Quốc hội quyết dành 115.400 tỷ đồng chi trả nợ lãi trong năm 2020

Với 90,48% tổng số đại biểu tán thành, ngày 14/11, Quốc hội (QH) đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020. Theo đó, QH quyết dành 115.400 tỷ đồng chi trả nợ lãi; 14.600 tỷ đồng chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế…

Quốc hội (QH) đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020. Ảnh: Hương Giang

Quốc hội (QH) đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020. Ảnh: Hương Giang

Chi thường xuyên gần 480.000 tỷ đồng

Theo Nghị quyết, năm 2020 tổng thu ngân sách Trung ương là 851.768,636 tỷ đồng; tổng số thu ngân sách địa phương hơn 660.531 tỷ đồng.

Còn tổng chi ngân sách Trung ương khoảng 1.069.568 tỷ đồng, trong đó gần 367.710 tỷ đồng dành để bổ sung cân đối ngân sách địa phương; chi trả nợ lãi 115.400 tỷ đồng; chi đầu tư phát triển 220.000 tỷ đồng, chi hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước, đảng, đoàn thể 55.066 tỷ đồng...

Đáng chú ý, chi thường xuyên năm 2020 là gần 480.000 tỷ đồng; chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế thì giảm so với năm trước, còn 14.600 tỷ đồng (năm 2019 dự toán 16.200 tỷ đồng).

Ý kiến đại biểu cho rằng, chi thường xuyên còn lớn, nhiều nhiệm vụ chi còn chưa hiệu quả. Báo cáo giải trình của Chính phủ cho hay, tỷ trọng dự toán chi thường xuyên (không gồm chi tạo nguồn cải cách tiền lương, tinh giản biên chế) giảm 3,9% năm 2020; trong khi dự toán chi đầu tư phát triển tăng thêm 0,8%, lên mức 26,9% vào năm sau.

“Dự toán chi thường xuyên giao cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã được xây dựng trên cơ sở yêu cầu sắp xếp lại tổ chức bộ máy, giảm biên chế, đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp. Qua đó, cơ cấu lại nguồn để ưu tiên bố trí thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội. Lũy kế từ năm 2017 đến năm 2020 đã cắt giảm chi thường xuyên khối cơ quan Trung ương và yêu cầu các địa phương dành nguồn khi thực hiện các nhiệm vụ này khoảng 27-28 tỷ đồng”, báo cáo Chính phủ nêu.

Tuy nhiên, Chính phủ thừa nhận, số tuyệt đối chi thường xuyên vẫn tăng là do hàng năm thực hiện tăng lương, lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công… khoảng 7%, cao hơn so với tốc độ tinh giản biên chế; tăng chi an sinh xã hội…

Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu QH, Chính phủ cam kết, sẽ đẩy mạnh thực chất hơn nữa nhiệm vụ sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cắt giảm các nhiệm vụ chi không cần thiết, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách.

Kiên quyết cắt giảm số vốn bố trí không đúng quy định

Trước ý kiến đại biểu cho rằng phương án phân bổ chi đầu tư phát triển ngân sách Trung ương chưa cao, chưa đảm bảo vai trò chủ đạo theo Hiến pháp.

Giải trình của Chính phủ cho biết, dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020 Chính phủ trình là 470.600 tỷ đồng, chiếm gần 27% tổng chi ngân sách. Trong đó, chi đầu tư phát triển ngân sách Trung ương là 220.000 tỷ đồng, tăng 23.100 tỷ (khoảng 11,7%) so với dự toán 2019 và chiếm gần 47% tổng chi đầu tư phát triển.

Theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ dự kiến chi 220.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển là "nỗ lực trong điều hành ngân sách". Song, sau khi trừ các khoản chi cụ thể, nguồn phân bổ còn lại của ngân sách Trung ương chỉ khoảng 112.900 tỷ đồng là thấp so với yêu cầu.

Tại nghị quyết, QH giao Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ vốn đầu tư phát triển theo thứ tự ưu tiên đã được quy định trong Luật và Nghị quyết của Quốc hội có liên quan, ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước.

“Kiên quyết cắt giảm số vốn bố trí không đúng quy định; xử lý nghiêm các trường hợp để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; tuân thủ nghiêm danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp có thẩm quyền quyết định”, QH nêu rõ.

Yêu cầu tiếp theo với Chính phủ là điều hành kinh phí chi trả phí phát hành trái phiếu Chính phủ trong phạm vi dự toán chi trả nợ lãi của ngân sách Trung ương năm 2020 được Quốc hội quyết định. Chủ động thực hiện các giải pháp về cơ cấu lại nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công.

Cùng với đó, chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương và UBND các cấp quyết định giao dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2020 theo đúng nghị quyết của Quốc hội đến từng cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước trước ngày 31/12/2019, thực hiện công khai, báo cáo kết quả phân bổ và giao dự toán ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Giải ngân vốn đầu tư công đang là vấn đề “nóng”

Trước lo ngại của các đại biểu QH về giải ngân vốn đầu tư công, Ủy ban Thường vụ QH nhận định, đây vẫn đang là vấn đề “nóng”. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải, tỷ lệ vốn giải ngân liên tục giảm trong 5 năm qua, từ mức 64,8% năm 2015 về còn 49,1% năm 2019.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát quy trình, thủ tục, tập trung vào các điểm nghẽn, có nhiều vướng mắc, ảnh hưởng trực tiếp đến thời hạn phân bổ, giao kế hoạch vốn và giải ngân để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hơn hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

“Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật Đầu tư công; có chế tài xử lý đủ mạnh đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân gây chậm trễ trong việc giao kế hoạch vốn và giải ngân vốn”, ông Hải cho biết ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH.

Ủy ban Thường vụ QH còn đề nghị, tăng cường công tác theo dõi, đánh giá, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện kế hoạch đầu tư công và thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cụ thể; kịp thời đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh vốn của các công trình, dự án, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm cho các dự án được triển khai theo đúng tiến độ và kế hoạch đã đề ra.

Hương Giang

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/quoc-hoi-quyet-danh-115400-ty-dong-chi-tra-no-lai-trong-nam-2020_t114c1068n156668