Quốc hội biểu quyết thông qua 3 luật và Nghị quyết về thi hành Bộ luật Hình sự

Chiều 20-6, với 88,39% số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội khóa XIV đã chính thức thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.

Có 89,41% số đại biểu tán thành thông qua Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật Hình sự.

Với 92,67% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Cảnh vệ. Luật có 6 Chương, 33 Điều, có hiệu lực thi hành từ 1-7-2018.

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có 93,08% số đại biểu tán thành.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội.

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 quy định

:

Khoản 3 Điều 19, quy định không tố giác tội phạm, trong đó vấp phải phản ứng từ giới luật sư khi các luật sư cho rằng quy định này có thể làm mất niềm tin của xã hội với giới luật sư. Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số 100/2015/QH2013 và dự thảo Nghị quyết thi hành, do đây là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội quan tâm nên sau khi báo cáo cơ quan có thẩm quyền, cân nhắc kỹ nhiều mặt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho tiếp thu một phần ý kiến của ĐBQH, của Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam để chỉnh lý khoản 3 Điều 19 của BLHS 2015 theo hướng thu hẹp hơn phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người bào chữa về hành vi không tố giác tội phạm, cụ thể như trong dự thảo Luật.

Đó là chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự ở 2 giai đoạn chuẩn bị phạm tội và đang thực hiện tội phạm; không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với giai đoạn đã thực hiện tội phạm.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật hình sự. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội.

Về bổ sung Điều 217a - Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp (khoản 51 Điều 1 của dự thảo Luật), Luật đã quy định xử lý hình sự trường hợp kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc không đúng với nội dung của giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp nếu thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Về sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 - Trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi của BLHS năm 2015 (khoản 3 Điều 1 của dự thảo Luật), có 276/435 ý kiến của các vị ĐBQH tán thành với việc quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng tại khoản 2 Điều 12. Do đó, tiếp thu đa số ý kiến ĐBQH, Quốc hội cho sửa đổi khoản 2 Điều 12; đồng thời cũng sửa đổi các điều 91, 93, 94, 95 và 100 cho phù hợp với quy định tại Điều 12, cụ thể như trong dự thảo Luật.

Về sửa đổi, bổ sung Điều 235 - Tội gây ô nhiễm môi trường của BLHS năm 2015 (khoản 58 Điều 1 của dự thảo Luật, Quốc hội quyết định giữ mức hình phạt như trong dự thảo Luật.

Về sửa đổi, bổ sung Điều 317 - Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm của BLHS năm 2015 (khoản 119 Điều 1 của dự thảo Luật), có ý kiến cho rằng, Luật an toàn thực phẩm đã quy định cụ thể về các trường hợp thực phẩm không bảo đảm an toàn. Do đó, đề nghị không liệt kê các công đoạn, nguyên liệu trong sản xuất, chế biến dẫn đến thực phẩm không an toàn trong BLHS.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Điều 5 của Luật an toàn thực phẩm quy định 12 nhóm hành vi cấm nhưng không phải mọi hành vi cấm của Luật an toàn thực phẩm đều cần thiết phải hình sự hóa mà một số hành vi chỉ cần xử phạt vi phạm hành chính cũng bảo đảm răn đe, phòng ngừa. Vì vậy, Điều 317 trong dự thảo Luật chỉ lựa chọn hình sự hóa một số hành vi cấm trong sản xuất thực phẩm mang tính phổ biến có nguy cơ cao gây mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người hoặc hành vi nhập khẩu, cung cấp, bán thực phẩm không bảo đảm an toàn, nhằm tránh xử lý hình sự quá rộng, dễ lạm dụng xử lý tràn lan nhưng cũng bảo đảm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm đang diễn ra hết sức phức tạp hiện nay. Do đó, Quốc hội giữ như quy định của dự thảo Luật.

KHÁNH HUYỀN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/quoc-hoi-bieu-quyet-thong-qua-3-luat-va-nghi-quyet-ve-thi-hanh-bo-luat-hinh-su-510421