Quốc hội đã thông qua dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi)

Sáng 20/11, với 435 đại biểu tán thành (tương đương 90,06% số phiếu), Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Bộ Luật Lao động sửa đổi tại kỳ họp thứ 8.

Phiên họp sáng 20/11.

Phiên họp sáng 20/11.

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIV.

Trước khi biểu quyết, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu lần cuối.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội rằng sẽ giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như Bộ luật hiện hành nhưng ghi rõ thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.

Liên quan đến quy định nghỉ lễ, tết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội chấp thuận bổ sung thêm một ngày nghỉ vào ngày liền kề với Ngày Quốc khánh 2/9,...

Về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, bà Thúy Anh cho biết, đây là vấn đề mới và khó, phức tạp, chưa có tiền lệ nên khi quy định nội dung này vào dự thảo Bộ luật cần hết sức thận trọng, xem xét nhiều mặt, vừa đáp ứng yêu cầu các cam kết quốc tế khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhưng cần đảm bảo ổn định chính trị, không tạo ra xung đột hoặc đối trọng với tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Do đó, dự thảo Bộ luật quy định mang tính nguyên tắc, còn những vấn đề cụ thể về quy trình, thủ tục, điều kiện giao Chính phủ quy định chi tiết. Đồng thời, đề nghị Chính phủ cần quan tâm, thận trọng và làm rõ các quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành về: nguyên tắc hoạt động; nguyên tắc quản lý tài chính; thu phí thành viên; xử lý các mối quan hệ về kinh phí công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn; việc người lao động được quyền tham gia một hay nhiều tổ chức đại diện cho mình; xác định phạm vi đại diện của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp; việc giải quyết khiếu nại, tranh chấp giữa các tổ chức của người lao động liên quan đến quyền thương lượng tập thể; những cơ chế thực hiện các quy định về tham vấn, lấy ý kiến các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi ban hành nội quy, định mức lao động, thang lương, bảng lương... nếu ở đó có từ hai tổ chức của người lao động trở lên.

Ngoài các nội dung trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, tiếp thu đối với hơn 10 nhóm nội dung khác (chính sách của Nhà nước về lao động, hợp đồng lao động, tiền lương, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể, quy định riêng đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới, quy định riêng về lao động chưa thành niên, tranh chấp lao động, giải quyết tranh chấp lao động, đình công và thanh tra lao động...) tại 61 điều, khoản của dự thảo Bộ luật.

Kết quả biểu quyết thông qua Bộ Luật Lao động (sửa đổi).

Theo kết quả biểu quyết, có 453 đại biểu tham gia biểu quyết (chiếm 93,79%), trong đó 435 đại biểu tán thành (chiếm 90,06%), 9 đại biểu không tán thành (1,86%) và 9 đại biểu không biểu quyết (1,86%).

Quốc hội cũng đã tiến hành biểu quyết riêng đối với 3 nội dung về thời gian làm thêm giờ, bổ sung thêm một ngày nghỉ lễ, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa, có 454 đại biểu tham gia biểu quyết (chiếm 94%), trong đó 433 đại biểu tán thành (chiếm 89,65%), có 14 đại biểu không tán thành (2,9%) và 7 đại biểu không biểu quyết (1,45%).

Đối với quy định bổ sung thêm một ngày nghỉ vào ngày liền kề với Ngày Quốc khánh 2/9, có 455 đại biểu tham gia biểu quyết (chiếm 94,2%), trong đó 452 đại biểu tán thành (chiếm 93,58%), có 1 đại biểu không tán thành (0,21%) và 2 đại biểu không biểu quyết (0,41%).

Quy định tại Chương XIII về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, có 448 đại biểu tham gia biểu quyết (chiếm 92,75%), trong đó 445 đại biểu tán thành (chiếm 92,13%), có 2 đại biểu không tán thành (0,41%) và 1 đại biểu không biểu quyết (0,21%).

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/quoc-hoi-da-thong-qua-du-an-bo-luat-lao-dong-sua-doi-115569.html