Quốc hội Mỹ gây sức ép ông Trump về hiệp ước hạt nhân với Nga

Các nhà lập pháp cả hai đảng phái đang gây áp lực buộc Nhà Trắng phải cung cấp các thông tin đối với việc kết thúc Hiệp ước Kiểm soát vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga.

Họ yêu cầu ông Trump phải đưa ra các suy đoán trong tương lai khi Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) kết thúc.

Các yêu cầu, bao gồm ba dự luật, phản ánh nghi ngờ về việc chính quyền Tổng thống Trump đã phân tích trước các hành động của Trung Quốc và Nga với việc hiệp ước này sẽ hết hạn vào tháng 2-2021 chưa.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp với Tổng thống Guatemala Jimmy Morales tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng ở Washington, ngày 17-12-2019. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp với Tổng thống Guatemala Jimmy Morales tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng ở Washington, ngày 17-12-2019. Ảnh: REUTERS

Hiệp ước New START hạn chế Mỹ và Nga triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân, cũng như các loại tên lửa, máy bay ném bom trên đất liền và tàu ngầm vận chuyển đầu đạn.

New START vẫn có thể được gia hạn đến năm năm tiếp theo, nếu cả hai bên đồng ý tiếp tục thỏa thuận.

Moscow đã đề nghị gia hạn ngay khi hiệp ước sắp hết hạn. Tuy nhiên, phía Washington vẫn còn đang trong quá trình xem xét.

Tổng thống Mỹ và các trợ lý của ông đã lập luận rằng New START không quản lý được tất cả số lượng vũ khí hạt nhân của Nga.

Ông Trump cũng nói rằng Nhà Trắng muốn đưa Trung Quốc, đối thủ lâu dài của Mỹ, vào sự kiểm soát vũ khí của đạo luật này cùng Mỹ và Nga.

Một số nhà lập pháp và chuyên gia vũ khí Mỹ xem đề xuất này như một “viên thuốc độc” có thể chấm dứt New START, cũng như sự kiểm soát tình hình triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ khi Trung Quốc từ chối tham gia hiệp ước này.

Hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars RS-24 của Nga trong cuộc diễu hành đánh dấu kỷ niệm 71 năm chiến thắng Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai, tại Quảng trường Đỏ ở Moscow, ngày 9-5-2016. Ảnh: REUTERS

Hồi tháng 5, ông Trump tuyên bố ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thảo luận về một hiệp định hạn chế vũ khí hạt nhân mới có thể bao gồm cả sự tham gia của Trung Quốc.

Ba ngày sau đó, Trung Quốc đã lên tiếng và bác bỏ ý tưởng trên về việc tham gia một cuộc đàm phán cắt giảm vũ khí hạt nhân ba bên với Mỹ và Nga.

Số lượng vũ khí của Trung Quốc bị lấn át bởi Mỹ và Nga, ước tính chỉ khoảng 300 đầu đạn hạt nhân.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Khoa học gia Mỹ, cả Mỹ và Nga có hơn 6.000 đầu đạn hạt nhân, tất cả đang được triển khai, dự trữ hoặc đã kết thúc thử nghiệm và đang chờ tháo dỡ.

Trợ lý Quốc hội đứng trước một biểu đồ các chương trình vũ khí hạt nhân của Mỹ, Nga, Trung Quốc và Triều Tiên tại Washington, ngày 6-2-2018. Ảnh: REUTERS

Các nhà lập pháp, trợ lý Quốc hội và các cựu quan chức Mỹ nói rằng họ không biết liệu Nhà Trắng đã tiến hành bất kỳ cuộc ước tính chính thức nào về tác động của việc hết hạn Hiệp ước START hay chưa.

Họ cũng không rõ liệu ông Trump có lên ý tưởng cho một cuộc đàm phán, hoặc liệu có bất kỳ cuộc đàm phán nào với Trung Quốc về vấn đề hạt nhân đã được thực hiện hay chưa.

“Điều mà chúng ta không muốn xảy ra chính là việc Trung Quốc viện cớ để mở rộng nguồn vũ khí hạt nhân của mình, cũng như ký kết một thỏa thuận riêng với Nga, ảnh hưởng đến an ninh quốc tế và sự sống còn của Mỹ”, Thượng nghị sĩ Jeff Merkley nói tại phiên điều trần ngày 3-12.

Thượng nghị sĩ Todd Young thuộc đảng Cộng hòa, đã yêu cầu Nhà Trắng nhanh chóng cung cấp các ước tính liệu Nga và Trung Quốc có thể phát triển nguồn vũ khí hạt nhân của họ một khi Hiệp ước New START hết hạn hay không.

Đạo luật Quốc phòng Mỹ (NDAA) cũng yêu cầu những thông tin tình báo về kho vũ khí hạt nhân của Nga sau khi New START hết hiệu lực.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã không đưa ra bất kỳ bình luận nào sau khi được hỏi ý kiến về vấn đề này.

KHÔI CHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/quoc-hoi-my-gay-suc-ep-ong-trump-ve-hiep-uoc-hat-nhan-voi-nga-878390.html