Quốc hội đồng ý xây đường bộ cao tốc Bắc-Nam

Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam, dù còn nhiều tranh luận về nguồn vốn bổ sung, nhưng đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư xây dựng, bắt đầu ngay từ năm 2017.

Tuyến cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây, một phần trong dự án đường cao tốc Bắc-Nam, đã được đưa vào sử dụng. Ảnh: TL

“Giai đoạn 2017-2020, dự kiến đầu tư 654 km, chia thành các dự án thành phần vận hành độc lập. Hình thức, quy mô đầu tư phù hợp với từng dự án thành phần”, Nghị quyết của Quốc hội được thông qua hôm 22/11 về chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông nêu rõ.

Vẫn theo nội dung nghị quyết này, chủ trương cho phép xây dựng một số đoạn cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông, cụ thể từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh), từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (TT-Huế); từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai), cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long).

Về sơ bộ, tổng mức đầu tư của dự án là 118.716 tỉ đồng bao gồm: 55 ngàn tỉ đồng vốn nhà nước đầu tư thực hiện dự án thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia và 63.716 tỉ đồng ngoài ngân sách.

Dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, đảm bảo yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả. Quốc hội khuyến khích nhà đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức thi công và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Quốc hội yêu cầu bắt tay vào thực hiện ngay từ năm 2017 để cơ bản hoàn thành năm 2021.

Về các nguồn vốn thực hiện dự án, Quốc hội yêu cầu những dự án thành phần sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công, cần nghiên cứu áp dụng phương án thu hồi vốn Nhà nước, có cơ chế giám sát, quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Đối với các dự án thành phần đầu tư công theo hình thức đối tác công - tư (PPP), phải khắc phục những hạn chế, bất cập đã được nêu suốt thời gian qua và theo báo cáo giám sát mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về giá sử dụng dịch vụ đường bộ của dự án được xác định theo nguyên tắc giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ làm cơ sở đấu thầu chọn nhà đầu tư, phù hợp với khả năng chi trả của người dân, bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh và lợi nhuận của nhà đầu tư. Nguyên tắc khác là tính đúng, tính đủ, công khai và minh bạch các yếu tố hình thành giá.

Trong trường hợp đấu thầu các dự án thành phần mà không lựa chọn được nhà đầu tư, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, quyết định.

Trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã đề nghị dùng nguồn vốn 15.000 tỉ đồng từ khoản dự phòng ngân sách của kế hoạch vốn trung và dài hạn giai đoạn 2016-2020 để bố trí cho các dự án đường sắt quan trọng và các dự án đường bộ cấp bách. Vấn đề này đã được tranh luận nhiều tại nghị trường Quốc hội về cơ chế cấp vốn và hướng giải quyết. Cũng có nhiều ý kiến đề xuất 15.000 tỉ đồng này là vốn bổ sung cho dự án đường bộ cao tốc. Do đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo cụ thể lại với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Về quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam, nhằm đảo bảo tầm nhìn dài hạn, trên toàn tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông phải thực hiện việc giải phóng mặt bằng quy mô 6 làn xe. Riêng đoạn từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Túy Loan (Đà Nẵng) sẽ có quy mô 4 làn xe và một số đoạn cửa ngõ trung tâm kinh tế có lưu lượng xe lớn thì quy mô là 8 làn xe. Sau khi nghiên cứu, tiếp tục báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai những đoạn này.

Lan Nhi

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/265308/quoc-hoi-dong-y-xay-duong-bo-cao-toc-bac-nam.html