Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Lực lượng dự bị động viên

Ngày 26-11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ tám (Quốc hội khóa XIV), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.

* Thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước và 3 nghị quyết

Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ và Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Lực lượng dự bị động viên (DBĐV), Luật Chứng khoán (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước và 3 nghị quyết, trong đó có nghị quyết về dự án Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành.

Quy định cụ thể về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên

Chiều 26-11, với đa số ý kiến tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Lực lượng DBĐV. Luật quy định về xây dựng, huy động lực lượng DBĐV; chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, huy động lực lượng DBĐV. Một trong các nguyên tắc xây dựng, huy động lực lượng DBĐV là tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý tập trung, thống nhất của Chính phủ và sự chỉ huy, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Theo quy định của luật, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ lập kế hoạch nhà nước về xây dựng và huy động lực lượng DBĐV. Đồng thời quy định cụ thể về việc lập kế hoạch xây dựng, huy động lực lượng DBĐV của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các đơn vị trực thuộc cũng như của các địa phương. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định thẩm quyền lập kế hoạch huy động, tiếp nhận lực lượng DBĐV của đơn vị Quân đội nhân dân.

Đối với đăng ký, quản lý quân nhân dự bị, luật quy định ban CHQS cấp xã, ban CHQS cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã thực hiện đăng ký quân nhân dự bị cho công dân cư trú tại địa phương. Ban CHQS cơ quan, tổ chức thực hiện đăng ký quân nhân dự bị cho công dân đang lao động, học tập, làm việc tại cơ quan, tổ chức. Trường hợp cơ quan, tổ chức không có ban CHQS thì người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức cho công dân đang lao động, học tập, làm việc tại cơ quan, tổ chức đăng ký quân nhân dự bị tại nơi cư trú. UBND cấp xã, UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã quản lý quân nhân dự bị cư trú tại địa phương. Ban CHQS cấp huyện phối hợp với cơ quan, tổ chức quản lý quân nhân dự bị đang lao động, học tập, làm việc tại cơ quan, tổ chức trên địa bàn.

Bên cạnh đó, luật cũng có các quy định cụ thể về đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật dự bị; tổ chức biên chế đơn vị DBĐV; độ tuổi quân nhân dự bị sắp xếp vào đơn vị DBĐV trong thời bình...

Cũng trong thời gian làm việc buổi chiều, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước với đa số ý kiến tán thành.

Giao Chính phủ lựa chọn nhà đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Chiều cùng ngày, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1. Theo đó, trong giai đoạn 1, dự án Cảng HKQT Long Thành sẽ xây dựng một đường cất hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ xem xét, quyết định tổng mức đầu tư của dự án bao gồm cả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đồng thời bảo đảm tổng mức đầu tư toàn bộ dự án không vượt tổng mức đầu tư theo Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án Cảng HKQT Long Thành. Nghị quyết cũng giao Chính phủ lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật bảo đảm quốc phòng, an ninh và lợi ích của Nhà nước, lợi ích của quốc gia; bảo đảm sự quản lý của Nhà nước theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng và sử dụng cho mục đích quân sự.

Nghị quyết yêu cầu nguồn vốn thực hiện dự án sử dụng vốn của nhà đầu tư; không sử dụng bảo lãnh Chính phủ; bảo đảm tiến độ, tính khả thi, hiệu quả và công khai, minh bạch. Điều chỉnh diện tích đất cho quốc phòng tại dự án từ 1.050ha thành 570ha dành riêng cho quốc phòng và 480ha cho xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung quân sự và dân dụng. Việc quản lý, sử dụng phần diện tích dùng chung thực hiện theo quy định của pháp luật, ưu tiên cho hoạt động quân sự khi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Nghị quyết cũng bổ sung hai tuyến giao thông kết nối vào dự án và yêu cầu hằng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện dự án Cảng HKQT Long Thành.

Cùng với nghị quyết về dự án Cảng HKQT Long Thành, với đa số ý kiến tán thành, Quốc hội cũng đã thông qua nghị quyết phê chuẩn chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) và nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Khuyến khích giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, đối thoại

Trước đó, vào sáng 26-11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với sự cần thiết ban hành luật nhằm khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài. Theo đại biểu Hoàng Văn Hùng (đoàn Thái Nguyên), qua thí điểm và sơ kết cơ chế hòa giải, đối thoại tại tòa án ở 16 tỉnh, thành phố đã khẳng định tính ưu việt của cơ chế này, góp phần hạn chế các tranh chấp cần phải đưa ra xét xử, nhanh chóng giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn của người dân, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan. Hòa giải, đối thoại tốt sẽ là giải pháp giúp giảm khối lượng công việc nặng nề của tòa án trong bối cảnh hằng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng cả về số lượng và tính chất phức tạp. Đại biểu Hoàng Văn Hùng đề nghị cần làm rõ vị trí pháp lý của hệ thống mô hình hòa giải tại tòa án, mối quan hệ giữa mô hình này với tòa án nhân dân và các mô hình hòa giải khác, bảo đảm hòa giải viên hoạt động độc lập, khách quan. Đại biểu Hoàng Văn Hùng cũng đồng tình với phương án Nhà nước không thu lệ phí hòa giải, đối thoại tại tòa, góp phần khuyến khích các bên sử dụng hòa giải, đối thoại để giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.

Về tiêu chuẩn của hòa giải viên, đại biểu Trần Hồng Nguyên (đoàn Bình Thuận) cho rằng, nên lựa chọn những người nằm ngoài biên chế nhà nước, có bề dày kinh nghiệm và trình độ chuyên môn, vừa đáp ứng được yêu cầu không làm tăng biên chế, không phát sinh thêm tổ chức, vừa có thể giải quyết hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện. Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị, tiêu chuẩn bổ nhiệm hòa giải viên đối với luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác chỉ cần quy định có kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác của mình với thời gian ngắn hơn mà không cần phải đủ 10 năm kinh nghiệm như dự thảo luật, có thể thời gian kinh nghiệm 3 năm hoặc 5 năm.

Phát biểu làm rõ một số vấn đề, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, nỗ lực hòa giải xuyên suốt trong quá trình tố tụng, thậm chí đến phiên giám đốc thẩm vẫn khuyến cáo hai bên ngồi lại với nhau để hòa giải. Cơ chế hòa giải thông qua hòa giải viên khác với các thẩm phán tiến hành hòa giải ở chỗ hòa giải viên năng động hơn, linh hoạt hơn, mềm dẻo hơn. Thẩm phán không được phép đưa ra lời khuyên mà chỉ căn cứ vào luật để chỉ rõ đúng-sai, hòa giải viên hoàn toàn có thể đưa ra lời khuyên cho các bên.

Dự thảo luật sẽ tiếp tục được nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tới.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/quoc-hoi-bieu-quyet-thong-qua-luat-luc-luong-du-bi-dong-vien-603643