Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Lâm nghiệp

Sáng 15/11, với tỷ lệ 87,78% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Lâm nghiệp. Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019.

ĐBQH Nguyễn Trường Giang - tỉnh Đắk Nông phát biểu ý kiến

Luật Lâm nghiệp bao gồm 12 Chương, 108 Điều quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản.

Luật quy định rõ, không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt.

Theo Luật lâm nghiệp, việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích sử dụng khác phải đáp ứng các điều kiện: Phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; Có dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định. Đồng thời, có phương án trồng rừng thay thế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc sau khi hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế.

Về quản lý nhà nước về lâm nghiệp, Luật quy định theo hướng phân định rõ chức năng quản lý nhà nước về lâm nghiệp và chức năng chấp pháp của kiểm lâm; không quy định cụ thể về hệ thống tổ chức quản lý nhà nước chuyên ngành về lâm nghiệp để đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính. Đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể về tổ chức, bộ máy cơ quan quản lý lâm nghiệp cho phù hợp với điều kiện thực tiễn, đồng bộ với hệ thống pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu rõ, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được quy định trong Luật Bảo vệ và phát triển rừng (2004), Nghị định số 99/2010/NĐ-CP và thực hiện ổn định hơn 7 năm qua ở các địa phương có rừng. Hiện tại, nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng hàng năm là trên 1.200 tỷ đồng, được chi trả cho hơn 500.000 chủ rừng, chủ yếu là hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư để quản lý, bảo vệ trên 5,7 triệu ha rừng.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm hợp lý giữa quyền và nghĩa vụ của các bên, dự thảo Luật đã quy định rõ quyền, nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng (Điều 64); quyền và nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng (Điều 65); đồng thời quy định những nội dung cơ bản trong quản lý chi trả dịch vụ môi trường rừng như loại dịch vụ môi trường rừng (Điều 61), nguyên tắc chi trả (Điều 62), đối tượng, hình thức chi trả và quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng (Điều 63), cơ quan nhận ủy thác để chi trả dịch vụ môi trường rừng (khoản 2 Điều 64) đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết về quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng, trong đó có quy định về cơ quan có thẩm quyền quản lý, điều tiết tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng; trách nhiệm của bên nhận nhiệm vụ ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng để phù hợp với từng cấp quản lý.

Xung quanh ý kiến đề nghị cần cân nhắc không nên quy định cụ thể về chi ngân sách Nhà nước đối với hoạt động lâm nghiệp để tránh xung đột với Luật Ngân sách Nhà nước và pháp luật có liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và quy định thể hiện trong dự thảo Luật như sau: Căn cứ vào yêu cầu quản lý, phát triển lâm nghiệp và khả năng của ngân sách Nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ quy định những hoạt động được sử dụng ngân sách Nhà nước.

Việc lập, chấp hành, kiểm toán, quyết toán và giám sát ngân sách Nhà nước cho lâm nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.

Đối với ý kiến đề nghị làm rõ hơn sự cần thiết thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng; cần quy định rõ Nhà nước có hỗ trợ vốn điều lệ của Quỹ này hay không; rà soát các quy định cụ thể về nguồn thu, nhiệm vụ chi của Quỹ, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho biết, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng là quỹ ngoài ngân sách Nhà nước, được thành lập và thực hiện ổn định hơn 9 năm qua theo Nghị định 05/2008/NĐ-CP của Chính phủ với các hạng mục chi không trùng với nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước đối với cùng một đối tượng.

Hiện tại, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng được tổ chức ở 2 cấp Trung ương và cấp tỉnh. Đến nay, 41 tỉnh đã thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng với tổ chức ổn định, hoạt động có hiệu quả.

Do vậy, dự thảo Luật đã quy định rõ về nguồn tài chính hình thành Quỹ (khoản 4 Điều 95). Riêng nội dung chi của Quỹ được chi theo từng nguồn tài chính hình thành Quỹ nên rất đa dạng, khó quy định chi tiết nên dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết về cơ chế quản lý sử dụng tài chính của Quỹ và thể hiện như tại khoản 6 Điều 95.

Về tên gọi của Luật, phần lớn các vị đại biểu quốc hội (ĐBQH) đều nhất trí với tên gọi của Dự án Luật là Luật Lâm nghiệp như đề xuất của Chính phủ. Do vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho đổi tên Luật là Luật Lâm nghiệp.

NGUYỄN THANH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/quoc-hoi-bieu-quyet-thong-qua-luat-lam-nghiep-d66903.html