Quốc hội nghe thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, sáng ngày 11/11, Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng báo cáo một số nội dung

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, thực hiện nhiệm vụ thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai (PCTT) và Luật Đê điều; căn cứ vào hồ sơ dự án Luật gồm Tờ trình số 347/TTr-CP ngày 23/8/2019 của Chính phủ trình Quốc hội, dự thảo Luật và các văn bản kèm theo, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã nghiên cứu Hồ sơ Dự án Luật và các tài liệu có liên quan; tổ chức 03 Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật này tại 03 miền Bắc, Trung, Nam; đồng thời đã tổ chức thực hiện giám sát chuyên đề về nội dung này ngay từ đầu năm 2019. Ngày 03/9/2019, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật. Ngày 09/9/2019, tại Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật này và nhất trí cho rằng dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đã nhận được Báo cáo tham gia thẩm tra của Hội đồng dân tộc, của Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Về các vấn đề xã hội; Báo cáo đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật của 32 tỉnh, thành phố. Ngày 04/10/2019, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 10, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã thẩm tra dự án Luật này. Tham dự Phiên họp có Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và các cơ quan hữu quan. Ủy ban báo cáo Quốc hội ý kiến thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều như sau:

Về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTT và Luật Đê điều như Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, trước tình trạng gia tăng quy mô, loại hình, tần suất và diễn biến bất thường, cực đoan của thiên tai; thiệt hại do thiên tai ngày càng lớn. Theo đánh giá của một số tổ chức quốc tế có uy tín, Việt Nam đang là một trong 05 quốc gia bị ảnh hưởng lớn do thiên tai và biến đổi khí hậu, Ủy ban nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án Luật lần này còn góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi để: Phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước trong PCTT; Huy động nguồn lực đầu tư cho PCTT và đê điều nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế trước tác động của thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; Tận dụng tối đa nguồn lực hỗ trợ của các chính phủ, cộng đồng quốc tế cho công tác PCTT ở Việt Nam và thực hiện tốt cam kết, thỏa thuận quốc tế.

Toàn cảnh Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Về phạm vi sửa đổi của dự án Luật, dự án Luật được Chính phủ trình Quốc hội chỉ đề nghị sửa đổi, bổ sung tại 23 khoản tại 19/47 Điều của Luật PCTT và 8/48 điều của Luật Đê điều. Tuy nhiên, qua nghiên cứu báo cáo tổng kết thực thi 02 Luật và giám sát thực tế việc thực thi chính sách pháp luật về PCTT giai đoạn 2014 – 2018, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, có một số vấn đề cần được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tế và yêu cầu PCTT và quản lý đê điều trong tình hình mới như: Các giải pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng; Huy động nguồn lực ngoài NSNN, đặc biệt là nguồn lực tài chính từ khu vực doanh nghiệp cho công tác PCTT và quản lý đê điều; Cơ chế khai thác lợi ích từ việc đầu tư xây dựng công trình PCTT, đê điều để đầu tư trở lại cho công tác PCTT; Kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động cơ quan chỉ đạo, chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn; chuyên môn hóa nguồn nhân lực trong PCTT; Áp dụng khoa học- công nghệ trong PCTT và quản lý đê điều để tạo sự chủ động trong quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực cho PCTT…

Đối với một số vấn đề khác của dự Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng cho biết, tại Hội nghị thẩm tra nhiều đại biểu còn góp ý cho các quy định: về thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai cho phù hợp với đối tượng dễ bị tổn thương; về phân định trách nhiệm giữa Ban chỉ đạo, chỉ huy PCTT với trách nhiệm Ủy ban Quốc gia về tìm kiếm cứu nạn nhằm tránh chồng chéo trong thực thi nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn; về giải thích khái niệm “bờ sông” trong Luật Đê điều; về việc sửa đổi tên Ban chỉ đạo trung ương về PCTT, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn,.. trong một số luật có liên quan (tại Điều 3 Điều khoản thi hành); về văn phong, câu chữ; về tương thích giữa các quy định mới bổ sung trong dự thảo Luật của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều với quy định trong 02 Luật hiện hành để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; bổ sung quy định về điều, khoản chuyển tiếp trong 02 Luật…

Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng nêu rõ, qua nghiên cứu, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, về cơ bản hồ sơ dự án Luật của Chính phủ trình Quốc hội đã được chuẩn bị công phu, đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ban soạn thảo đã tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật; tham khảo chính sách, pháp luật về PCTT và quản lý đê điều của một số quốc gia; đánh giá tác động của việc ban hành Luật; đã có dự thảo một số Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật. Nội dung dự thảo Luật đã tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; nội dung các quy định sửa đổi, bổ sung cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước và yêu cầu hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động PCTT và quản lý đê điều. Để có cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật, theo sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bên cạnh những vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội quan tâm, Ủy ban trân trọng đề nghị tập trung thảo luận sâu thêm về một số vấn đề sau đây: về các loại hình thiên tai, các công trình PCTT đề nghị bổ sung; Quỹ phòng chống thiên tai ở trung ương; Tài chính cho phòng chống thiên tai; sử dụng bãi nổi, cù lao nơi chưa có công trình xây dựng; xử lý công trình, nhà ở hiện có ở bãi nổi và cù lao; quy định về xây cầu qua sông có đê; đổi tên Ban chỉ đạo, chỉ huy về phòng chống thiên tai./.

Hồ Hương- Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=42819