Quốc hội bước vào phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Sáng nay (8/11), Quốc hội tiến hành phiên chất vấn trực tiếp đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Các vấn đề mà Bộ trưởng sẽ phải giải trình bao gồm: Công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình; cấp, thu hồi thẻ nhà báo; Công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội; quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; Ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Trong báo cáo gửi đến các ĐBQH, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, liên quan đến công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, năm 2018, Thanh tra Bộ TTTT đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 doanh nghiệp vi phạm quy định trong hoạt động cung cấp dịch vụ thông tin trên mạng với tổng số tiền phạt 261,25 triệu đồng. Trong khi đó, Cục PTTH&TTĐT xử phạt 14 vụ với tổng số tiền 287 triệu đồng.

Các hành vi vi phạm chủ yếu là: Cung cấp, đăng tải thông tin trên mạng xã hội xúc phạm Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị anh hùng dân tộc của Việt Nam; Thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội nhưng không có giấy phép; Hoạt động không đúng quy định trong giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; Phân phối các bản sao chương trình phát sóng trên mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp mà không được phép của chủ sở hữu quyền của tổ chức phát sóng theo quy định; không trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thức trên trang thông tin điện tử tổng hợp,...

Bộ trưởng cũng cho biết, tính đến hết tháng 10 năm 2019, Cục PTTH&TTĐT xử phạt 13 vụ với tổng số tiền 248,5 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là: Thiết lập mạng xã hội nhưng không có giấy phép; Cung cấp, đăng tải thông tin, hình ảnh sai sự thật; thực hiện không đúng quy định trong giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp…

Năm 2018, Bộ TTTT đã xử lý vi phạm hành chính 35 trường hợp, với tổng mức phạt bằng tiền là 1,1 tỷ đồng; đến hết tháng 10/2019, Bộ đã xử lý 24 trường hợp, với số tiền phạt là 580 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép 03 trường hợp (Báo Tuổi trẻ online, Báo điện tử Người tiêu dùng, Tạp chí điện tử Luật sư). Từ năm 2018 đến nay, Bộ TTTT đã xử phạt vi phạm hành chính 10 cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích quy định trong giấy phép.

Trong khi đó, đối với công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình; cấp, thu hồi thẻ nhà báo, Báo cáo Quốc hội, Bộ trưởng cho hay, từ năm 2018 đến nay, Bộ TTTT đã nhận và xử lý 450 đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo trong hoạt động báo chí. Đến ngày 30/10/2019, chỉ riêng đường dây nóng của Cục Báo chí đã tiếp nhận gần 1.834 cuộc điện thoại và 300 thư điện tử; khoảng 20 trường hợp phản ánh phóng viên sách nhiễu (chiếm khoảng 1%).

“Cục Báo chí đã kịp thời thông báo để các cơ quan báo chí kiểm tra, quản lý phóng viên tác nghiệp tại địa phương. Bộ TTTT thường xuyên chỉ đạo, yêu cầu lãnh đạo các cơ quan báo chí tăng cường công tác quản lý phóng viên, cộng tác viên; cung cấp thông tin cho Hội Nhà báo Việt Nam để xem xét, xử lý về đạo đức nghề nghiệp.

Để dẫn đến những tồn tại, sai phạm phải xử lý, Bộ trưởng nhận xét, hiện nay, một số quy định của pháp luật về báo chí còn bất cập; Luật Báo chí năm 2016 chưa phân định, lượng hóa cụ thể để phân biệt rõ báo điện tử và tạp chí điện tử; chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, nhiều tổ chức, cá nhân sau khi bị xử lý tiếp tục tái phạm; chưa quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí khi để xảy ra nhiều sai phạm.

Trong khi đó, một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình hoạt động có những thiếu sót, sai phạm; song không muốn bị công khai nên có những thỏa hiệp, tạo cớ để phóng viên dọa dẫm, sách nhiễu. Công tác quản lý phóng viên, cộng tác viên của cơ quan báo chí, văn phòng đại diện còn buông lỏng. Cơ quan, doanh nghiệp chưa nắm được các quy định khi làm việc với báo chí…

Về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng cho biết, theo kết quả đánh giá Chính phủ điện tử của Liên hiệp quốc năm 2018, Việt Nam xếp vị trí thứ 88/193 quốc gia được đánh giá, đứng thứ 6/11 quốc gia ASEAN. Với kết quả này, Việt Nam tăng 01 bậc so với năm 2016.

Theo Bộ trưởng, ứng dụng CNTT, xây dựng Chín phủ điện tử đã đóng góp quan trọng trong cải cách hành chính rút ngắn thời gian, giảm chi phí giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; Đã có những bước chuyển mạnh mẽ trong xây dựng Chính phủ điện tử, tạo tiền đề phát triển chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số; Nhận thức và quyết tâm xây dựng CPĐT, Chính quyền điện tử của tất cả các cấp, các ngành ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, đó là phát triển ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử tại các cơ quan nhà nước chưa đồng bộ, có nơi còn hình thức, chưa phát triển theo chiều sâu. Việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc còn phụ thuộc nhiều vào giấy tờ, thủ công.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, việc xây dựng các CSDL quốc gia tạo nền tảng phục vụ phát triển CPĐT còn chậm (đặc biệt là CSDL quốc gia về dân cư, CSDL quốc gia về đất đai), chưa đáp ứng yêu cầu phát triển CPĐT.

Cùng với đó, hạ tầng kỹ thuật ứng dụng CNTT tại một số địa phương, nhất là tuyến huyện, xã nhiều nơi chưa đáp ứng nhu cầu, hạ tầng đã được đầu tư từ lâu, chưa được nâng cấp kịp thời; năng lực hệ thống, trang thiết bị nhiều nơi hạn chế.

Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng cho hay, các bộ, ngành, địa phương còn dùng nhiều phần mềm, nền tảng khác nhau khó khăn trong chia sẻ, tích hợp dữ liệu dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp; Nguồn nhân lực CNTT trong các cơ quan nhà nước nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu; Đầu tư cho an toàn, an ninh mạng còn hạn chế…

Nêu các nhiệm vụ trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử đến hết năm 2020, Bộ trưởng cho biết, sẽ hoàn thiện thể chế, chiến lược, chính sách, văn bản hướng dẫn; Xây dựng, sửa đổi Luật liên quan đến CPĐT, trong đó đáng chú ý là việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Giao dịch điện tử; Nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Chính phủ điện tử, đồng thời tập trung hoàn thành một loạt Nghị định quan trọng như: Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; Nghị định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu; Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tổ chức…

Để hỗ trợ triển khai Chính phủ điện tử, Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới, sẽ thiết lập Trung tâm một cửa hỗ trợ triển khai CPĐT đặt tại Bộ TTT. Bộ TTTT cũng sẽ thường xuyên có các văn bản hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai…, Đào tạo 100 chuyên gia Chính phủ điện tử cho các bộ, ngành, địa phương…

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201911/quoc-hoi-buoc-vao-phien-chat-van-bo-truong-bo-thong-tin-va-truyen-thong-b5b5e8f/