Quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử (Kỳ 2)

Trân trọng giới thiệu tiếp sách 'Quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử' của PGS TS Sử học Cao Văn Liên do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-HN-2012 ấn hành.

Kỳ 2

I. QUỐC HIỆU VĂN LANG ( Khoảng hơn1000 năm TCN-208TCN).

Nguyên nhân ra đời của Nhà nước Văn Lang - Nhà nước đầu tiên của người Lạc Việt ra đời nằm trong qui luật chung sự ra đời của các nhà nước chiếm hữu nô lệ trên thế giới. Sự phát triển của sản xuất đưa đến năng suất lao động cao, sản phẩm dư thừa. Xuất hiện chế độ gia đình một vợ một chồng và chế độ tư hữu.Chế độ tư hữu làm xã hội xuất hiện giai cấp. Giai cấp quí tộc chủ nô thiết lập nhà nước làm công cụ thống trị, áp bức bóc lột đối với đại đa số nhân dân và nô lệ. Sự phát triển của kinh tế, xã hội Lạc Việt vào thiên niên kỷ II trước công nguyên đã tạo tiền đề kinh tế, xã hội chính trị cho sự ra đời nhà nước chiếm hữu nô lệ Văn Lang.

Khác với những nơi khác trên thế giới, chiến tranh góp phần thúc đẩy, làm bà đỡ cho sự ra đời nhà nước thì người Lạc Việt có những nhu cầu bức thiết hơn. Đó là nhu cầu trị thủy các con sông lớn: sông Hồng, sông Mã…nhu cầu chống lại các cuộc xâm lược của các triều đại Thương – Chu - Tần ở phía Bắc, nhu cầu trao đổi kinh tế văn hóa giữa các bộ lạc. Tóm lại nhu cầu sinh tồn và phát triển đòi hỏi phải thống nhất các địa phương, các tộc người thành một quốc gia. Vậy, Nhà nước Văn Lang ra đời là một tất yếu, hợp qui luật, là kết quả của một quá trình phát triển lâu dài vàng chục vạn năm của người Lạc Việt.

Thời gian ra đời của Nhà nước Văn Lang có nhiều chính kiến khác nhau. Thời đại tồn tại của nhà nước Văn Lang và triều đại Hùng Vương theo nhiều truyền thuyết và thư tịch thì song song với các triều đại Thương – Chu - Tần ở Trung Quốc. Nhà Thương ra đời vào thế kỷ XVI trước công nguyên, diệt vong vào thế kỷ XI trước công nguyên (Thánh Gióng đánh giặc Ân chính là đánh giặc Thương). Vậy chậm nhất là vào thế kỷ XII trước công nguyên Nhà nước Văn Lang và triều đại Hùng Vương đã tồn tại, cách ngày nay khoảng hơn 3000 năm. Khi đó, công xã nguyên thủy của người Lạc Việt đang trên đường tan rã, cộng đồng Liên minh Bộ lạc được củng cố ngày càng vững chắc, trong đó Bộ lạc Văn Lang do Hùng Vương đứng đầu là mạnh nhất đã liên kết,khuất phục các bộ lạc khác thành lập Nhà nước Văn Lang. Hùng Vương trở thành vua của Nhà nước đầu tiên này. Lãnh thổ Nhà nước Văn Lang bao gồm toàn bộ miền Bắc và bắc Trung Bộ (từ Thanh Hóa đến Quảng Bình). Công cụ sản xuất từ lâu đời đã có đồ đá mới nhưng ngày càng ít đi (như cối giã gạo,cối tuốt lúa ),công cụ chủ yếu là đồ đồng và đang bước sang thời đại đồ sắt (Truyền thuyết Thánh Gióng). Nông nghiệp trở thành nền kinh tế chủ yếu, cư dân đã biết dùng trâu bò kéo cày lưỡi sắt để cày đất, biết xây dựng các công trình thủy lợi để mùa màng tươi tốt. Dân cư khai khẩn đất hoang ven các con sông, ven biển, miền núi để lập làng xóm và trồng lúa nước, trồng các loại cây ngũ cốc, cây hoa quả, chăn nuôi trâu bò, gia súc, gia cầm. Bên cạnh nông nghiệp, trong các làng xóm cư dân phát triển nghề thủ công nghiệp, dệt vải, đan lát đồ gia dụng bằng tre, trúc, mây, song, chế tác đồ đá, đồ đồng, đồ sắt thành công cụ, làm đồ gốm, cung tên, lưỡi câu. Đặc biệt nghề đúc đồng phát triển với trình độ cao, nghệ thuật tinh xảo được kết tinh trong trống đồng Đông Sơn nổi tiếng.

Xã hội Thời Hùng Vương đang trên đường phân hóa giàu, nghèo, phân chia thành giai cấp quí tộc, bình dân và nô tì. Giai cấp quí tộc chủ nô là giai cấp thống trị,áp bức, bóc lột. Nông dân là giai cấp chiếm đa số dân cư trong một nền kinh tế nông nghiệp. Nông dân sống trong các làng xã nông thôn (Công xã nông thôn). Họ cày ruộng đất công của công xã và nộp một phần hoa lợi cho nhà nước. Nông dân có gia đình riêng, có tài sản riêng, có một ít ruộng đất. Tầng lớp thấp nhất trong xã hội là nô tì (nô lệ), số lượng ít. Họ không phải là lực lượng sản xuất chính của xã hội, cho nên xã hội chiếm hữu nô lệ Văn Lang là xã hội chiếm hữu nô lệ không điển hình. Các Mác gọi xã hội nô lệ kiểu châu Á này là chế độ nô lệ gia đình (gia trưởng).

Nhà nước Văn Lang là nhà nước Quân chủ quí tộc chủ nô, đứng đầu nhà nước là Vua - Hùng Vương. Hùng Vương nắm tất cả các quyền lực cơ bản của nhà nước: Quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Ngôi vua theo chế độ thế tập, cha truyền con nối kế tục nhau qua XVIII đời. Tuy nhiên, Người được truyền ngôi không nhất thiết phải là con trưởng, mà được chọn trong số các Hoàng tử có tài đức. Giúp việc cho vua ở trung ương có Lạc hầu và một số quan lại khác. Nhà nước Văn Lang chưa có lực lượng vũ trang chính qui, chỉ có lực lượng dân binh. Kinh đô của Văn Lang là thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ ngày nay, Núi Hi Cương, xã Nghĩa Lĩnh, thuộc Lâm Thao (nay thuộc thành phố Việt Trì) Phú Thọ - nơi có đền thờ các Vua Hùng chỉ là một bộ phận, trở thành nơi đất Tổ. Về hành chính, cả nước chia thành 15 Bộ, mỗi Bộ do một Lạc Tướng đứng đầu cai quản. Đó là các Bộ:

1 .Văn Lang (Bạch Hạc-Phú Thọ)

2 .Châu Diên (Hải Dương).

3 .Phúc Lộc (Sơn Tây)

4 .Tân Hưng (Hưng Hóa, Tuyên Quang)

5.Vũ Đại (Thái Nguyên)

6 .Vũ Ninh (Bắc Ninh)

7 .Lục Hải (Lạng Sơn)

8 .Ninh Hải (Quảng Yên)

9 .Dương Tuyến (Hải Dương)

10 .Giao Chỉ (Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình)

11 .Cửu Chân (Thanh Hóa)

12 .Hoài Hoan (Nghệ An)

13 .Cửu Đức (Hà Tĩnh)

14 .Việt Thường (Quảng Bình)

15 .Bình Vân (?)

Dưới bộ là Công xã nông thôn có Bồ Chính đứng đầu. Dưới công xã là làng, bản do già làng trưởng bản đứng đầu. Với một bộ máy như vậy, Hùng Vương thực hiện quyền lực của mình trên toàn lãnh thổ. Xã hội Văn Lang phân hóa thành giai cấp nhưng chưa sâu sắc. Cộng đồng dân cư vẫn giữ vững truyền thống đoàn kết xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nhà nước Văn lang ra đời đánh dấu cộng đồng Dân tộc quốc gia Việt Nam ra đời với sự thống nhất về lãnh thổ, kinh tế, văn hóa, và ngôn ngữ. Tiếng nói của người Lạc Việt, của Vua Hùng trở thành tiếng quốc gia. Đây là cộng đồng dân tộc mà Các Mác-Ang ghen gọi là dân tộc tiền tư bản, nó ra đời từ khi xuất hiện nhà nước đầu tiên mà không cần chờ đến khi chủ nghĩa tư bản ra đời dân tộc mới ra đời như các nước Âu -Mỹ. Nhà nước Văn Lang ra đời là một bước ngoặt trong tiến trình lịch sử dân tộc, đưa nước ta từ thời đại dã man sang thời đại văn minh. Đây là bước ngoặt về kinh tế, thiết chế chính trị, xã hội, văn hóa phát triển vững vàng, cố kết hơn, rực rỡ hơn, truyền thống dân tộc được bồi đắp, phát triển vững vàng thêm một bước.

(Còn nữa)
CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/quoc-hieu-viet-nam-qua-cac-thoi-ky-lich-su-ky-2-82879