Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam

Chiều 29/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, ngay sau khi nghe trình bày Tờ trình, Quốc hội nghe trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam

Trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt nêu rõ, qua thẩm tra, Ủy ban Quốc phòng – An ninh tán thành với sự cần thiết ban hành Luật nhằm luật hóa các quy định về cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam đã được thí điểm trong thời gian qua; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về xuất nhập cảnh, khắc phục được những bất cập, hạn chế của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và có bổ sung điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm sự thuận lợi, thông thoáng về thủ tục, chặt chẽ về mặt quản lý nhà nước đối với hoạt động này.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày báo cáo thẩm tra

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày báo cáo thẩm tra

Bên cạnh đó, Ủy ban Quốc phòng – An ninh còn cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam còn nhằm thể chế hóa chủ trương đối ngoại của Đảng và bảo đảm phù hợp với các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập trong thời gian vừa qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt nhấn mạnh, nội dung dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng có liên quan đến xuất nhập cảnh, bảo vệ an ninh quốc gia và hội nhập quốc tế, bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bảo đảm tính khả thi. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng dự thảo Luật để bảo đảm các yêu cầu nêu trên.

Nhất trí với việc luật hóa quy định cấp thị thực điện tử

Về cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là chính sách mới, thể hiện quyết tâm cải cách hành chính triệt để của Chính phủ, phù hợp chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Qua tổng kết việc thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam đã khẳng định là cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế của đất nước, được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao, tạo hiệu ứng tích cực vì thủ tục thông thoáng, thuận lợi, công khai, minh bạch, giúp người nước ngoài có nhiều lựa chọn khi có nhu cầu nhập cảnh Việt Nam nên việc luật hóa cấp thị thực điện tử vào dự thảo Luật này là cần thiết. Do vậy, Ủy ban Quốc phòng – An ninh tán thành với quy định của dự thảo Luật quy định trình tự, thủ tục cấp thị thực điện tử.

Cần giữ nguyên quy định về đơn phương miễn thị thực như Luật hiện hành

Liên quan đến việc bổ sung quy định đơn phương miễn thị thực, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt cho rằng với chủ trương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam thì không nên thu hẹp diện các nước được đơn phương miễn thị thực, mà ngược lại cần thiết phải mở rộng diện các nước được đơn phương miễn thị thực.

Mở rộng diện các nước được miễn thị thực cũng là một trong những nội dung đã được Chính phủ quan tâm, đã giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với các bộ có liên quan nghiên cứu, đề xuất tại Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ. Hơn nữa, khi Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh thì công dân Việt Nam cũng sẽ được các nước tạo điều kiện thuận lợi hơn khi họ xuất cảnh ra nước ngoài.

Do đó, Ủy ban Quốc phòng – An ninh đề nghị không bổ sung điều kiện bắt buộc nước khác phải có chính sách tạo điều kiện hoặc đơn phương miễn thị thực cho công dân Việt Nam trước, mà cần giữ nguyên quy định về đơn phương miễn thị thực tại khoản 1 Điều 13 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Ngoài ra, thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng – An ninh cũng nhất trí với việc bổ sung trường hợp chính đáng được chuyển đổi mục đích thị thực theo điều kiện rõ ràng như đã thể hiện trong dự thảo Luật; tán thành việc bổ sung trường hợp được miễn thị thực có điều kiện đối với các khu kinh tế ven biển và giao Chính phủ quyết định; sửa đổi điều kiện nhập cảnh, điều kiện xuất cảnh. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật quy định cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu, quy định nguyên tắc về cấp chứng nhận tạm trú qua cổng kiểm soát tự động và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Ngay sau khi nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam tại hội trường, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật này./.

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=42598