QUỐC HỘI NGHE BÁO CÁO GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT KỲ HỌP THỨ 10, QUỐC HỘI KHÓA XIV

Trong phiên bế mạc Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, trước khi Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ngày 15/11/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Có 369/400 đại biểu Quốc hội nhất trí hoàn toàn với dự thảo Nghị quyết và 31 đại biểu Quốc hội góp ý cụ thể vào Điều 1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về Điều 1 như sau:

Tại khoản 6, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung xây dựng, hoàn thiện pháp luật về hành chính công, dịch vụ công. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Các giải pháp đưa ra trong giai đoạn này tập trung vào những nội dung lớn, có tính định hướng. Đối với việc xây dựng hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực cụ thể, căn cứ vào yêu cầu thực tiễn Quốc hội sẽ xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm. Do đó, đề nghị không bổ sung nội dung này vào dự thảo Nghị quyết.

Có ý kiến đề nghị bổ sung các nội dung về an ninh nguồn nước, quản lý an toàn hồ đập và phát triển điện lực (đã được báo cáo Quốc hội qua videoclip và được thảo luận cùng kinh tế - xã hội). Các nội dung này đã được đề cập trong Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 vừa được Quốc hội thông qua và dự thảo Nghị quyết về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Vì vậy, đề nghị không bổ sung các nội dung này trong dự thảo Nghị quyết.

Có ý kiến đề nghị bổ sung một số ưu tiên về việc bố trí vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 như: hạn hán, xâm nhập mặn, hạ tầng kỹ thuật nghề cá, khu neo đậu tàu, thuyền tránh, trú bão, các dự án giao thông có tính liên kết vùng Duyên Hải Miền Trung, Tây Bắc, Nam Trung Bộ; các trường học ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; các công trình phục vụ hoạt động của các cơ quan tư pháp; bảo đảm an ninh năng lượng; xử lý ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy, sông Tô Lịch, sông Cầu; dự án phòng, chống sạt lở núi, đồi, triền núi, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; dự án đường tuần tra biên giới, rà phá bom, mìn, vật liệu nổ; các địa phương có kế hoạch trồng 8000 ha rừng/năm. Ý kiến khác đề nghị bỏ nội dung ưu tiên vốn đầu tư công cho các địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao vì đã có quy định. Một số ý kiến đề nghị lưu ý bố trí nguồn vốn khẩn cấp, ưu tiên bố trí vốn để khắc phục hậu quả bão, lụt tại các tỉnh miền Trung trong thời gian qua.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Trên cơ sở nghiên cứu, cân nhắc ý kiến đại biểu Quốc hội và xem xét một số quy định liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng một số lĩnh vực, đối tượng nêu trên đã được quy định trong Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 hoặc đã được đề cập trong dự thảo Nghị quyết về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho phép tiếp thu như đã thể hiện trong khoản 6 Điều 1 của dự thảo Nghị quyết, trong đó có bổ sung cụm từ “hạ tầng cảng nghề cá, khu vực neo đậu tàu, thuyền tránh, trú bão”.

Đối với đề nghị ưu tiên bố trí vốn để khắc phục hậu quả bão, lụt tại các tỉnh miền Trung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng ý kiến rất xác đáng, phù hợp. Tuy nhiên, thực hiện quy định tại Điều 10 Luật Ngân sách nhà nước, hàng năm, Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước có bố trí một khoản dự phòng ngân sách khoảng 2-4% tổng chi ngân sách mỗi cấp để sử dụng chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm hỏa, dịch bệnh, cứu đói. Đồng thời, dự thảo Nghị quyết cũng đã quy định “Lưu ý bố trí vốn cho một số dự án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai,…”. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết.

Tại khoản 8, có ý kiến đề nghị bổ sung vấn đề phòng, chống oan sai, các vụ án oan sai. Nội dung nêu trên đã được thể hiện trong dự thảo Nghị quyết số 96/2019/QH14 về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án nên đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết.

Tại khoản 9, có đại biểu đề nghị thay thế cụm từ “vai trò đầu tầu” bằng cụm từ “phát huy tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực” và bổ sung cụm từ“bảo đảm hiệu quả quyền giám sát của Nhân dân” vào sau cụm từ “tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố”. Về ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và đã thể hiện trong dự thảo Nghị quyết.

Toàn cảnh phiên họp.

Tại khoản 10, có ý kiến đề nghị bổ sung vào cuối đoạn này các nội dung: Bảo đảm nguồn lực để sớm hoàn thành dự án (có thể chốt thời hạn hoàn thành); trồng rừng thay thế diện tích rừng được chuyển đổi mục đích sử dụng để thực hiện dự án; chú ý việc trồng rừng thay thế phải lựa chọn cây trồng, địa điểm trồng bảo đảm chức năng phòng hộ…; quan tâm sớm ổn định đời sống, sản xuất của các hộ dân phải di dời trong vùng dự án. Có ý kiến đề nghị cân nhắc bỏ câu “Giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện theo quy định của pháp luật”. Về vấn đề này, Chính phủ chỉ trình Quốc hội quyết định chủ trương cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để thực hiện dự án và không đề nghị bảo đảm nguồn lực. Việc trồng rừng thay thế đã được quy định trong Luật Lâm nghiệp và các quy định của pháp luật có liên quan. Vì vậy, đề nghị xin giữ cụm từ “Giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện theo quy định của pháp luật” và bổ sung cụm từ “quan tâm sớm ổn định đời sống của các hộ dân phải di dời trong vùng dự án” vào cuối khoản này.

Tại khoản 11, trong câu đầu tiên của khoản này: Có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19” vào sau cụm từ “Nhất trí với đề nghị của Chính phủ”. Ý kiến khác đề nghị sửa đổi câu này thành: “Đồng ý với đề án của Chính phủ và hỗ trợ cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam…”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Chính phủ không trình Quốc hội một đề án riêng mà chỉ báo cáo các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong đó đề xuất 02 giải pháp cụ thể để đưa vào Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Do đó, sau khi cân nhắc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và thể hiện như sau: “Nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 như sau:”

Tại điểm a, có ý kiến đề nghị ghi rõ 4000 tỷ đồng cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng vấn đề nêu trên thuộc thẩm quyền của Chính phủ, nên để Chính phủ chủ động trong việc tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 theo tình hình thực tế. Do vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết.

Tại điểm d, có ý kiến đề nghị thay thế cụm từ “tiếp tục có giải pháp” (sau cụm từ “Tổng công ty Hàng không Việt Nam cần”) bằng cụm từ “ban hành đề án tái cấu trúc”; cân nhắc nội dung“bảo đảm quyền lợi người lao động” trong dự thảo Nghị quyết vì vấn đề này đã được pháp luật điều chỉnh. Ý kiến khác đề nghị thay thế từ “bảo đảm” bằng cụm từ “quan tâm đến” trước cụm từ “quyền lợi người lao động”, đồng thời bỏ cụm từ “trong điều kiện đại dịch Covid-19 có khả năng chưa thể sớm chấm dứt”.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo: Hiện nay Tổng công ty Hàng không Việt Nam đang xây dựng Đề án cơ cấu lại để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, mục tiêu của Đề án cũng nhằm xử lý giảm lỗ và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh nên đề nghị giữ cụm từ “tiếp tục có giải pháp”; đồng thời, cân nhắc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và đề nghị thể hiện lại điểm d như sau: “Tổng công ty Hàng không Việt Nam tiếp tục có giải pháp xử lý giảm lỗ, thực hiện có hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và quan tâm đến quyền lợi người lao động trong điều kiện đại dịch Covid-19 có khả năng chưa thể sớm chấm dứt.”

Có ý kiến đề nghị bổ sung nhận định về tồn tại, hạn chế trong thực hiện các kế hoạch 05 năm giai đoạn 2016 - 2020 vào khoản 6 và trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, phòng, chống tham nhũng, công tác xét xử, truy tố và kiểm sát hoạt động tư pháp vào khoản 8.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Nghị quyết này chỉ nên nêu tổng quan về kết quả của kỳ họp, không đánh giá cụ thể từng nội dung đã được Quốc hội xem xét, quyết định. Bên cạnh đó, các tồn tại, hạn chế được nêu khá rõ trong các tờ trình, báo cáo trình Quốc hội cũng như các báo cáo tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết.

Ngoài ra, có một số ý kiến góp ý cụ thể về tên luật, nghị quyết tại khoản 1, khoản 2 và về một số từ ngữ, kỹ thuật văn bản của dự thảo Nghị quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, đồng thời sẽ tiếp tục rà soát để bảo đảm kỹ thuật văn bản của Nghị quyết sau khi được Quốc hội biểu quyết thông qua./.

Lan Hương - Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=49953