Quốc hội nghe thẩm tra dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Sáng ngày 15/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tính tương thích với một số quy định của các luật mới ban hành, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật. Qua đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư kinh doanh tại doanh nghiệp; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập kinh tế quốc tế.

Hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị đầy đủ theo quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, đối với những chính sách mới như: bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu, thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp; điều chỉnh khái niệm doanh nghiệp nhà nước; mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với hộ kinh doanh, bổ sung đăng ký qua mạng thông tin điện tử, tuy đã có Báo cáo đánh giá tác động chính sách, cần lấy ý kiến rộng rãi về những chính sách này, qua đó đánh giá đầy đủ, toàn diện các yếu tố thuận lợi, khó khăn và tính khả thi của từng chính sách.

Về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hộ kinh doanh là cần thiết. Tuy nhiên, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật là một vấn đề lớn, phạm vi rất rộng, cần đánh giá kỹ tác động, lấy ý kiến rộng rãi của đối tượng chịu tác động (hộ kinh doanh), đề nghị cân nhắc nghiên cứu xây dựng một Nghị định riêng về hộ kinh doanh bảo đảm khuyến khích, quản lý hộ kinh doanh để họ phát triển sản xuất kinh doanh theo năng lực và tuân thủ pháp luật, khi đủ điều kiện sẽ xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo

Về doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Ủy ban Kinh tế cho rằng việc thay đổi khái niệm DNNN như quy định tại dự thảo Luật là một vấn đề lớn, quan trọng, đề nghị đánh giá kỹ tác động của việc thay đổi khái niệm DNNN tới hoạt động của các doanh nghiệp sẽ trở thành DNNN theo quy định của dự thảo Luật này, đánh giá tác động đến việc thực hiện mục tiêu cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối hoặc không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp. Đề nghị tiếp tục rà soát dự án Luật và tất cả các luật khác có liên quan, nếu có nội dung cần phải điều chỉnh hoặc bãi bỏ thì quy định rõ tại dự thảo Luật, khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy định điều khoản chuyển tiếp; bổ sung quy định việc xử lý đối với các doanh nghiệp sẽ trở thành DNNN sau khi Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) có hiệu lực thi hành nhằm tránh gây xáo trộn, khó khăn không cần thiết cho hoạt động của doanh nghiệp.

Đồng thời, đề nghị nghiên cứu, xác định tỷ lệ nắm giữ vốn góp hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Nhà nước phù hợp (tỷ lệ thấp nhất là 75%), bảo đảm được sự chi phối của Nhà nước trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp, đồng thời hài hòa với quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên góp vốn, cổ đông khác nhằm tạo thuận lợi trong việc thực hiện mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Liên quan đến việc thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử, Ủy ban Kinh tế tán thành với dự thảo Luật, tuy nhiên, đề nghị rà soát, nghiên cứu bổ sung quy định bảo đảm quản lý nhà nước đối với việc đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử, kiểm soát chữ ký số công cộng, bảo đảm tính pháp lý của chữ ký điện tử để có thể giải quyết các tranh chấp pháp lý (nếu có) xảy ra liên quan đến vấn đề này.

Đối với nội dung về con dấu của doanh nghiệp, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần phải đánh giá tác động, cân nhắc kỹ khi bỏ con dấu trong điều kiện, môi trường kinh doanh ở nước ta hiện nay, nên thận trọng, tiếp cận từng bước vấn đề này.

Về quyền của cổ đông phổ thông, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc giảm yêu cầu tỷ lệ sở hữu tổng số cổ phần phổ thông của cổ đông hoặc nhóm cổ đông đối với việc thực hiện một số quyền trên tinh thần bảo vệ quyền lợi của cổ đông nhỏ, nhưng cần xem xét lợi ích của các cổ đông lớn trong doanh nghiệp, đối tượng chịu nhiều tác động hơn từ kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ủy ban Kinh tế đề nghị thuyết minh, làm rõ cơ sở của việc đưa ra đề xuất về tỷ lệ sở hữu tổng số cổ phần phổ thông là 3%, đồng thời, cần đánh giá đầy đủ tác động về kinh tế, xã hội của quy định này đối với các đối tượng liên quan nhằm tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp.

Ủy ban Kinh tế nhận thấy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông trên cơ sở hài hòa với tổ chức được Chính phủ ủy quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết, cần quy định rõ tại dự thảo Luật về số lượng, điều kiện phát hành, quyền của cổ đông nắm giữ chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết; việc chuyển đổi chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết thành cổ phiếu phổ thông, quyền biểu quyết đối với cổ phần phổ thông đã được dùng làm tài sản cơ sở để phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết.

Về phát hành trái phiếu, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, phát hành trái phiếu là vấn đề rất quan trọng, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư (nhất là công ty không đại chúng), thị trường trái phiếu, thị trường tài chính, nên cần phải quản lý và kiểm soát chặt chẽ từ khâu phát hành và trong suốt quá trình giao dịch. Dự thảo Luật quy định điều kiện, trình tự, thủ tục phát hành trái phiếu riêng lẻ đối với công ty không phải là đại chúng và giao Chính phủ quy định chi tiết về loại trái phiếu, điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục phát hành trái phiếu riêng lẻ đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần không phải là đại chúng, đề nghị cần quy định rõ các cấp độ yêu cầu điều kiện phát hành khác nhau căn cứ vào quy mô và thời hạn phát hành để một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm quản lý nhà nước, bảo vệ nhà đầu tư. Các trường hợp phát hành trái phiếu ra công chúng, phát hành trái phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Đồng thời, đề nghị rà soát bảo đảm tính thống nhất với dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp dự án.

Ngoài ra, đề nghị tiếp tục rà soát, bảo đảm khắc phục những chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn giữa các quy định của Luật Doanh nghiệp với các luật khác có liên quan; nghiên cứu, luật hóa tối đa các quy định của văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm có tính ổn định trong thực tiễn và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, quy định chi tiết hơn những điều khoản về điều kiện, nguyên tắc áp dụng để giảm bớt các điều giao Chính phủ quy định trong dự thảo Luật; phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát về từ ngữ, câu chữ, kỹ thuật văn bản để hoàn thiện dự án Luật, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, trên cơ sở Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Ủy ban Kinh tế trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến./.

Thu Phương- Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=42923