Quốc hội biểu quyết thông qua 2 Luật Quản lý thuế, Đầu tư công (sửa đổi)

Quốc hội đã biểu quyết thông qua 2 luật là Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và Luật Đầu tư công (sửa đổi) vào sáng ngày 13/6.

Với 442/453 đại biểu tán thành (chiếm 91,32% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Luật gồm 17 chương, 152 điều, quy định việc quản lý các loại thuế, khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Các quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của luật này có hiệu lực từ ngày 1/7/2022.

Kết quả biểu quyết thông qua luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Kết quả biểu quyết thông qua luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Sáng cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua luật Đầu tư công (sửa đổi). Có 439 đại biểu tán thành (chiếm 90,70%), Quốc hội đã thông qua luật có nhiều ý kiến tại kỳ họp lần này. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.

Luật Đầu tư công (sửa đổi) được Quốc hội thông qua có 6 chương với 101 điều, quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.

Luật này áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

Kết quả biểu quyết thông qua luật Đầu tư công (sửa đổi).

Trước đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài Chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Về thời gian trình và phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn, Ủy ban Tài chính Quốc hội cho biết tại kỳ họp cuối năm của năm thứ năm nhiệm kỳ Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau để Quốc hội cho ý kiến về các nội dung theo quy định tại Điều 49 của Luật này.

Riêng kế hoạch đầu tư công năm đầu tiên của giai đoạn sau, căn cứ vào dự toán chi ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển của năm đầu tiên, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp này.

Về quy định khống chế tỷ lệ tăng mức vốn đầu tư để thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, ông Nguyễn Đức Hải cho hay, để khắc phục tình trạng điều chỉnh tổng mức đầu tư tùy tiện, dự thảo Luật trình Quốc hội đã quy định, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư phải tuân thủ các quy định tại Điều 19 đến Điều 27 và Điều 34 tùy theo phân loại chương trình, dự án. Các quy định này khá chặt chẽ nhằm hạn chế điều chỉnh dự án, tăng tổng mức đầu tư nhiều lần.

Trong thực tế, khó có thể quy định tỷ lệ chung khống chế tỉ lệ tăng mức vốn đầu tư cho tất cả các dự án trên cả nước do mỗi khi điều chỉnh, cấp có thẩm quyền phải xác định trên cơ sở điều kiện thực tế được pháp luật cho phép và việc điều chỉnh đem lại hiệu quả đầu tư. Do đó, UBTVQH xin Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.

Về quy định đối với trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh quyết định đầu tư dẫn đến thay đổi phân loại dự án.

UBTVQH xin tiếp thu ý kiến đại biểu. Trong mọi trường hợp điều chỉnh, cấp quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định điều chỉnh đầu tư chương trình, dự án đó và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Nhóm PV Quốc hội

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/quoc-hoi-bieu-quyet-thong-qua-2-luat-quan-ly-thue-dau-tu-cong-sua-doi-a437788.html