Quốc hội nghe thẩm tra dự án Luật Thanh niên (sửa đổi)

Chiều ngày 15/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, đa số ý kiến thống nhất về sự cần thiết sửa đổi Luật Thanh niên với những lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nếu Dự thảo vẫn chỉ quy định về quyền, nghĩa vụ, chính sách cho thanh niên với tư cách là công dân nói chung và không có đặc thù so với các công dân khác thì cần cân nhắc việc ban hành Luật Thanh niên (sửa đổi).

Ủy ban nhận thấy, qua hơn mười năm thực hiện Luật, tình hình kinh tế - chính trị - xã hội đã có nhiều thay đổi, đặt ra nhiều vấn đề mới đối với thanh niên trong công cuộc xây dựng đất nước thời kì hội nhập. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Thanh niên là yêu cầu tất yếu khách quan, một mặt đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đề ra, mặt khác nhằm thể chế hóa các quan điểm, Nghị quyết của Đảng về công tác thanh niên; cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013; khắc phục những bất cập trong thực tiễn thi hành. Ủy ban nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm tạo hành lang pháp lý và điều kiện cho thanh niên phát huy sức trẻ, trí tuệ đóng góp vào sự phát triển của quốc gia, dân tộc.

Về định hướng xây dựng Luật, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thống nhất với định hướng xây dựng Luật vừa quy định những vấn đề có tính nguyên tắc vừa quy định cụ thể, chi tiết, đồng thời có các biện pháp bảo đảm thi hành và nhấn mạnh dự thảo Luật cần tạo hành lang pháp lý tạo điều kiện cho thanh niên - một lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc trở thành lực lượng đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo

Về độ tuổi thanh niên, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, cung cấp thông tin về độ tuổi thanh niên ở một số nước có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng với Việt Nam, đồng thời có báo cáo đánh giá tác động về các chính sách của Nhà nước dành cho thanh niên để đại biểu Quốc hội có căn cứ quyết định.

Liên quan đến quản lý nhà nước về thanh niên, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc nội dung này để đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thanh niên, có báo cáo đánh giá tác động cụ thể về từng phương án để trình xin ý kiến Quốc hội.

Đối với nội dung về Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị Ban soạn thảo tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động của mô hình Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc để đảm bảo tính hợp lý, khả thi của các quy định trong dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, nhìn chung, hồ sơ dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) được chuẩn bị tương đối đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, nội dung một số tài liệu như Tờ trình, Báo cáo đánh giá tác động… còn chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, chưa bám sát nội dung của dự thảo Luật.

Do vậy, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị Ban soạn thảo hoàn thiện các tài liệu trong hồ sơ dự án Luật, bổ sung nội dung về chi phí, lợi ích, các tác động tích cực, tiêu cực về kinh tế, xã hội trong Báo cáo đánh giá tác động.

Bên cạnh đó, Dự thảo có 18/62 điều quy định Nhà nước có chính sách; 09 điều giao Chính phủ quy định chi tiết, trong đó có những chính sách quan trọng chưa thể hiện rõ nội dung và phạm vi giao quy định chi tiết (như khoản 4 Điều 34, khoản 5 Điều 37, khoản 4 Điều 38...). Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị Ban soạn thảo cụ thể hóa về phạm vi và nội dung các chính sách dự kiến giao Chính phủ để đảm bảo tính thống nhất của Nghị định với nội dung và tinh thần của Luật, đồng thời nghiên cứu cụ thể hóa một số vấn đề tại dự thảo Luật để giảm nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết.

Ngoài ra, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo rà soát nội dung và hình thức văn bản; sắp xếp, trình bày lại các chương, điều cho hợp lý và chặt chẽ hơn, đảm bảo kỹ thuật soạn thảo văn bản và kỹ thuật lập pháp.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nhấn mạnh, trên cơ sở Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng trình Quốc hội xem xét, quyết định./.

Thu Phương- Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=42935