Quốc hội chính thức sửa đổi khái niệm Doanh nghiệp nhà nước

Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) trong đó sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo nguyên tắc phân chia các loại doanh nghiệp (DN) có sở hữu nhà nước theo mức độ sở hữu khác nhau, với quy định về tổ chức quản trị phù hợp với mỗi loại…

Ngày 17/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) với 90,68% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Chia các loại doanh nghiệp có vốn nhà nước theo các mức độ khác nhau

Trước khi các đại biểu bấm nút thông qua Luật, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày cho biết, về DN nhà nước (Điều 88), một số ý kiến cho rằng khái niệm DNNN như tại dự thảo Luật (DNNN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) là chưa phù hợp. Khái niệm DNNN đã thay đổi liên tục, không bảo đảm tính nhất quán, tác động đến cách thức quản lý của các DN, tạo ra sự khác biệt trong cách thức quản lý với các DN khác.

Về điều này, UBTVQH báo cáo, quy định DNNN gồm các DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết như dự thảo Luật nhằm thể chế hóa chủ trương về tỷ lệ cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN (Nghị quyết số 12).

Dự thảo Luật đã sửa đổi khái niệm DNNN theo nguyên tắc phân chia các loại DN có sở hữu nhà nước theo mức độ sở hữu khác nhau, mỗi loại hình DN có quy định về tổ chức quản trị phù hợp để nâng cao hiệu lực quản trị, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, bảo đảm bình đẳng với DN thuộc các thành phần kinh tế khác.

Ngoài ra, UBTVQH đã chỉ đạo việc rà soát các luật có liên quan về DNNN để bảo đảm đồng bộ trong hệ thống pháp luật, có hiệu lực thi hành cùng Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Do vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này như dự thảo Luật đã được hoàn thiện, chỉnh lý trình Quốc hội thông qua.

Đối với ý kiến cho rằng, cổ phần chi phối là phải quyết định được những vấn đề trọng yếu của DN. Do đó, đề nghị DNNN phải có cổ phần chi phối của Nhà nước đạt 65% thì mới là DNNN, UBTVQH báo cáo: Nội hàm “bảo đảm Nhà nước nắm giữ phần vốn góp hoặc cổ phần chi phối” tại khái niệm DNNN bám sát quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 12.

Quy định này nhằm mục đích kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn việc sử dụng vốn Nhà nước trong các DNNN. Việc nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ đã bảo đảm quyền chi phối trực tiếp việc ra các quyết định thông thường (chỉ yêu cầu tỷ lệ trên 50%) và chi phối gián tiếp (phủ quyết) việc ra một số các quyết định khác (yêu cầu tỷ lệ 65%) của DN đó.

Đồng thời, tỷ lệ này cũng phù hợp với với các cam kết, thông lệ quốc tế. Do đó, UBTVQH xin Quốc hội cho giữ quy định này như dự thảo Luật.

Quốc hội bấm nút thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Quốc hội bấm nút thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông phổ thông

Về quyền của cổ đông phổ thông (Điều 115), có ý kiến cho rằng, không nên quy định giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông phổ thông. Theo đó, việc giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông phổ thông sẽ dẫn đến có nhiều cổ đông nhỏ được can thiệp vào hoạt động quản trị, điều hành sản xuất, kinh doanh của DN, từ đó có thể ảnh hưởng đến việc bảo mật thông tin của DN. Để bảo đảm quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ, đề nghị quy định trong dự thảo Luật về trách nhiệm công khai thông tin của cổ đông.

Về điều này, theo UBTVQH, để phù hợp và thống nhất với khái niệm cổ đông lớn quy định trong Luật Chứng khoán, mức tỷ lệ sở hữu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông để thực hiện một số quyền của cổ đông phổ thông cần bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp lý của các cổ đông thiểu số, nhóm cổ đông trong DN, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, tránh sự thay đổi quá lớn, có thể gây khó khăn trong quản trị, quản lý bí quyết công nghệ, kinh doanh của DN; phù hợp với thực trạng quản trị và bối cảnh của nước ta, tương thích với mức tỷ lệ phổ biến ở nhiều nước.

Do đó, UBTVQH xin Quốc hội cho giữ quy định này như dự thảo Luật về tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông phổ thông là 5%.

Hạn chế đối tượng mua trái phiếu riêng lẻ

Về chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty không đại chúng (Điều 128), có ý kiến đề nghị làm rõ đối tượng được mua và chuyển nhượng trái phiếu chỉ giới hạn cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hay cần mở rộng cho cả nhà đầu tư cá nhân hoặc tổ chức khác.

UBTVQH cho biết, thị trường trái phiếu DN thời gian vừa qua có sự phát triển nhanh và chuyển dịch dần kênh huy động vốn từ tín dụng ngân hàng sang phát hành trái phiếu DN, tuy nhiên còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt khi các nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ đầu tư vào trái phiếu DN riêng lẻ có ít thông tin và khả năng phân tích, đánh giá rủi ro hoặc khi các DN lạm dụng, triển khai các hình thức huy động vốn trái phiếu thiếu minh bạch sẽ gây rủi ro cho các nhà đầu tư.

Để hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư mua trái phiếu và hạn chế DN lạm dụng phương thức này huy động vốn, pháp luật thường hạn chế đối tượng mua trái phiếu riêng lẻ là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và giới hạn việc chuyển nhượng trái phiếu riêng lẻ giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Theo UBTVQH, quy định hạn chế này không ảnh hưởng đến quyền của các nhà đầu tư khác không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và lợi ích của DN vì DN hoàn toàn có thể phát hành trái phiếu ra công chúng để huy động vốn từ nhà đầu tư chứng khoán không chuyên nghiệp.

Nhà đầu tư chứng khoán không chuyên nghiệp có thể ủy thác đầu tư trái phiếu riêng lẻ thông qua nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Do vậy, dự thảo Luật quy định đối tượng được mua và chuyển nhượng trái phiếu chỉ giới hạn cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cần thiết, phù hợp với Luật Chứng khoán và thông lệ phổ biến.

Tự do kinh doanh những ngành nghể luật không cấm

Về quyền và nghĩa vụ của DN (Điều 7 và Điều 8), một số ý kiến cho rằng, khoản 1 Điều 7 quy định: “Tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm” và điểm a khoản 1 Điều 27 Luật Doanh nghiệp năm 2014 có quy định: “Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư, kinh doanh”. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, DN vẫn phải đăng ký chi tiết những ngành, nghề đăng ký kinh doanh với Cơ quan đăng ký kinh doanh. Do đó, đề nghị bổ sung nội dung này theo hướng DN không cần phải đăng ký ngành, nghề kinh doanh mà pháp luật không quy định phải có điều kiện.

Theo UBTVQH, việc quy định DN gửi thông tin về ngành, nghề kinh doanh cho Cơ quan đăng ký kinh doanh không hạn chế quyền tự do kinh doanh của DN. Doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm.

Việc gửi thông tin này chỉ là thủ tục thông báo cho Cơ quan đăng ký kinh doanh để ghi nhận thông tin về DN vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN mà không phải là thủ tục đăng ký ngành, nghề kinh doanh của DN. Hơn nữa, quy định này cũng là cơ sở để cơ quan thuế phân cấp quản lý về thuế và xác định mức ưu đãi thuế cho DN.

Về trình tự, thủ tục đăng ký DN (Điều 26), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về hồ sơ đăng ký DN phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh trụ sở DN thuộc sở hữu của DN hoặc có hợp đồng thuê mướn địa điểm làm trụ sở hợp pháp. Đồng thời, bổ sung quy định về trách nhiệm của các ngành chức năng trong việc kiểm chứng thông tin đăng ký DN và chế tài xử lý đối với các đối tượng liên quan khi để xảy ra việc sai phạm như việc kê khai giả...

Tuy nhiên, theo báo cáo của UBTVQH, việc bổ sung quy định như trên sẽ làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, tạo gánh nặng hành chính trong gia nhập thị trường cho đại đa số người thành lập DN.

Hơn nữa, UBTVQH cho rằng, nếu yêu cầu DN phải có giấy tờ chứng minh trụ sở chính của DN sẽ đi ngược với xu hướng về cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính và định hướng thay đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Do đó, việc kiểm soát các hiện tượng nêu trên chỉ có thể được thực hiện một cách có hiệu quả thông qua hậu kiểm.

Đưa quy định về hộ kinh doanh ra khỏi luật

Một điểm cũng rất quan trọng đã được dư luận quan tâm và các đại biểu cũng cho ý kiến trong các phiên thảo luận, đó là quy định liên quan đến hộ kinh doanh.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến đồng ý với việc quy định một chương về hộ kinh doanh trong Dự thảo Luật; một số ý kiến khác đồng ý xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh.

“UBTVQH đã gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở đa số ý kiến ĐBQH, UBTVQH xin tiếp thu theo hướng bỏ quy định tại Chương VIIa về hộ kinh doanh; bỏ quy định về chuyển hộ kinh doanh thành DN (Điều 199a).” – ông Vũ Hồng Thanh cho biết.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/su-kien-va-van-de/202006/quoc-hoi-chinh-thuc-sua-doi-khai-niem-doanh-nghiep-nha-nuoc-0f5224a/