Quốc hội cánh báo nợ nước ngoài, nợ Chính phủ sắp chạm trần

Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng nợ công đang có xu hướng giảm nhưng nợ nước ngoài và nợ Chính phủ lại có xu hướng tăng lên, tiến sát trần nợ.

Ủy ban Tài chính ngân sách cho biết một số dự án có khả năng thực hiện và giải ngân tốt lại bố trí kế hoạch vốn thấp hoặc chưa được bố trí vốn. Ảnh minh họa: Lê Quân.

Chiều 22/10, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách, trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2018, dự toán và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019; sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017.

Nợ công công giảm nhưng nợ nước ngoài tăng

Về vấn đề nợ công, Ủy ban Tài chính ngân sách cho biết tỷ lệ nợ công/GDP có xu hướng giảm dần trong các năm gần đây. Cụ thể năm 2017, nợ công là 62,6% GDP; năm 2018 là 61,4% GDP và dự kiến năm 2019 là 61,3% GDP.

Tuy nhiên, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia lại xu hướng tăng lên, đặc biệt nợ nước ngoài của quốc gia đã dần tới trần cho phép (50% GDP).

Cụ thể nợ Chính phủ năm 2017 là 51,8%GDP; năm 2018 là 52,1% GDP; năm 2019 dự kiến là 52,2% GDP. Trong khi đó, nợ nước ngoài của quốc gia năm 2017 là 45,2% GDP; năm 2018 là 49,7%GDP và dự kiến năm 2019 là 49,9 %GDP.

Ông Nguyễn Đức Hải cho rằng các chỉ tiêu này còn trong giới hạn cho phép nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro. Vì vậy, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ thực hiện nghiêm các biện pháp đã đề ra để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Ủy ban Tài chính ngân sách cũng nhận định tỷ lệ nợ công/GDP có xu hướng giảm, kỳ hạn vay dài hơn, lãi suất thấp hơn, tỷ trọng vay trong nước cao hơn là một kết quả tích cực. Tuy nhiên, số tuyệt đối về nợ công tiếp tục đà tăng và vay để trả nợ gốc hàng năm có xu hướng tăng nhanh.

Theo báo cáo, dư nợ công ước thực hiện năm 2017 là 3,13 triệu tỷ đồng; ước năm 2018 là 3,4 triệu tỷ đồng. Nợ Chính phủ ước thực hiện năm 2017 là 2,59 triệu tỷ đồng, ước năm 2018 là 2,89 triệu tỷ đồng. Vay để trả nợ gốc năm 2017 là 150.700 tỷ đồng; năm 2018 là 157.130 tỷ đồng; năm 2019 là 201.210 tỷ đồng.

Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng chỉ trong trường hợp có tăng thu ngân sách thì mới được tăng chi và sử dụng dự phòng chung của ngân sách, không điều chỉnh tăng mức bội chi ngân sách Nhà nước, trần đầu tư công, trần nợ công đã được Quốc hội quyết định (trừ trường hợp tăng thu của các địa phương).

Dự án có khả năng thực hiện lại được bố trí vốn thấp

Đánh giá chung về tình hình thu ngân sách năm 2018, Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận thấy một số vấn đề nổi lên như kết quả thu ngân sách ước vượt dự toán, nhưng chưa đạt được một số mục tiêu. Tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt 20,7%, thấp hơn mục tiêu 21% đề ra. Nợ đọng thuế còn lớn và có xu hướng tăng so với năm 2017; khoản thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh ước không đạt dự toán, một số địa phương dự ước hụt thu.

Thu nội địa ước vượt 0,9% so với dự toán nhưng thực chất, số thu từ các khu vực doanh nghiệp lại không đạt dự toán.

Về chi, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng cơ bản bảo đảm các nhiệm vụ chi quản lý Nhà nước, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và thanh toán đầy đủ các chế độ, chính sách an sinh xã hội và các nghĩa vụ nợ đến hạn theo cam kết. Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, còn một số vấn đề tồn tại.

Việc cơ cấu lại chi ngân sách chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt, tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi còn cao. Việc thực hiện một số chính sách an sinh xã hội thiếu đồng bộ, chưa đạt hiệu quả so với mục tiêu, yêu cầu đề ra. Việc thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở một số địa phương còn nặng về hình thức.

Trong lĩnh vực chi đầu tư phát triển, tình trạng giao vốn đầu tư chưa đúng quy định của pháp luật chưa được khắc phục. Còn tình trạng giao vốn chưa hết, giao vốn rất chậm, giao nhiều lần vẫn xảy ra. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn chậm.

“Có những dự án quan trọng quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia, dự án sử dụng nguồn vốn ODA bị chậm tiến độ, làm tăng tổng mức đầu tư, gây lãng phí, giảm hiệu quả sử dụng ngân sách. Trong khi một số dự án có khả năng thực hiện và giải ngân tốt lại bố trí kế hoạch vốn thấp hoặc chưa được bố trí vốn”, ông Hải nói.

Một số dự án chưa được thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư công nên phải điều chỉnh kế hoạch, giao vốn nhiều lần và kéo dài thời gian giao vốn. Còn những tồn tại, hạn chế trong những năm trước của một số dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT chưa được khắc phục.

Đưa số liệu tài sản công vào báo cáo tài chính Nhà nước

Về thu từ dầu thô, Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng nhận thấy, sản lượng khai thác dầu thô có xu hướng giảm dần qua các năm. Năm 2017 ước thực hiện 13,28 triệu tấn; năm 2018 là 11,76 triệu tấn; năm 2019 dự kiến là 10,43 triệu tấn.

Từ đó, Ủy ban này đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về sự sụt giảm sản lượng tại các mỏ khai thác, dự kiến trữ lượng và kế hoạch khai thác trong các năm tiếp theo, tạo căn cứ xây dựng dự toán sát hơn.

Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp tổng thể, thực chất, rõ ràng để giải quyết việc giảm nguồn thu khá lớn khi dự án lọc dầu Nghi Sơn đi vào kinh doanh, nhằm bảo đảm cân đối tài chính và mức đóng góp của PVN cho ngân sách Nhà nước.

Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ rà soát nguồn thu từ đất. Ảnh: Quỳnh Trang.

Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ rà soát nguồn thu từ đất. Ảnh: Quỳnh Trang.

Trong thời gian tới, Ủy ban Tài chính Ngân sách kiến nghị cần kiên quyết, quyết liệt thực hiện siết chặt kỷ luật, kỷ cương về quản lý thu ngân sách. Thực hiện rà soát, có cơ chế quản lý chặt chẽ về ưu đãi đầu tư, chống chuyển giá.

Chính phủ cần chỉ đạo sát sao để sớm hoàn thành công tác kiểm kê, đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công và đưa số liệu này vào báo cáo tài chính Nhà nước. Ủy ban cũng đề nghị cần đánh giá tác động và kết quả sau một năm thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù tại TP.HCM.

Đề nghị Chính phủ rà soát nguồn thu từ đất để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách của của một số bộ, ngành giai đoạn 2016-2020.

Về chi, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý chi tiêu; nghiên cứu bổ sung các chế tài xử lý đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ theo quy trình lập, chấp hành, quyết toán ngân sách.

Theo Zing News

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/quoc-hoi-canh-bao-no-nuoc-ngoai-no-chinh-phu-sap-cham-tran-3476290.html