Quốc hội sẽ thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước.

Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước.

Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước bằng hệ thống biểu quyết điện tử.

Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu (Ban kiểm phiếu tiếp tục làm việc trong các lần bỏ phiếu tiếp theo).

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy trình bày Tờ trình của Chủ tịch Quốc hội về dự kiến nhân sự thành viên Ban kiểm phiếu.

Quốc hội biểu quyết thông qua danh sách thành viên Ban kiểm phiếu bằng hệ thống biểu quyết điện tử.

Trưởng Ban kiểm phiếu phổ biến thể lệ bỏ phiếu.

Buổi chiều, từ 15h00, Trưởng Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu bầu Chủ tịch nước. Sau đó, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết bầu Chủ tịch nước để Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước.

Ngay sau khi được bầu, Chủ tịch nước tuyên thệ (phần tuyên thệ của Chủ tịch nước sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp).

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/quoc-hoi-se-bau-chu-tich-nuoc-nhu-the-nao-a408182.html