Quốc hội cần có nghị quyết xử lý những vấn đề nóng giữa hai kỳ họp

Giữa hai kỳ họp Quốc hội nhiều vấn đề rất nóng nổi lên, cần đưa vào nghị quyết của Quốc hội, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga...

 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp.

Giữa hai kỳ họp Quốc hội nhiều vấn đề rất nóng nổi lên, cần đưa vào nghị quyết của Quốc hội, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga.

Chiều 9/5 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 20 ngày, khai mạc vào ngày 20/5 và bế mạc vào ngày 14/6/2019.

Ông Phúc cho biết, đến thời điểm hiện nay, phần lớn các tài liệu kỳ họp vẫn chưa được gửi đến đại biểu Quốc hội (chỉ có 5 dự án luật trình Quốc hội thông qua được gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội).

Về các ý kiến đóng góp từ đại biểu với nội dung kỳ họp, Tổng thư ký Quốc hội phản ánh, có ý kiến đề nghị bổ sung báo cáo của Chính phủ (gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu) về tình hình và kết quả xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.

Về bố trí chương trình kỳ họp, có ý kiến đề nghị bố trí thảo luận các nội dung (thay vì gửi đại biểu tự nghiên cứu): việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công; kết quả kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để đại biểu và cử tri theo dõi, giám sát.

Ý kiến khác đề nghị giảm thời gian tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn từ 2,5 ngày xuống còn 2 ngày, tăng thời gian thảo luận đối với một số dự án luật còn nhiều ý kiến khác nhau.

Trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến đóng góp, căn cứ tình hình thực tế và thời gian tiến hành kỳ họp, Tổng thư ký Quốc hội đề nghị giữ lượng thời gian như đã dự kiến về một số nội dung: 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn. Không bố trí thảo luận riêng mà kết hợp thảo luận cùng các vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước các nội dung về: việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công; kết quả kiểm điểm và xử lý trách nhiệm trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị xem xét đưa vào nghị quyết của Quốc hội để có giải pháp với một số vấn đề rất nóng giữa hai kỳ họp của Quốc hội.

Đó là tình hình tai nạn giao thông nhất là dùng ma túy rượu bia gây tai nạn, những trọng án về ma túy số lượng lên đến hàng tấn, việc xâm hại trẻ em và xâm hại tình dục trẻ em, tình trạng giết người và giết nhiều người do dùng ma túy đá.

Cũng đồng ý Quốc hội cần có nghị quyết xử lý những vấn đề nóng, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm, lái xe mà sử dụng ma túy thì tước bằng vĩnh viễn, còn uống rượu bia lái xe chưa gây tai nạn thì có thể phạt lao động công ích chứ phạt tiền có thể không hiệu quả.

Dư luận đang xem phản ứng của Quốc hội thế nào với những vấn để bức xúc, nghị quyết xử lý một số vấn đề trong đó có say rượu bia lái xe cần có chế tài nghiêm khắc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu.

Về công tác xây dựng pháp luật, một số ý kiến băn khoăn về dự án luật Phòng chống tác hại của rượu bia khi còn quá nhiều ý kiến khác nhau và gay gắt về dự án luật này.

Kỳ họp này cứ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến, nếu chưa đủ điều kiện thông qua thì tiếp tục chuẩn bị, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu quan điểm.

Nguyên Vũ

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/quoc-hoi-can-co-nghi-quyet-xu-ly-nhung-van-de-nong-giua-hai-ky-hop-20190509163714042.htm