Quốc hội chính thức phê chuẩn chỉ tiêu GDP 6%, đề ra 12 nhiệm vụ trong năm 2021

Sáng 11/11, với 430/439 đại biểu tán thành (89,21% tổng số đại biểu), Quốc hội chính thức thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Sáng nay (11/11), Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021

Mức tăng trưởng GDP 6% năm 2021 hoàn toàn có thể đạt được

Với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm là 6%, quy mô GDP bình quân khoảng 3.700 USD/người; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1-1,5 điểm phần trăm.Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung trên 90%. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên 87%. Tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%.

Trước khi Quốc hội bấm nút thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã có báo cáo tiếp thu, giải trình Nghị quyết. Theo ông Vũ Hồng Thanh, một số ý kiến cho rằng trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, mức tăng trưởng GDP khoảng 6% là khá cao, nếu đề ra mục tiêu tổng quát “tập trung thực hiện mục tiêu kép” thì tăng trưởng kinh tế khó đạt khoảng 6%, đề nghị đặt chỉ tiêu trên 5% hoặc từ 5,5-6%.

Song Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 được xây dựng trên cơ sở kết quả ước thực hiện của năm 2020, tính toán, cân đối các nguồn lực cũng như tham khảo dự báo của một số tổ chức quốc tế; bối cảnh, tình hình của năm 2021.

“Việc đặt chỉ tiêu khoảng 6% thể hiện quyết tâm của Chính phủ phục hồi kinh tế sau khi kiểm soát thành công đại dịch Covid-19, đồng thời để bảo đảm sự hài hòa, linh động trong thực hiện các mục tiêu cho năm 2021” - ông Thanh đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung xem xét mở lại các đường bay thương mại quốc tế phù hợp nhưng phải bảo đảm tuyệt đối an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên thế giới rất phức tạp, việc mở các đường bay quốc tế cần thận trọng, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, theo diễn biến của dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, để tạo điều kiện cho Chính phủ điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình, diễn biến thực tế, xin không tiếp thu nội dung này.

Một giải pháp khác được đề ra là công khai, minh bạch trong điều hành đối với giá điện, xăng dầu cũng như các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác có ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu dùng của người dân.

Quốc hội cũng yêu cầu triển khai các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án giao thông quan trọng, trong đó chú trọng các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các tuyến đường cao tốc kết nối.

Ngoài ra, cần quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển rừng. Trong phòng, chống tham nhũng, Quốc hội đề nghị thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm; tiếp tục hoàn thiện cơ chế phòng ngừa tham nhũng.

Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện tốt các yêu cầu chủ yếu như triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra để tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống và giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác…

Để đạt các mục tiêu nói trên, Quốc hội đã đề ra 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Đáng chú ý có việc tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống và giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác. Đẩy nhanh việc nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong sản xuất vắc-xin và có giải pháp để người dân tiếp cận vắc-xin phòng dịch Covid-19 sớm nhất.

Quốc hội đề ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

1. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%.

2. Quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người.

3. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.

4. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%.

5. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%.

6. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%.

7. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%.

8. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1-1,5 điểm phần trăm.

9. Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung trên 90%.

10. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên 87%.

11. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường khoảng 91%.

12. Tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%.

Với 430/439 đại biểu tán thành, đạt 89,21% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Nghị quyết được Quốc hội thông qua nêu rõ mục tiêu tổng quát của năm sau là tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh.

xem thêm: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Thu nhập bình quân của người dân tăng gần 145% trong 6 năm qua

Nguyễn Dung(t/h)

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/quoc-hoi-thong-qua-12-chi-tieu-chu-yeu-cho-nam-2021-23275.html