Quốc hội Hoa Kỳ bỏ phiếu thu hồi quy chế thương mại 'tối huệ quốc' của Nga

Quốc hội Hoa Kỳ đã bỏ phiếu để thu hồi quy chế thương mại 'tối huệ quốc' của Nga, mở ra cánh cửa cho việc trừng phạt thuế quan đối với một loạt hàng hóa của Nga, theo CNBC.

Quyết định tiến đánh Ukraine của ông Putin đã khiến nhiều nước bất bình và quyết định trừng phạt kinh tế Nga. Ảnh Reuters

Quyết định tiến đánh Ukraine của ông Putin đã khiến nhiều nước bất bình và quyết định trừng phạt kinh tế Nga. Ảnh Reuters

Thượng viện trước đó hôm thứ Năm đã nhất trí thông qua dự luật, điều này cũng sẽ cắt đứt mối quan hệ thương mại bình thường với Belarus, đồng minh Nga.

Sau đó, Hạ viện đã thông qua dự luật trong một cuộc bỏ phiếu với tỉ lệ 420-3, rồi gửi dự luật đến bàn của Tổng thống Joe Biden.

Cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội là một bước chính thức để thu hồi quy chế thương mại tối huệ quốc, chấm dứt các quan hệ thương mại bình thường giữa Mỹ và Nga.

Ba thành viên Quốc hội phản đối nỗ lực tước bỏ quy chế tối huệ quốc của Nga gồm Hạ nghị sĩ Marjorie Taylor Greene ở bang Georgia, Thomas Massie ở bang Kentucky và Matt Gaetz ở bang Florida, tất cả đều là những người theo Đảng Cộng hòa và có liên kết mạnh mẽ với cựu Tổng thống Donald Trump.

Dự luật, được gọi là HR 7108, là một bước chính thức nhằm cắt đứt quan hệ thương mại bình thường với Nga và Belarus, một trong những đồng minh thân cận nhất của Điện Kremlin, và cho phép kiểm soát nhập khẩu đối với các sản phẩm chính đến từ Nga như bạch kim, hóa chất, sắt và thép.

Trên thực tế, Mỹ đã cắt đứt quan hệ thương mại bình thường với Moscow: Chính quyền Biden đã ra lệnh cấm nhập khẩu dầu, vodka, kim cương và hải sản từ Nga vào tháng trước.

Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer, (bang D-N.Y.), hôm thứ Năm phát biểu tại Thượng viện. “Putin không xứng đáng đứng ngang hàng với các nhà lãnh đạo của thế giới tự do. Ông ta là một mối đe dọa và một trong những nỗi hổ thẹn mãi mãi về sau".

Quy chế tối huệ quốc đảm bảo rằng bất kỳ thành viên nào của Tổ chức Thương mại Thế giới đều nhận được đối xử thương mại bình đẳng từ các thành viên khác và cho phép mỗi bên được chỉ định quyền miễn trừ hàng loạt các mức thuế nhập khẩu cao.

Clete Willems, đối tác của công ty luật Akin Gump và là cựu luật sư Hoa Kỳ tại WTO cho biết: “Có hai loại đối xử đặc trưng có thể được áp theo luật của Hoa Kỳ: Một loại được áp thuế thấp hơn và một loại cao hơn”.

“Tất cả các thành viên WTO khác đều nhận được mức [thuế quan] thấp hơn này - mức trung bình là khoảng 2,8%,” ông nói thêm. “Và sau đó đối với các tổ chức phi MFN, mức trung bình là khoảng 20%. Và vì vậy dự luật này sẽ thay đổi cách tính thuế quan đối với tất cả các sản phẩm đó".

Quốc hội Hoa Kỳ cũng đã bỏ phiếu để hợp thức hóa lời hứa mà Biden đưa ra vào tháng trước là cấm nhập khẩu các sản phẩm năng lượng của Nga vào Hoa Kỳ. Dự luật đó đã được thông qua với tỉ lệ ủng hộ 100-0 ở Thượng viện và tỉ lệ 413-9 ở Hạ viện.

Nhiều quốc gia, bao gồm nhóm G7, đã hứa sẽ làm việc để chấm dứt quan hệ kinh tế của phương Tây với Nga khi Hoa Kỳ và các đồng minh của họ mở các cuộc điều tra về những gì có thể được coi là tội ác chiến tranh của lực lượng Nga ở Ukraine.

Chính quyền Biden và các đối tác đã làm việc để hạn chế quyền tiếp cận của Điện Kremlin với các tổ chức tài chính toàn cầu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.

Bộ Tài chính và Cục Dự trữ Liên bang cũng đã tiến hành các hành động song song để chặn quyền truy cập của Nga vào các loại tiền tệ khác ngoài đồng rúp, cũng như nhắm mục tiêu vào các cá nhân và gia đình thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin bằng các biện pháp trừng phạt.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết hàng loạt các hình phạt kinh tế được thiết kế để làm giảm giá trị đồng rúp, hủy hoại thị trường chứng khoán Nga và sẽ làm suy yếu nền kinh tế của Moscow trong thời gian tới.

Thông qua các động thái này, Hoa Kỳ hy vọng sẽ làm suy yếu quyền lực của Putin trong quân đội Nga và trong số các nhà tài phiệt giàu có của đất nước này.

Luật sư Willems nói: Dự luật tối huệ quốc nên được coi là “phụ gia” và gây tổn hại nền kinh tế Nga trong bối cảnh quốc tế có nhiều nỗ lực phối hợp để trừng phạt Nga.

Ông nói: “Đó là một trong nhiều động thái bắt đầu có tác động thực sự đến nền kinh tế Nga. Tổng thống Hoa Kỳ sẽ có thẩm quyền tăng thuế đối với các sản phẩm được lựa chọn khác. Và các mặt hàng nhập khẩu chính mà chúng tôi bắt đầu cấm ngoài dầu là bạch kim, hóa chất, sắt thép, ván ép, một số loại động cơ và titan".

Mỹ cũng đã phối hợp với các đồng minh của mình để gây ảnh hưởng và cản trở hoạt động của nền kinh tế Nga.

Các đại diện của Liên minh châu Âu hôm thứ Năm sẽ thông qua lệnh cấm vận đối với than của Nga, ít nhất đến tháng 8 tới. Thời gian của giai đoạn kế tiếp vẫn còn đang được tranh luận, đặc biệt là giữa Ba Lan và Đức .

EU là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Nga, vì các thành viên đã mua khoảng 40% hàng hóa giao dịch của Moscow vào năm 2019.

Các biện pháp trừng phạt kinh tế mới nhất được đưa ra khi cuộc chiến vô cớ của Nga ở Ukraine thu hút sự phẫn nộ của toàn cầu.

Các ngoại trưởng NATO và các nhà lãnh đạo G-7 hôm thứ Năm đã gặp Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, người đã yêu cầu các đối tác phương Tây cung cấp “vũ khí, vũ khí, vũ khí”.

Hạ viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu vào tối thứ Tư cho luật cáo buộc quân đội Nga, dưới sự chỉ đạo của Putin, đã phạm nhiều hành vi sai trái, bao gồm cả việc cố ý nhắm mục tiêu vào dân thường và các cơ cấu phi quân sự như trường học và bệnh viện.

Theo Hoàng An/nhadautu.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te/quoc-hoi-hoa-ky-bo-phieu-thu-hoi-quy-che-thuong-mai-toi-hue-quoc-cua-nga-347088.html