Quốc hội chốt bội chi ngân sách năm 2019 là 3,6% GDP

Chiều nay, 9/11, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019.

Các ĐBQH bấm nút thông qua Nghị quyết.

Mức phấn đấu thu là khá cao

Trước khi biểu quyết, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2019.

Theo ông Hải, giải trình việc dự toán thu NSNN năm 2019 có mức tăng tương đối thấp (tăng 3,9% so với ước thực hiện năm 2018) so với các năm gần đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng: Dự toán thu năm 2019 đã được xây dựng trên cơ sở các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (tăng trưởng 6,6-6,8%, chỉ số CPI tăng 4%, tăng trưởng xuất khẩu 7-8%,...), các cân đối vĩ mô chủ yếu (cung-cầu xăng dầu, sản lượng dầu thô,..), dự báo các ngành hàng quan trọng (giá dầu, cao su,...), cũng như việc điều chỉnh các chính sách thu đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Theo đó, dự toán tổng thu NSNN năm 2019 chỉ tăng 3,9% so với ước thực hiện năm 2018, nhưng nếu loại trừ tác động của các yếu tố giảm thu khách quan thì thực tế thu nội địa từ thuế, phí dự kiến tăng 12,8%, thu từ hoạt động XNK tăng khoảng 11,8% so với ước thực hiện năm 2018. Đây là mức phấn đấu khá cao, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,8% và chỉ số giá tiêu dùng khoảng 4%.

Cũng theo ông Hải, một số ý kiến đề nghị cần cơ cấu lại một số khoản chi bảo đảm hợp lý, có kế hoạch, biện pháp thực hành tiết kiệm, cắt, giảm những nhiệm vụ chi không cần thiết, tiết giảm mạnh hơn chi NSNN cho đoàn ra; không bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị đắt tiền, xe công; giảm chi cho khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội; không ban hành chính sách khi không có nguồn bảo đảm.

Về vấn đề này, UBTVQH nhận thấy, đúng như ý kiến của các vị ĐBQH đã nêu, trong điều kiện cân đối NSNN còn khó khăn, nợ công vẫn còn khá cao, thực hiện việc tiết kiệm chi NSNN là một trong những nhiệm vụ bức thiết, đòi hỏi thực hiện ở tất cả các cấp ngân sách. Vì vậy, tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, UBTVQH đã điều chỉnh lại nội dung này trong dự thảo Nghị quyết.

Về ý kiến đề nghị Chính phủ rà soát lại mức dư nợ vay trên cơ sở nhu cầu về nguồn lực đầu tư phát triển của địa phương, UBTVQH cho rằng, mức dư nợ vay của chính quyền địa phương đã được quy định cụ thể trong Luật NSNN. Mức dư nợ vay gắn với bội chi ngân sách địa phương (NSĐP) hàng năm được Quốc hội quyết định. Chính phủ đã báo cáo Quốc hội phương án phân bổ ngân sách trung ương (NSTW) năm 2019, trong đó phương án phân bổ hạn mức vay của NSĐP bảo đảm ưu tiên cho các địa phương được phép vay toàn bộ vốn Chính phủ vay nước ngoài về cho địa phương vay lại, phần còn lại phân bổ theo tỷ lệ vốn đầu tư của các địa phương.

Do đó, sẽ có một số địa phương có nhu cầu vay lớn, có khả năng trả nợ và còn hạn mức vay nhưng chỉ được phép bội chi ở mức thấp so với nhu cầu như TP. Hà Nội, TPHCM, TP. Hải Phòng,... để bảo đảm mức nợ công trong giới hạn Quốc hội cho phép. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép được giữ như phương án Chính phủ trình.

Thu NSNN hơn 1,4 triệu tỷ đồng

Sau khi nghe giải trình, tiếp thu, Quốc hội đã thông qua dự toán NSNN năm 2019 với tổng số thu NSNN là 1.411.300 tỷ đồng; tổng số chi NSNN là 1.633.300 tỷ đồng. Mức bội chi NSNN là 222.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% tổng sản phẩm trong nước (GDP), gồm bội chi ngân sách trung ương là 209.500 tỷ đồng, tương đương 3,4% GDP và bội chi ngân sách địa phương là 12.500 tỷ đồng, tương đương 0,2%GDP. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 425.252 tỷ đồng.

Về việc sử dụng nguồn kinh phí còn lại và chuyển nguồn kinh phí thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2017, Quốc hội nhất trí cho phép sử dụng 10.380 tỷ đồng kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2017 để xử lý cho các nhiệm vụ: bù giảm thu cân đối ngân sách trung ương là 5.894 tỷ đồng; hỗ trợ bù giảm thu cân đối ngân sách địa phương là 2.815 tỷ đồng; hỗ trợ một số địa phương thiếu nguồn thực hiện chính sách tiền lương là 1.671 tỷ đồng. Số kinh phí này quyết toán vào chi NSNN năm 2017.

Quốc hội cũng giao Chính phủ rà soát khoản kinh phí 12.254,9 tỷ đồng theo Tờ trình số 45/TTr-CP ngày 18/10/2018 của Chính phủ để sử dụng đến hết niên độ ngân sách năm 2018 và quyết toán vào ngân sách nhà nước năm 2018. Trường hợp không giải ngân hết, thực hiện hủy dự toán theo quy định.

Nghị quyết đồng ý bổ sung vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 là 138,592 tỷ đồng dự toán chi đầu tư phát triển nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để thực hiện Dự án Hệ thống thông tin quản lý và hiện đại hóa ngân hàng từ nguồn dự phòng chung vốn ngoài nước của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020.

Bên cạnh đó, bổ sung vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018: 79,854 tỷ đồng dự toán thu và chi đầu tư phát triển từ nguồn viện trợ ODA không hoàn lại của Chính phủ Ai Len để đầu tư cho Dự án hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, bổ sung vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 vốn nước ngoài từ nguồn điều chuyển số vốn đã giao kế hoạch trung hạn cho tỉnh Cao Bằng 8,272 tỷ đồng, Bắc Kạn 14,889 tỷ đồng để thực hiện dự án “Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) của tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn” và bổ sung 70 tỷ đồng vào dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 từ: dự toán thu và chi thường xuyên từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Bỉ cho tỉnh Bình Thuận để thực hiện Dự án quản lý tổng hợp nguồn nước và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/quoc-hoi-chot-boi-chi-2019-la-34-gdp.aspx