Quốc hội Mỹ có thể bỏ phiếu về việc rút khỏi WTO vào cuối tháng 7?

Ngày 23/6, người phát ngôn của Thượng nghị sĩ Josh Hawley cho biết, đã nhận được quyết định của Thượng viện vào tuần trước. Theo đó, các nghị sĩ Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã mở đường cho cuộc bỏ phiếu về nghị quyết rút khỏi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào cuối tháng 7, khi Quốc hội trở lại làm việc sau hai tuần nghỉ.

Nghị viện đã phán quyết rằng, việc tiến hành bỏ phiếu cho nghị quyết rút khỏi WTO là theo trình tự. Điều quan trọng là công chúng Mỹ có cơ hội cân nhắc về vấn đề này ảnh hưởng đến hàng triệu việc làm. Thượng nghị sĩ Josh Hawley, người được bầu vào năm 2018, là một trong những nhà phê bình lớn nhất trong Quốc hội Mỹ về WTO và cũng là một người có quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc. Nghị quyết rút Mỹ ra khỏi WTO đã được thúc đẩy bởi cả hai mối quan tâm này. Trong tuyên bố đưa ra, ông Hawley đã nhấn mạnh việc WTO ít bảo vệ các ngành công nghiệp Mỹ hoặc để mất hàng triệu việc làm ra nước ngoài, khiến Mỹ cần xem xét việc từ bỏ tổ chức này và kết hợp với các quốc gia tự do khác để xây dựng một hệ thống quốc tế mới đặt lợi ích của người lao động Mỹ lên trên hết.

Tại sao động thái này rất quan trọng? Quyết định của Thượng viện có nghĩa là các nhà lập pháp sẽ bị buộc phải tiến hành các thủ tục thể hiện sự ủng hộ hoặc chống lại việc rút khỏi WTO, mà chính quyền Tổng thống Trump thường xuyên cáo buộc là không công bằng đối với Mỹ. Việc thúc đẩy rút khỏi WTO diễn ra khi Mỹ và 163 thành viên khác của tổ chức đang trong giai đoạn lựa chọn một tổng giám đốc mới để kế nhiệm ông Roberto Azevêdo, người sẽ rời nhiệm sở vào cuối tháng 8. Những người phản đối nghị quyết nói rằng, việc Mỹ rút khỏi WTO sẽ mang lại cho Bắc Kinh nhiều ảnh hưởng hơn chứ không phải ít hơn đối với môi trường thương mại toàn cầu. Các biện pháp cũng bỏ qua vai trò hàng đầu mà Mỹ đã đóng góp trong việc tạo ra WTO và tổ chức tiền thân của nó, Hiệp định chung về thuế quan và thương mại.

Một điều khoản trong Đạo luật Hiệp định của Vòng đàm phán Uruguay năm 1994, phê chuẩn tư cách thành viên của Mỹ trong WTO, cho phép Quốc hội bỏ phiếu cứ 5 năm một lần về việc có nên ở lại hay không. Việc Mỹ rút khỏi WTO sẽ chỉ xảy ra nếu cả Hạ viện và Thượng viện phê chuẩn nghị quyết và Tổng thống Donald Trump ký thành luật. Các nhà lập pháp Mỹ đã không bỏ phiếu cho tư cách thành viên WTO kể từ năm 2005, khi Hạ viện đánh bại nghị quyết rút lui với số phiếu 86-338.

Năm năm trước, một nghị quyết tương tự đã thất bại với số phiếu 56-363. Thượng viện Mỹ chưa bao giờ bỏ phiếu về việc này. Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ đã nhận định WTO hiện đang “hỗn độn” và đã làm thất bại cả Mỹ và hệ thống thương mại quốc tế. Các quy tắc hiện tại của WTO là không đủ để kiểm soát các hoạt động của các nền kinh tế lớn như Trung Quốc. Tuy nhiên, USTR đã ngừng kêu gọi việc Mỹ rút khỏi cơ quan này kể từ khi WTO tròn 25 năm thành lập.

Nhưng tại sao cần có phán quyết? Đạo luật về hiệp định của Vòng đàm phán Urugoay năm 1994, phê chuẩn các hiệp định tạo ra WTO, đã đưa ra một thủ tục bỏ phiếu của quốc hội về việc rút WTO. Quá trình này bắt đầu bằng việc gửi một báo cáo của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho Quốc hội về những ưu và nhược điểm của việc ở lại WTO. Điều đó bắt đầu một khoảng thời gian 90 ngày, trong đó các thành viên trong cả Hạ viện và Thượng viện có thể đưa ra nghị quyết rút khỏi WTO được đảm bảo bằng hình thức bỏ phiếu.

Sau khi nghị quyết được đưa ra, Ủy ban Tài chính Thượng viện và Ủy ban Tài chính Thuế vụ của Hạ viện mỗi bên có 45 ngày để bỏ phiếu về vấn đề này. Thượng nghị sĩ Josh Hawley đã đưa ra nghị quyết của mình vào ngày 7/5, tức là khoảng 47 ngày sau báo cáo ngày 28/2 của USTR. Nhưng Nghị viện đã ra phán quyết rằng thời gian thực sự bắt đầu tính vào ngày 5/3. Điều đó có nghĩa là 90 ngày sẽ hết hạn vào khoảng ngày 9/7, khi Thượng viện đang trong thời gian nghỉ. Do đó, ông Hawley sẽ có quyền kiến nghị để tiến tới nghị quyết vào ngày đầu tiên khi Thượng viện trở lại sau ngày nghỉ, để Nghị viện ra phán quyết. Nếu thành công, thì Thượng viện sẽ bỏ phiếu về nghị quyết thực tế, theo các thủ tục cấp tốc nhất định. Có thể là những ý kiến trong Thượng viện ủng hộ việc Mỹ còn ở lại trong WTO chiếm ưu thế, nhưng đây là một dấu hiệu cho thấy tư cách thành viên WTO của Mỹ đang trở thành vấn đề gây tranh cãi trong nghị viện Mỹ.

Duy Hưng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quoc-hoi-my-co-the-bo-phieu-ve-viec-rut-khoi-wto-vao-cuoi-thang-7-139404.html