QUỐC HỘI KHÓA XIV QUYẾT ĐỊNH NHIỀU VẤN ĐỀ PHỨC TẠP, CHƯA TỪNG CÓ TIỀN LỆ

Tổng kết công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội cho thấy trong giai đoạn 5 năm qua, Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều quyết sách quan trọng của đất nước, có tác động, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, trong đó có những vấn đề mới, khó, phức tạp, chưa có tiền lệ.

Quốc hội đã nghe trình bày dự thảo báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội và xem phim tư liệu "Quốc hội khóa XIV: Những thành tựu và dấu ấn nổi bật"

Trong giai đoạn 5 năm qua, Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều quyết sách quan trọng của đất nước, có tác động, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, trong đó có những vấn đề mới, khó, phức tạp, chưa có tiền lệ. Quốc hội đã quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 và hằng năm, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, hệ thống kế hoạch trong lĩnh vực tài chính, ngân sách (Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm quốc gia, dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW và phê chuẩn quyết toán NSNN hằng năm;...); bảo đảm tính tổng thể, có sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa yêu cầu nhiệm vụ với nguồn lực thực hiện. Đặc biệt, kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020 lần đầu tiên được thông qua, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất cả trong ngắn hạn và trung hạn đối với lĩnh vực tài chính, ngân sách, hướng tới việc huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, bảo đảm an toàn nợ công, tính bền vững của ngân sách.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, đặc biệt do ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh trong năm 2020, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời có những quyết định mới hoặc điều chỉnh các chính sách cho phù hợp với yêu cầu tại từng thời điểm, nhất là các vấn đề kinh tế - xã hội “nóng”, nổi bật, mới phát sinh như: giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN; cho kéo dài thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2017-2020 sang năm 2021; lùi thời gian ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên sang năm 2021 để áp dụng cho thời kỳ ổn định NS mới; bổ sung dự toán chi NSNN năm 2020 để bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi NSTW…. Các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng, chính sách tiền tệ và tài khóa được xem xét thận trọng, linh hoạt, bảo đảm ứng phó kịp thời, góp phần hạn chế các tác động bất lợi, duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.

Trên cơ sở thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng, khẳng định tính đúng đắn, sự cần thiết, Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư một số dự án, công trình quan trọng quốc gia (đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020); quyết định dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Quốc hội cũng đã phê duyệt Đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đây là quyết sách đặc biệt quan trọng, đồng bộ, toàn diện, thúc đẩy vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy nội lực, phát triển bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc trong tình hình mới.

Quốc hội đã bầu và phê chuẩn các chức danh trong bộ máy nhà nước theo quy định, bảo đảm chặt chẽ, thận trọng, đúng quy trình và nhận được sự đồng thuận cao. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã bầu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam giữ chức vụ Chủ tịch nước, là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, được Nhân dân và cử tri đánh giá cao. Căn cứ tình hình thực tiễn, Quốc hội đã miễn nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nhằm kịp thời kiện toàn nhân sự của bộ máy nhà nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các nghị quyết về tổ chức của các cơ quan hữu quan và công tác nhân sự thuộc thẩm quyền, góp phần hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã triển khai thực hiện có hiệu quả thẩm quyền mới về phê chuẩn bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam; ban hành một số nghị quyết về Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam, nhóm đại biểu Quốc hội trẻ, tổ chức Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam.

Quốc hội đã tiến hành bãi nhiệm tư cách một đại biểu Quốc hội do có sai phạm nghiêm trọng, vi phạm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, làm suy giảm sự tín nhiệm của Nhân dân; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định và báo cáo Quốc hội về việc cho thôi hoặc tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của một số đại biểu Quốc hội; xóa tư cách 02 Bộ trưởng nhiệm kỳ 2011-2016.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại 23 tỉnh, thành phố và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để triển khai chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, phát huy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Tuy nhiên, trong hoạt động quyết định vấn đề quan trọng vẫn còn những hạn chế như: một số vấn đề mang tầm chiến lược, vĩ mô chưa được thảo luận một cách đầy đủ, thấu đáo (như: quan điểm về tăng trưởng kinh tế, cơ cấu kinh tế trong một chiến lược dài hạn, định hướng và giải pháp cho phát triển kinh tế vùng, ngành động lực; định hướng, giải pháp huy động và phân bổ nguồn lực của đất nước trong từng giai đoạn phát triển của đất nước; các cân đối vĩ mô của nền kinh tế...); khó đánh giá, xác định trách nhiệm trong trường hợp không hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra;...

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do một số nội dung còn chưa bảo đảm tiến độ về thời gian, gây khó khăn cho các cơ quan thẩm tra; đại biểu Quốc hội có lúc chưa được cung cấp thông tin đầy đủ, thiếu thời gian nghiên cứu chuyên sâu; chưa có quy định cụ thể về những tiêu chí, nội dung thuộc nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhiều chỉ tiêu mang tính định hướng, khó phân định những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội hoặc giao Chính phủ, chưa có quy định phân định các trường hợp được thực hiện điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu trong một số tình huống khi tình hình kinh tế - xã hội có biến động lớn.

Trên cơ sở kết quả hoạt động cùng những bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội khóa XV và các khóa tiếp theo cần rà soát, chuẩn hóa các quy định về xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước theo hướng xác định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan trình, cơ quan thẩm tra; quy định rõ hơn việc phân công, phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội trong việc thẩm tra các báo cáo, dự án; quy định trách nhiệm tổ chức, thực hiện nghị quyết của Quốc hội về các vấn đề quan trọng. Tăng cường việc cung cấp đầy đủ thông tin cho đại biểu Quốc hội làm cơ sở cho việc xem xét, quyết định. Làm rõ vai trò, nâng cao tính pháp lý và tính độc lập của Hội đồng thẩm định nhà nước trong việc thẩm định các dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=53548