Quốc hội quan tâm đặc biệt đến phát triển doanh nghiệp

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 22/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2018, những tháng đầu năm 2019, bên cạnh các vấn đề về kinh tế - xã hội, nội dung liên quan đến chiến lược, giải pháp để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước nói riêng được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm.

Để khu vực kinh tế tư nhân lớn và mạnh

Sáng ngày 20/5, trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, thay mặt Chính phủ báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, Chính phủ định hướng phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời thúc đẩy hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có tiềm lực mạnh, có năng lực cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Nội dung này được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm trong phiên thảo luận tại tổ sau đó.

Theo các đại biểu Quốc hội, Chính phủ cần tính toán để các DN FDI chiếm một tỷ lệ phù hợp trong nền kinh tế thì DN tư nhân trong nước mới phát triển được

Theo các đại biểu Quốc hội, Chính phủ cần tính toán để các DN FDI chiếm một tỷ lệ phù hợp trong nền kinh tế thì DN tư nhân trong nước mới phát triển được

Tại đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, từ trước đến nay chúng ta chỉ đặt vấn đề chung chung là phát triển kinh tế tư nhân mà ít nói đến vấn đề thúc đẩy hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn. Theo đại biểu, để thực hiện được định hướng này có hai vấn đề cần quan tâm. Thứ nhất, phải xem lại việc hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn xuất phát từ đâu và dựa vào cái gì bởi phần lớn các tập đoàn tư nhân lớn trong nước hiện đang khai thác yếu tố lợi thế sẵn có, như: đất đai, bất động sản, tài nguyên và thương mại... để phát triển.

“Con đường này các nước phát triển đã đi từ thế kỷ 15-16, đến nay người ta coi trọng việc sản xuất tạo ra chuỗi giá trị” - Đại biểu Cường nói và khuyến nghị, Chính phủ cần xem lại định hướng phát triển để có được những tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh.

Lo lắng trước việc khu vực kinh tế tư nhân nói chung, các tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước nói riêng đang chịu áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt đến từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đại biểu Cường liên hệ với tình hình chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và phân tích, khi chiến tranh thương mại nổ ra, các chuyên gia đã dự báo về sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc trong khi Việt Nam là quốc gia thu hút mạnh luồng vốn này sẽ tiếp tục tạo ra áp lực cạnh tranh lên khối tư nhân trong nước.

“Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 4 tháng đầu năm 2019, vốn FDI của Trung Quốc vào Việt Nam tăng 241% so với cùng kỳ năm trước” - Đại biểu dẫn số liệu chứng minh và nêu thực tế, trong khi đó ở Việt Nam, doanh nghiệp ra đời nhiều nhưng số doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn ngừng hoạt động cũng rất cao, có thời điểm lên đến 52%. Vì vậy, Chính phủ cần có định hướng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, tập trung ưu tiên ở những lĩnh vực doanh nghiệp trong nước chưa phát triển được, những lĩnh vực chuyển giao công nghệ mới… để tạo động lực cho kinh tế tư nhân trong nước phát triển.

Nâng cao hơn nữa năng suất lao động

Cũng nêu vấn đề liên quan đến doanh nghiệp song đại biểu Nguyễn Thanh Quang (Đoàn TP. Đà Nẵng) quan tâm đến năng suất lao động. Đưa số liệu từ ngành dệt may, đại biểu cho biết hiện lĩnh vực này thu hút tới 8,6 triệu lao động – con số rất lớn trong tổng số lao động của cả nước – song phần lớn là lao động thủ công, năng suất không cao trong khi đó, với những tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu các chủ sử dụng lao động áp dụng khoa học công nghệ, máy móc tiên tiến trong sản xuất thì sẽ có rất nhiều người người lao động thất nghiệp. Đại biểu Quang cho rằng, Chính phủ cần sớm có giải pháp giải quyết việc làm cho lực lượng lao động dôi dư này một cách phù hợp.

Cùng bàn về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đoàn Đà Nẵng) đánh giá, năng suất lao động của nước ta tụt hậu, thấp hơn cả Lào, Campuchia - những nước đi sau nhưng giờ đây năng suất lao động đã vượt ta. Hơn thế, “Chưa kể hiện nay hàng hóa nước ngoài đang chiếm quá nửa trong nền kinh tế, có mặt hàng chiếm tới 70%, trong khi 20 năm qua chúng ta chưa có sản phẩm công nghiệp của riêng mình” – Đại biểu Sơn lo lắng.

Đại biểu Sơn phân tích thêm, dù GDP có đạt chỉ tiêu đề ra nhưng tốc độ tăng tưởng của nền kinh tế vẫn thấp và lạc hậu, tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn, lao động và tài nguyên chứ không phải do đổi mới sáng tạo và hiện thấp hơn nhiều so với Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản... Do đó, nếu đổi mới sáng tạo không nhanh chúng ta sẽ lạc hậu.

Trên góc độ chính sách an sinh đối với người lao động trong các doanh nghiệp với số liệu nợ bảo hiển xã hội hiện ở mức 650 nghìn tỷ đồng, nếu chủ doanh nghiệp bỏ trốn thì người lao động sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đại biểu Nguyễn Thanh Quang đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn đến vấn đề này.

Theo dự kiến chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ tiếp tục dành 1,5 ngày (ngày 30/5 và sáng 31/5) để thảo luận tại hội trường về nội dung đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019. Cũng trong các phiên họp này, Quốc hội sẽ kết hợp thảo luận các nội dung về: việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công; kết quả kiểm điểm và xử lý trách nhiệm trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Hoàng Châu - Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quoc-hoi-quan-tam-dac-biet-den-phat-trien-doanh-nghiep-120021.html