Quốc hội đồng hành và 'chia lửa' cùng Chính phủ

Gần 5 năm qua, Quốc hội và Chính phủ có sự hợp tác chặt chẽ, bổ sung lẫn nhau trong thực hiện các nhiệm vụ lập pháp và hành pháp vì mục tiêu phát triển nhanh, bền vững. Vị thế và uy tín của Việt Nam vì thế cũng không ngừng được nâng lên.

Còn nhớ, sáng 22/7/2016, phát biểu nhậm chức, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định sẽ cùng với các đại biểu Quốc hội phấn đấu tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, để Quốc hội thực sự là một Quốc hội đoàn kết, sáng tạo và hành động vì lợi ích của nhân dân, vì danh dự và lòng tự hào của dân tộc, vì sự phát triển bền vững của đất nước.

 Kể từ ngày tuyên thệ đảm nhận trọng trách, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lãnh đạo cơ quan lập pháp và hành pháp hợp tác chặt chẽ, đồng hành vì mục tiêu phát triển nhanh, bền vững. Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa chúc mừng ông Nguyễn Xuân Phúc được Quốc bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, ngày 7/4/2016.

Kể từ ngày tuyên thệ đảm nhận trọng trách, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lãnh đạo cơ quan lập pháp và hành pháp hợp tác chặt chẽ, đồng hành vì mục tiêu phát triển nhanh, bền vững. Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa chúc mừng ông Nguyễn Xuân Phúc được Quốc bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, ngày 7/4/2016.

Ngay sau khi Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 được Quốc hội tín nhiệm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định chủ trương nhất quán xây dựng “Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân”. Trong đó yếu tố “kiến tạo” được Chính phủ xác định là phải làm tốt công tác xây dựng thể chế, pháp luật, chính sách để rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm; khơi thông tiềm năng, gỡ bỏ các nút thắt, đưa đất nước phát triển.

Thông điệp ngay đầu nhiệm kỳ của hai người đứng đầu cơ quan lập pháp và hành pháp không chỉ gợi mở, mà trên thực tế đã được quán triệt và hành động mạnh mẽ, với sự đồng hành, chia sẻ của Quốc hội và Chính phủ, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, để chặng đường vừa qua góp phần nâng cao tiềm lực, vị thế và tuy tín của Việt Nam.

Không chỉ riêng trong năm 2020 mà ngay từ lúc bắt đầu nhiệm kỳ, Việt Nam đã đối diện với những thử thách lớn chưa từng thấy như đợt hạn hán kỷ lục trong gần 100 năm ở Đồng bằng Sông Cửu Long, sự cố môi trường Formosa; sạt lở đất, lũ quét, lũ ống ở Tây Bắc; bão lũ, ngập lụt ở Miền Trung. Tuy nhiên, bằng quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, chúng ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1200 tỷ USD GDP trong gần 5 năm, trên một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định.

Những số liệu được Chính phủ báo cáo trước Quốc hội là rất ấn tượng: Tạp chí The Economist tháng 8/2020 xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8% một năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, trong khi hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái, với việc chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt “mục tiêu kép”, Việt Nam vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương ở mức khá. Việc Việt Nam đối diện, kiểm soát và đẩy lùi đại dịch Covid 19 được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Với những thành tựu đạt được trong những năm gần đây, Việt Nam ngày càng có tiếng nói, trách nhiệm lớn hơn trong những vấn đề khu vực và toàn cầu. Những kết quả trên là thành tựu chung của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, trong đó điểm nổi bật chính là sự ủng hộ, chia sẻ, đồng hành và có những thời điểm “chia lửa” giữa Quốc hội với Chính phủ suốt gần 5 năm qua.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh, quyền lập pháp của Quốc hội Việt Nam rất rộng, bao gồm không chỉ làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp mà còn ban hành các đạo luật, tổ chức ra cơ quan Nhà nước và quyết định nhân sự rường cột của Nhà nước. Chúng ta có hệ thống chính trị nhất nguyên, dưới sự lãnh đạo của Đảng nên ngoài việc thực hiện chức năng theo hiến định thì các Đại biểu Quốc hội, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đều đồng hành và chia sẻ với Chính phủ.

Tất nhiên, chia sẻ ở đây không phải là làm thay mà có sự phối hợp để ăn khớp với nhau trong từng công việc cụ thể, nhất là khi đất nước đối mặt với những tình huống khó khăn. Khi thấy vướng mắc trong pháp luật, khi tình huống mới xảy ra mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không có công cụ pháp lý thì Quốc hội chia sẻ bằng cách tạo lập khuôn khổ pháp lý; đưa ra những gợi ý về mặt chính sách hoặc ủng hộ về mặt chủ trương, cho ý kiến để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành kịp thời các giải pháp, phản ứng nhanh.

“Có lẽ chỉ có một Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị mới có sự chia sẻ và đồng hành như vậy. Đó là sự linh hoạt, tức không có xung đột ngoài việc hướng đến lợi ích của nhân dân, của đất nước” – ông Lê Thanh Vân nói.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, quán triệt chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đều xác định khâu đột phá phải là xây dựng và hoàn thiện thể chế. Bên cạnh xây dựng các đạo luật thì các nhóm thể chế khác có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước cũng được quan tâm đặc biệt, đó là về tổ chức và nhân sự, nhằm phân định rạch ròi chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm; lựa chọn và sử dụng nhân tài.

Chính phủ phát đi thông điệp tập trung vào thể chế và luôn có sự phối hợp, cụ thể là với Quốc hội. Một bên chủ động khởi xướng, đề xuất để xây dựng thể chế và chủ động ban hành theo thẩm quyền – đó là Chính phủ. Còn một bên kiểm soát việc ban hành của mình để thấy còn phù hợp với cuộc sống hay không để kịp thời bổ sung, sửa đổi, ban hành mới để hỗ trợ cho Chính phủ. Thực tế cho thấy, có thể chế thuộc thẩm quyền của mình thì Quốc hội chủ động ban hành để hỗ trợ Chính phủ và ngược lại, với những diễn biến thực tiễn thì Quốc hội cũng “mở đường” cho Chính phủ ban hành để thí nghiệm những điều mà luật pháp chưa có.

“Đó chính là sự tương tác hỗ trợ lẫn nhau. Nếu như cực đoan trong chuyện “bắt vở” nhau khi chưa có quy định thì sẽ không có những bước thí điểm đột phá để kiểm nghiệm xem thể chế có đúng hay không” – ông Lê Thanh Vân nhấn mạnh và dẫn chứng việc Quốc hội thông qua các nghị quyết với những chính sách đặc thù cho Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM trong nhiệm kỳ qua thể hiện sự đột phá, là mở đường về thể chế nhằm khơi thông nguồn lực, tiềm năng và có bước thử nghiệm để từng bước ổn định các quy phạm pháp luật.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cũng khẳng định sự phối hợp giữa cơ quan lập pháp và hành pháp là rất nhịp nhàng. Thậm chí có những quy trình Chính phủ gặp khó khăn thì Quốc hội vẫn “chia lửa” qua các nghị quyết kịp thời để hỗ trợ Chính phủ trong quản lý, điều hành. Trước những kiến nghị mà Chính phủ đệ trình, Quốc hội không ngần ngại, các cơ quan có thể làm việc ngoài giờ để xem xét, điều chỉnh phù hợp.

“Cũng như hàng năm Chính phủ báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách thì Quốc hội xem xét, mổ xẻ và chỉ ra những điểm yếu, hạn chế hay những gì cần hoàn thiện, nhưng trên cơ sở đó cả hai bên đều đi đến sự đồng thuận, thống nhất cao” – ông Trần Hoàng Ngân đồng thời nhấn mạnh việc Quốc hội ban hành rất nhiều luật để hoàn thiện hệ thống pháp luật đã giúp Chính phủ có hành lang pháp lý thực thi, điều hành, quản lý tốt hơn. Chính sự thay đổi, bổ sung về thể chế trong thời gian qua đã đóng góp tích cực cho phát triển của đất nước.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhấn mạnh, Quốc hội khóa XIV đã tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp qua rất nhiều đạo luật. Dù chưa đạt đến sự hoàn thiện, song chúng ta dần dần khắc phục được những vướng mắc, bất cập và những gì Quốc hội thực hiện trong gần 5 năm qua là thành công. Chính phủ cũng kịp thời triển khai các văn bản dưới luật.

“Đến nay chúng ta nhìn thấy một thực tiễn pháp lý khá rõ ràng. Việt Nam cũng được ghi nhận là một trong những nước tiến hành xây dựng hệ thống thể chế nền kinh tế thị trường và được đánh giá rất cao. Trong thời gian qua dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất nhiều và đó là thành công rất lớn xuất phát từ xây dựng thể chế. Mục tiêu quan trọng nhất là tạo điều kiện hành lang pháp lý thông thoáng nhất để khơi thông tất cả nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân” – ông Đỗ Văn Sinh nói.

Có thể nói, Quốc hội mang tinh thần đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước bao trùm trong toàn bộ chương trình làm việc của Quốc hội. Người dân ngày càng cảm nhận rõ ràng sự đổi mới của Quốc hội, củng cố thêm niềm tin sâu sắc về cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình.

Theo ông Đỗ Văn Sinh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, sự đồng hành, chia sẻ, thậm chí có thời điểm “chia lửa” giữa Quốc hội với Chính phủ cũng vì mục tiêu cuối cùng là phục vụ nhân dân và cả hệ thống chính trị của chúng ta phải thực hiện được mục tiêu đó trên cơ sở có sự phân vai, phân cấp.

Quốc hội làm công tác lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề lớn của đất nước nhằm tạo ra hành lang pháp lý, những chủ trương, chính sách lớn để rồi trên cơ sở đó Chính phủ tổ chức thực hiện, với mục tiêu cuối cùng là phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, phục vụ nhân dân.

“Tôi đánh giá một cách khách quan rằng, trong suốt nhiệm kỳ, cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó có sự đồng hành, phối hợp giữa Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan khác để thực hiên tốt mục tiêu trên” – ông Đỗ Văn Sinh chia sẻ và dẫn chứng có những việc Chính phủ trình sang nếu chiếu theo quy định là chưa đảm bảo về mặt thời gian, hồ sơ, song cơ quan của Quốc hội vẫn tạo điều kiện thẩm tra, đồng hành. Ngay cả nội dung chưa có trong chương trình của Quốc hội nhưng vì tính bức thiết cần phải giải quyết nên Chính phủ trình sang thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẵn sàng tiếp nhận, xem xét trình Chính Quốc hội quyết định để Chính phủ triển khai.

“Quốc hội chính là những người rất cụ thể. Đại biểu Quốc hội cũng hiểu được tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, hiểu những khó khăn của người dân và doanh nghiệp, hiểu được những thách thức của Chính phủ. Thế thì tại sao chúng ta không hỗ trợ nhau thực hiện tốt nhiệm vụ, giải quyết được vấn đề?” – ông Đỗ Văn Sinh đặt vấn đề và cho rằng sự đồng hành giữa Quốc hội và Chính phủ như vừa qua là tốt để giải quyết những vấn đề bức thiết đặt ra, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.

“Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV gần kết thúc, chúng ta nhìn thấy hoạt động của Quốc hội có những thay đổi tích cực rất rõ” – đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - Quốc dân Hà Nội khẳng định, đồng thời cho rằng điều đó biểu hiện ở chỗ Quốc hội rất thẳng thắn, song cũng cởi mở và đồng hành. Các ý kiến ở nghị trường, dù là những tranh luận hay chất vấn, phản biện đều thể hiện sự đóng góp giúp cho các thành viên Chính phủ nhìn nhận rõ hơn đang làm tốt cái gì và tới đây cần làm gì. Việc giám sát, kiểm tra có vai trò rất lớn trong gợi mở định hướng cho những hoạt động của Chính phủ.

Khi Chính phủ đề xuất hành lang pháp lý để điều hành thì Quốc hội đều bắt tay vào cho ý kiến xây dựng và hoàn thiện rất kịp thời. Thậm chí có những yêu cầu rất cấp bách như khi ứng phó với đại dịch Covid-19, ngay khi Chính phủ đề xuất chính sách hỗ trợ người dân thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp và thông qua rất nhanh. “Tức là không quá câu nệ vào trình tự thủ tục thời gian ban hành một nghị quyết khi mà nhận thấy cấp thiết phải ban hành thì phải thực hiện ngay để hỗ trợ nhân dân” – ông Hoàng Văn Cường nói.

PGS.TS kinh tế Hoàng Văn Cường cũng lưu ý thêm, với các khuôn khổ pháp lý mang tính chất không chỉ trong nước như các thỏa thuận hợp tác quốc tế khi Chính phủ trình sang được Quốc hội tiếp nhận và có ý kiến rất sâu sắc, không phải chỉ có chuyện thông qua hay không thông qua mà luôn luôn gợi mở vấn đề nào phải chú ý, Chính phủ cần làm rõ những vấn đề gì. Khuôn khổ pháp lý về thể chế mà Quốc hội thực hiện đã đáp ứng được tất cả những yêu cầu về điều hành của Chính phủ. Tất nhiên chúng ta đều thấy chưa bằng lòng vì nhiều mảng còn hổng, cần thay đổi.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM) cũng nhấn mạnh sự phối hợp hai chiều giữa Quốc hội và Chính phủ đã nâng cao hiệu quả hoạt động. Chính phủ có sự chủ động, tích cực chuẩn bị theo chương trình của Quốc hội và theo yêu cầu thể chế hóa để điều hành. Có những vấn đề thực tiễn cuộc sống yêu cầu, đại biểu Quốc hội nêu ra, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp thu cầu thị và yêu cầu Chính phủ chuẩn bị để trình Quốc hội. Sự phối hợp này khá nhuần nhuyễn, đồng bộ và tương đối ăn ý.

Cũng theo nữ đại biểu Quốc hội đoàn TP Hồ Chí Minh, xuất phát từ bắt nhịp hơi thở, yêu cầu của cuộc sống, nhiều quyết sách trong nhiệm kỳ thể hiện sự đổi mới trong tư duy. Cũng từ sự lãnh đạo của Đảng nhưng vấn đề là tiếp nhận sự lãnh đạo đó như thế nào, tiếp nhận ý chí của người dân ra sao. Đơn cử như chính sách mới trước đây đề xuất rất khó khăn như vấn đề chính quyền đô thị thì nhiệm kỳ này Chính phủ chủ động trình và Quốc hội đồng ý cho TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng thực hiện với nhiều cơ chế đặc thù khi thấy thời điểm đã chín muồi.

Điều đó cho thấy thực tiễn luôn luôn vận động, phát triển, luôn luôn có những cái mới phát sinh thì tư duy trong lãnh đạo, quản lý, điều hành cũng phải được vận hành một cách phát triển, bắt nhịp cho kịp và mạnh mẽ trong đổi mới, trong thay đổi để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Nhiệm kỳ qua, Quốc hội, Chính phủ thực sự cầu thị, sâu sát và lắng nghe trước khi đưa ra các quyết sách hợp lòng dân.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng nhấn mạnh, có những vấn đề Quốc hội thể hiện sự quyết liệt, mạnh mẽ như khi “đụng” tới thuế, song cũng có điều Quốc hội rất chia sẻ với Chính phủ, thậm chí có những lúc sự “chia lửa” dù biết rằng có rủi ro vì liên quan đến ngân sách, là tiền của dân. “Những quyết sách khó như vậy cho thấy tính đồng cảm, sự chia sẻ thôi chưa đủ mà còn thể hiện trí tuệ, sự cân nhắc rất kỹ lưỡng, trách nhiệm của Quốc hội trước một vấn đề không phải quá lớn nhưng khó trong thời điểm, bối cảnh của đất nước" - bà Tâm nói.

Và sự kỹ lưỡng, trách nhiệm, trí tuệ đó tiếp tục được thể hiện rõ nét tại Kỳ họp thứ 10- kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Ở góc độ là thành viên Chính phủ, chia sẻ với báo chí ngay sau khi dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với nhiều chính sách mới, quy định mang tính đột phá được Quốc hội thông qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh, các đại biểu Quốc hội thông qua nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, từ tình hình bức xúc, thách thức thực tiễn đã chuyển hơi thở cuộc sống, trong đó có lĩnh vực ông quản lý đến nghị trường để có những quyết sách phù hợp. “Quốc hội không chỉ nêu vấn đề mà thời gian qua hết sức tâm huyết đồng hành với chúng tôi. Những câu, những chữ, những chính sách mới đều có hình bóng của Quốc hội Việt Nam, của Chính phủ Việt Nam và của người dân Việt Nam” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ.

Người đứng đầu ngành Tài nguyên – Môi trường cũng tin tưởng rằng các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục đồng hành, ủng hộ, giám sát để các quy định đi vào cuộc sống. Hơn thế, Đại biểu Quốc hội sẽ chuyển những thông điệp, những chính sách lớn đến người dân, tạo sự ủng hộ, bởi hơn ai hết chính các đại biểu là người tiếp xúc thường xuyên, gần dân cũng như nắm rõ tinh thần, nội dung các chính sách, qua đó giúp thành viên Chính phủ điều hành, quản lý đạt hiệu quả tốt hơn.

Như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Quốc hội không có “chợ chiều” khi tới những ngày họp cuối cùng vẫn bàn thảo sôi nổi, dân chủ, sâu sắc và thể hiện rõ quan điểm trước những vấn đề “nóng” mà cử tri và đồng bào quan tâm. Quan trọng hơn, ở thời điểm đất nước chuẩn bị bước sang năm 2021 – năm của nhiều sự kiện trọng đại, cũng là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Quốc hội cần tiếp tục đồng hành, chia sẻ, đóng góp trí tuệ cùng Chính phủ chuẩn bị, tạo nền tảng cho một giai đoạn mới để thực hiện mục tiêu phát triển đất nước mà Đảng đã đề ra./

Nội dung: Ngọc Thành - Trình bày: Thi Uyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi-dong-hanh-va-chia-lua-cung-chinh-phu-820438.vov