So sánh kịch bản tác động tiền tệ 2 thời kỳ hậu suy thoái

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang xây dựng nghị định về việc thực thi gói cấp bù lãi suất 2% nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tăng động lực phát triển sau khó khăn dịch Covid-19. Việc xây dựng và thực thi chính sách lần này đã có những kinh nghiệm giá trị từ các giải pháp tiền tệ tương tự giai đoạn 2008-2009. Điều đó đặt ra kỳ vọng chính sách lần này sẽ đem lại hiệu quả cao, thúc đẩy nền kinh tế tăng tốc.

Kịch bản năm 2009

Bối cảnh nền kinh tế 2022 và giai đoạn 2009 có chung một tính chất là kinh tế sau một giai đoạn suy thoái. Nếu như suy thoái của năm 2020 - 2021 có nguyên nhân từ sự ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 thì giai đoạn suy thoái năm 2008 xuất phát từ cuộc khủng hoảng phá sản của Ngân hàng Lehman Brother.

Trong giai đoạn 2008 - 2009, để hỗ trợ nền kinh tế khắc phục khủng hoảng, Chính phủ cũng đưa ra các gói kích thích kinh tế, chủ yếu tập trung vào phát triển kinh doanh và xuất khẩu, kích cầu đầu tư tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội, với quy mô 122.000 tỷ đồng; trong đó riêng năm 2009 là 106.600 tỷ đồng.

Các gói kích thích này giúp đất nước vượt qua khủng hoảng, đạt tăng trưởng GDP cả năm 2009 là 5,2% - dù là năm có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong vòng 10 năm nhưng Việt Nam vẫn là một trong số ít quốc gia có tăng trưởng dương năm 2009.

Một trong những chính sách tài khóa tiền tệ đáng chú ý được thực thi thời điểm đó là gói hỗ trợ lãi suất 4% cho doanh nghiệp vay vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh. Tổng giá trị gói hỗ trợ lên đến 17.000 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2009, tổng dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đạt gần 420.000 tỷ đồng với khoảng 78.000 doanh nghiệp.

Sau giai đoạn khủng hoảng 2008 và gói hỗ trợ tiền tệ năm 2009 được bơm ra thì thị trường bất động sản bước vào giai đoạn sôi động và bủng nổ kéo dài từ 2009 đến 2010. Nhìn lại giai đoạn đó, một số con mắt hoài nghi cho rằng, sự bùng nổ của bất động sản thời kỳ đó có lý do từ việc một phần vốn bơm ra từ gói hỗ trợ lãi suất đã bị “rò rỉ” sang thị trường bất động sản.

Những bối cảnh khác nhau

Trong bối cảnh kinh tế năm 2021, khi doanh nghiệp ảnh hưởng của dịch Covid-19, chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch dự kiến cũng sẽ sử dụng một công cụ tương tự là gói cấp bù lãi suất 2% đễ hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, bối cảnh và tính chất các gói hỗ trợ giai đoạn 2022 đã có nhiều điểm khác so với thời kỳ năm 2009. Ngoài ra, việc tạo lập và thực thi chính sách cũng đã có các bài học kinh nghiệm từ quá khứ để có thể triển khai chính sách có hiệu quả hơn.

Một trong những điểm khác trong 2 gói chính sách của 2 giai đoạn là lãi suất chênh lệch được cấp bù của giai đoạn năm 2009 là 4%, mức chênh lệch cao gấp đôi so với con số lãi suất 2% dự kiến sẽ cấp bù của giai đoạn 2022 - 2023.

Mức chênh lệch lãi suất chỉ 2% trong giải pháp tiền tệ lần này nhỏ hơn so với thời kỳ năm 2009 sẽ khắc phục được “kẽ hở” đã từng xảy ra và bị lợi dụng thời gian trước. Ông Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế cho rằng, việc triển khai gói hỗ trợ cấp bù lãi suất đã rút được những bài học từ quá khứ vì thời kỳ trước đã có tình trạng người vay không đưa vốn vào sản xuất kinh doanh mà mang tiền quay về gửi lại ngân hàng, “sống ký gửi chính sách”.

Về quy mô, số tiền hỗ trợ năm 2009 là 17.000 tỷ đồng, còn thời điểm hiện tại là 40.000 đồng. Tuy nhiên, thời gian triển khai gói tín dụng kéo dài trong 2 năm 2002 và 2023, nên nếu chia đều mỗi năm chỉ khoảng 20.000 tỷ đồng. So sánh về ảnh hưởng của các gói cấp bù lãi suất hiện tại và của giai đoạn năm 2008, ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc Viện Kế toán quản trị công chứng Úc (CMA Australia) cho biết, nhà đầu tư cần lưu ý là quy mô GDP nền kinh tế năm 2009 nhỏ hơn thời điểm hiện tại rất nhiều.

Ngoài ra, một số chuyên gia cho biết, trong hơn 10 năm qua, nhiều văn bản pháp lý trong hoạt động tín dụng ngân hàng đã được sửa đổi, bổ sung và qua đó đã lấp được nhiều khoảng trống pháp lý. Quy trình vay vốn theo đó đã chặt chẽ, bám sát đối tượng hơn, đảm bảo tốt hơn việc người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích.

Đặc biệt trong lần ban hành chính sách lần này, Ban soạn thảo nghị định có đề xuất một số phương án tăng cường kiểm soát dòng vốn. Dự thảo tờ trình Chính phủ của Ngân hàng Nhà nước cũng đề cập những nội dung rất cụ thể, lường trước những yếu tố có thể xảy ra để có giải pháp dự phòng, ngăn chặn.

Nội dung tờ trình đề cập những yêu cầu cụ thể khi xây dựng văn bản: “Tránh trường hợp ngân sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp có ngành kinh doanh thuộc nhóm được hỗ trợ lãi suất, nhưng doanh nghiệp đó lại vay vốn để phục vụ mục đích khác (ví dụ doanh nghiệp ngành nông - lâm - thủy sản vay vốn để kinh doanh bất động sản/xây dựng…)”.

Ưu việt và thách thức khi triển khai gói bù lãi suất

Một số điểm ưu việt và các thách thức sẽ phải đối mặt khi triển khai gói bù lãi suất theo đánh giá sơ bộ của Ban soạn thảo nghị định và thông tư hướng dẫn:

Mặt ưu việt: Thể hiện sự hỗ trợ của Nhà nước đối với cácdoanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tạo nền tảng và động lực phát triển nền kinh tế; góp phần giảm giá thành các sản phẩm, dịch vụ, kích cầu tiêu dùng.

Thách thức: Lãi suất cho vay thấp có thể làm gia tăng hành vi sử dụng vốn thiếu cẩn trọng của doanh nghiệp; Nhà nước khó có thể kiểm soát, giám sát toàn bộ quá trình thực hiện hỗ trợ nên có thể xảy ra nguy cơ trục lợi chính sách.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/so-sanh-kich-ban-tac-dong-tien-te-2-thoi-ky-hau-suy-thoai-101050.html