Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công sửa đổi

Sáng 13/6, Quốc hội biểu quyết thông qua 2 luật quan trọng là Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Vào đầu buổi sáng, với 442/453 đại biểu tán thành (chiếm 91,32% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Luật gồm 17 chương, 152 điều, quy định việc quản lý các loại thuế, khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Các quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của luật này có hiệu lực từ ngày 1/7/2022.

Trước khi bỏ phiếu biểu quyết thông qua, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Tài Chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày.

Nội dung có nhiều tranh cãi nhất trước khi các đại biểu "bấm nút" là quy định xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế được ghi tại Điều 59 của dự thảo luật.

Các đại biểu "bấm nút" thông qua luật. Ảnh: Minh Quân.

Các đại biểu "bấm nút" thông qua luật. Ảnh: Minh Quân.

Theo đó, có ý kiến cho rằng việc quy định tiền chậm nộp ở mức 0,03%/ngày là thấp hơn so với lãi suất ngân hàng, dẫn đến việc các doanh nghiệp cố tình chây ì, chậm nộp thuế. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng cần nghiên cứu tăng mức tính tiền chậm nộp ở mức cao hơn.

Giải trình về nội dung này, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết trong giai đoạn vừa qua, do biến động của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì lý do khách quan.

Do đó để nuôi dưỡng nguồn thu, tạo điều kiện và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Quốc hội đã nhiều lần điều chỉnh giảm mức tiền chậm nộp (từ 0,07% xuống 0,05% và hiện nay là 0,03%/ngày).

Báo cáo cũng cho rằng mức tính tiền chậm nộp 0,03%/ngày tương đương với mức 10,95%/năm. Trong khi đó, lãi suất huy động Việt Nam đồng hiện nay khoảng 4,5-5,5%/năm (kỳ hạn 1-6 tháng) và 6-9%/năm đối với các khoản cho vay ngắn hạn.

“Như vậy, mức tiền chậm nộp hiện nay đã vượt quá mức lãi suất cho vay cao nhất trên thị trường. Do đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép giữ như dự thảo đã cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7”, ông Nguyễn Đức Hải nói.

Sáng cùng ngày, Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi). Theo đó, có 436 đại biểu tán thành (chiếm 90,08%), Quốc hội đã thông qua luật có nhiều sự tranh cãi tại kỳ họp lần này. Sau phiên thảo luận tại hội trường ngày 28/5, do còn nhiều ý kiến khác nhau, Tổng thư ký Quốc hội đã xin ý kiến các đại biểu về 3 vấn đề (ngày 3/6).

Trong luật mới được thông qua, về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn, Quốc hội cho giữ cơ bản như quy định của Luật Đầu tư công hiện hành, đồng thời chỉnh lý một số chi tiết để đảm bảo đồng bộ với Luật Ngân sách Nhà nước.

Quốc hội sẽ quyết định chủ trương đầu tư đối với chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia.

Về quy trình, thời gian trình, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước, luật mới giữ quy trình, thủ tục như quy định tại Điều 65 của Luật Đầu tư công hiện hành, tuy nhiên có chỉnh lý về mặt thời gian để phù hợp với quy định Quốc hội khóa mới quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn mới.

Hiếu Công

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/quoc-hoi-bieu-quyet-thong-qua-luat-dau-tu-cong-sua-doi-post956261.html