Quốc hội không đồng ý chuyển cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an

Kết quả xin ý kiến đại biểu Quốc hội công bố sáng 17/11/2020 tại kỳ họp thứ 10 cho thấy đa số đại biểu Quốc hội không đồng ý với đề xuất chuyển thẩm quyền quản lý sát hạch lái xe sang Bộ Công an.

Theo đó 321 đại biểu Quốc hội không đồng ý (chiếm 66,74% đại biểu xin ý kiến) với đề xuất của Chính phủ trong việc thay đổi thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an.

302 đại biểu không đồng ý (72,95%) việc tách nội dung bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong Luật Giao thông Đường bộ hiện hành để ban hành luật riêng.

Về thời điểm thông qua luật, 251 đại biểu (52,18%) đồng tình chuyển cho Quốc hội khóa XV, tại kỳ họp thứ hai (dự kiến cuối năm 2021) xem xét.

Trước đó ngày 16/11/2020, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã dành trọn ngày để thảo luận nội dung dự thảo Luật Giao thông Đường bộ (sửa đổi) và dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Nhiều ý kiến các đại biểu tại phiên thảo luận không tán thành việc tách tách nội dung bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong Luật Giao thông Đường bộ hiện hành để ban hành luật riêng.

Do đây là vấn đề lớn theo nhận định của chủ tọa phiên thảo luận- Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nên Quốc hội đã xin ý kiến đại biểu ba vấn đề liên quan đến dự án Luật Giao thông Đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong sáng 17/11/2020.

Đáng chú ý vấn đề chuyển thẩm quyền cấp giấy phép lái xe ô tô, mô tô từ Bộ Giao thông sang Bộ Công an thu hút đông đảo ý kiến thảo luận các đại biểu. Đại biểu Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) nhấn mạnh 5 lý do cho thấy đề xuất chuyển này là không thuyết phục.

Thứ nhất là, không phù hợp với chủ trương của Đảng. Cụ thể, tại Nghị quyết số 17 ngày 01/8/2007, Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đảng lần thứ 5 (khóa X) chủ trương: một số nhiệm vụ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có đủ điều kiện dân sự hóa thì chuyển cho các bộ không thuộc lĩnh vực quốc phòng, công an quản lý nhằm tập trung hơn nhiệm vụ xây dựng quân đội, công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Thứ hai, từ năm 1995, Bộ Giao thông vận tải nhận nhiệm vụ quản lý việc cấp giấy phép lái xe mô tô, ô tô từ Bộ Công an sang, khi đó cả nước có 127 cơ sở đào tạo lái xe, cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Đến nay, đã có 463 cơ sở đào tạo lái xe mô tô, 339 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và có 135 trung tâm sát hạch lái xe ô tô đã được xã hội hóa 100% với hệ thống vật chất trang thiết bị tương đối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phù hợp với thực tiễn.

“Về cơ bản, ngành giao thông vận tải đã đáp ứng được yêu cầu quản lý nhiệm vụ được giao” đại biểu Sinh nói

Thứ ba, trong thời gian qua, có ý kiến cho rằng chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe còn tồn tại là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông, cho nên cần phải chuyển sang Bộ Công an. Nhưng qua con số thống kê cho thấy số người chết do tai nạn giao thông tính trên 100.000 giấy phép lái xe được cấp lại liên tục giảm. Năm 1995, là 61 người thì đến năm 2020 ước chỉ còn 15 người.

Thứ tư, hiện nay ngành giao thông vận tải có khoảng 2.200 cán bộ, công chức, viên chức đang nhiệm vụ quản lý trong lĩnh vực này. Trong trường hợp chuyển sang Bộ Công an phải sắp xếp cho lực lượng lao động này, trong khi Bộ Công an lại phải bổ sung thêm lực lượng để tiếp nhận công việc mới. Ngoài ra, toàn bộ cơ sở vật chất, kỹ thuật có giá trị hàng nghìn tỷ đồng của ngành giao thông vận tải có nguy cơ bị lãng phí .

Thứ năm, trong thực tế hiện nay, hầu hết các văn bằng, giấy tờ hành chính đều có làm giả, thậm chí có cả tiền giả. Vậy thì giấy phép lái xe, sổ hộ khẩu, sổ hộ chiếu, chứng minh thư nhân dân cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.

“Do đó, nếu như cứ xuất hiện văn bằng giả, giấy tờ giả, tiền giả đang thuộc trách nhiệm quản lý của cơ quan này thì lại chuyển sang cho cơ quan quản lý khác, rất không hợp lý, sẽ gây rối xã hội”- ông Sinh kết luận.

Lộc - Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quoc-hoi-khong-dong-y-chuyen-cap-giay-phep-lai-xe-sang-bo-cong-an-147626.html