Quốc hội bàn chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước

Một trong những điểm mới của dự thảo sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng đang được Quốc hội bàn thảo là mở rộng đối tượng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước, như tổ chức xã hội, công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư.

Đại biểu Nguyễn Văn Khánh (Bình Dương) phát biểu tại Hội trường

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án luật ra khu vực ngoài nhà nước đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, vừa xuất phát từ một số cơ sở đòi hỏi từ chính các tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực ngoài nhà nước.

Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên đã quy định về áp dụng biện pháp phòng, chống tham nhũng đối với tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực ngoài nhà nước.

Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, để từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng thì trước mắt cần lựa chọn những tổ chức, doanh nghiệp mà trong mô hình quản trị có nguy cơ cao làm phát sinh hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn và hành vi đó gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, cá nhân, tổ chức có liên quan.

Các quy định áp dụng theo dự thảo luật đối với nhóm chủ thể này là các tổ chức xã hội, các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư, tập trung vào việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý.

Ông Khái cho biết, các đạo luật chuyên ngành như Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật các tổ chức tín dụng đã có quy định nhằm phòng ngừa các hành vi vi phạm trong quản lý, điều hành nhưng chưa rõ và đầy đủ nên cần đưa vào quy định để áp dụng Luật Phòng, chống tham nhũng đối với chủ thể này.

Cần thiết chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước

Nhất trí với việc mở rộng từng bước về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sang khu vực ngoài nhà nước, đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) cho rằng, thực tế tình hình tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước đã xuất hiện và đang phát triển phức tạp và khó kiểm soát.

Ông Thế chỉ ra các lĩnh vực dễ tham nhũng như vay vốn đầu tư, đấu thầu, ký kết hợp đồng giữa các doanh nghiệp, các khoản chi không chính thức để lại quả bằng các hình thức biếu quà, mời đi du lịch hoặc tạo việc làm cho người thân của các doanh nghiệp, cuối cùng đều tính vào giá thành sản phẩm và người tiêu dùng là người phải gánh chịu.

Đại biểu Nguyễn Văn Khánh (Bình Dương) nhấn mạnh, thực tiễn đấu tranh các tội phạm tham nhũng cho thấy sự móc nối, liên kết giữa khu vực công và khu vực tư để thực hiện hành vi tham nhũng ngày một phổ biến nên cần thiết chống tham nhũng nhằm làm lành mạnh hóa mội trường kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức hoạt động chân chính của cá nhân, nhà đầu tư

Ngày càng nhiều doanh nghiệp, tổ chức thuộc khu vực tư trở thành đối tác cung cấp dịch vụ cho các cơ quan, tổ chức, nhà nước như dịch vụ hành chính công, giao thông, xây dựng, giáo dục, y tế... hay việc cung cấp vật tư, hàng hóa, phương tiện kỹ thuật cho hoạt động của bộ máy nhà nước thông qua hợp đồng kinh tế, từ các mối quan hệ này đã phát sinh tham nhũng.

“Như vậy, tham nhũng hiện nay không còn dừng lại ở quan niệm truyền thống là sản phẩm của khu vực công mà là tệ nạn, căn bệnh chung của toàn xã hội, không phân biệt ở khu vực công hay khu vực tư,” ông Khánh phân tích.

“Hành vi tham nhũng ở khu vực tư thường xuất hiện như hành vi hối lộ, đòi hoa hồng, lại quả, gửi quà, quà biếu, bồi dưỡng, cảm ơn, chiêu đãi, tham ô, sử dụng phương tiện tài sản của tập thể vào mục đích cá nhân. Như vậy tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước không khác gì khu vực công,” đại biểu của Bình Dương nói tiếp.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nói thêm, việc lợi dụng quyền lực để vụ lợi trong khu vực tư về bản chất cũng không khác gì khu vực công nên phải được coi là hành vi tham nhũng.

“Tham nhũng ở khu vực tư rất nghiêm trọng, nhiều khi chi phối, lũng đoạn cả chính sách, nhiều người đưa hối lộ hoặc thông đồng với khu vực nhà nước để tư lợi gây thất thoát lớn tiền, tài sản nhà nước,” ông Hàm nói.

Ở Việt Nam đã xảy ra các vụ tham nhũng nghiêm trọng trong khu vực tư, như tại công ty cho thuê tài chính ALCII hoặc các vụ chiếm đoạt tiền của ngân hàng, của khách hàng gửi tiền.

Do đây mới chỉ là bước đầu ông Hàm đồng tình luật nên tập trung vào phòng, chống tham nhũng tại công ty đại chúng, các tổ chức tín dụng, các quỹ đầu tư, các tổ chức xã hội vì kinh nghiệm cho thấy tham nhũng xảy ra tại các đơn vị này ảnh hưởng đến nhiều người và nếu tham nhũng xảy ra ở mức độ nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến cả cộng đồng.

Băn khoăn về tính khả thi

Tuy nhiên, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) lại tỏ ra băn khoăn và không tán thành mở rộng cho rằng, tội phạm tham nhũng là một tội phạm đòi hỏi một chủ thể đặc biệt, không phải ai cũng có thể vào diện tham nhũng được. Một chủ thể có thể phạm tội đưa hối lộ nhưng không thể gọi là đồng phạm của tội tham nhũng được.

Ông Nhưỡng cho rằng, việc vi phạm hay là một tội phạm thì có thể được sử dụng các luật khác nhau để xử lý, trong đó có những vi phạm hành chính hoặc phạm tội về mặt hình sự thì có những chủ thể khác.

Ông Nhưỡng thấy tính khả thi không đảm bảo vì mâu thuẫn giữa việc cần phải thu hẹp diện kiểm soát kê khai tài sản nhưng mặt khác lại muốn mở rộng thêm nhưng không đủ khả năng.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, tham nhũng là sự lạm dụng chức vụ công vì lợi ích tư, là bản chất và được quy định ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, chữ "công" ở đây không có nghĩa chỉ đóng khung trong phạm vi nhà nước mà công ở đây còn có nghĩa là công chúng, công cộng, nên dự thảo Luật dự định mở rộng phạm vi cho các công ty đại chúng, các tổ chức tín dụng, tức mang tính chất đại chúng.

“Tuy nhiên, với bối cảnh hiện nay, tôi nghĩ chúng ta cần làm tốt, làm hiệu quả hơn nữa phạm vi chúng ta đang áp dụng đã là một sự cần thiết. Chúng ta điều chỉnh, bổ sung một số điều khoản để làm tốt hơn phòng, chống tham nhũng trong phạm vi, đối tượng hiện nay đã là hiệu quả,” ông Ngân nói.

Ông Ngân đề nghị việc mở rộng cần phải có lộ trình, có thời gian rồi mới mở rộng sang khu vực ngoài nhà nước.

Mặc dù nhất trí mở rộng đối tượng chống tham nhũng nhưng đại biểu Trần Tất Thế cho rằng, cần thận trọng, tránh làm phát sinh việc lạm quyền, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức nhà nước khi phát hiện phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước làm ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh, hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp.

Ông Thế đề xuất cân nhắc cơ chế giám sát việc thực hiện công vụ về phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước để tránh lạm quyền, tránh việc thanh tra, kiểm tra tràn lan, không có căn cứ; đồng thời, nghiên cứu các quy định pháp luật trong lĩnh vực có liên quan đến thanh tra, kiểm toán để đồng bộ hóa các quy định về phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước sao cho thống nhất, phù hợp và khả thi.

Hà Linh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/quoc-hoi-ban-chong-tham-nhung-khu-vuc-ngoai-nha-nuoc-20171121212109191.htm