Quốc hội nghe báo cáo về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017

Chiều 20-5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2017 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; đồng thời là năm đầu thực hiện Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và triển khai Nghị quyết số 07/NQ-TW ngày 18-11-2016 của Bộ Chính trị về cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình trước Quốc hội. Ảnh: Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình trước Quốc hội. Ảnh: Quốc hội.

Trong điều kiện tình hình kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong bối cảnh hội nhập và những yếu kém về trình độ lao động so với khu vực và thế giới, đồng thời chịu tác động của biến đổi khí hậu; thu ngân sách nhà nước từ các khu vực kinh tế không đạt dự toán Quốc hội quyết định, gây áp lực lên cân đối ngân sách, đặc biệt là ngân sách Trung ương giảm, trong khi nhu cầu chi tăng cao cả về chi đầu tư cơ sở hạ tầng và chi an sinh xã hội.

Vì vậy, nhiệm vụ tài chính ngân sách được Quốc hội quyết định cho năm 2017 có nhiều nội dung quan trọng bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2017 và cả giai đoạn 2016-2020 theo định hướng Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra.

Căn cứ quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2017; trên cơ sở thẩm định, tổng hợp quyết toán ngân sách của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo quy định, Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước của Kiểm toán Nhà nước, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 34 ngày 8-5-2019, Chính phủ đã có Báo cáo số 197/BC-CP ngày 13-5-2019 về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Theo đó, kết quả chi ngân sách nhà nước như sau: Dự toán chi ngân sách nhà nước 1.390.480 tỷ đồng, quyết toán 1.355.034 tỷ đồng, bằng 97,5% (giảm 35.446 tỷ đồng) so với dự toán, chủ yếu do một số khoản chi triển khai chậm (như các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu) nên bị hủy dự toán hoặc chuyển nguồn sang năm sau chi tiếp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã thực hiện điều hành chi ngân sách bám sát mục tiêu, dự toán ngân sách được giao. Quyết toán chi ngân sách Trung ương là 564.531 tỷ đồng, bằng 95,1% so với dự toán. Quyết toán chi ngân sách địa phương là 790.503 tỷ đồng, bằng 99,2% so với dự toán.

Sau đó, qua thẩm tra, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội thống nhất với báo cáo, số liệu của Chính phủ và trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017 như sau: Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước bao gồm cả nguồn năm 2016 chuyển sang năm 2017, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2016, và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và chênh lệch bội thu với bội chi ngân sách địa phương để trả nợ gốc. Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước bao gồm cả nguồn năm 2017 chuyển sang năm 2018. Bội chi ngân sách nhà nước bằng 2,74% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương).

* Cũng trong chiều 20-5, Quốc hội cũng nghe Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình trước Quốc hội. Ảnh: Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ theo trình tự, thủ tục rút gọn là cần thiết nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động một cách hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế-xã hội. Đồng thời, bảo đảm sự tương thích với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Trong đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm tập trung sửa đổi, bổ sung quy định về quyền tham gia các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; bổ sung quy định về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; sửa đổi, bổ sung quy định về nội dung quản lý nhà nước đối với hoạt động phụ trợ bảo hiểm...

Đối với Luật Sở hữu trí tuệ, sửa đổi các quy định về sáng chế, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/quoc-hoi-nghe-bao-cao-ve-quyet-toan-ngan-sach-nha-nuoc-nam-2017-574590