Quốc gia nào sẽ bị Mỹ trừng phạt nếu mua tên lửa S-400?

Điều đáng ngạc nhiên là trong danh sách các quốc gia mua các tổ hợp tên lửa S-400 của Nga, có khá nhiều đồng minh chiến lược của Mỹ và họ cho rằng loại vũ khí này quan trọng hơn cả lệnh cấm mà Washington đưa ra.

Theo đó, Mỹ sẵn sàng trừng phạt một đồng minh lâu đời của mình là Thổ Nhì Kỹ vì quốc gia kiên quyết mua các tổ hợp phòng không tầm xa S-400 của Nga. Bên cạnh đó, Washington còn đình chỉ cả hợp đồng mua các chiến đấu cơ F-35 được hai bên ký kết trước đó.

Chưa hết, Mỹ thậm chí còn khẳng định rằng bất cứ quốc gia nào trên thế giới nếu sở hữu tên lửa S-400 từ phía Nga cũng sẽ chịu sự trừng phạt về kinh tế từ phía Washington. Hiện tại, trên thế giới mới chỉ có ba nước sở hữu loại tên lửa phòng không này bao gồm Nga, Belarus và Trung Quốc. Tuy nhiên, tờ Sputnik khẳng định việc Mỹ ngăn cản nước trên thế giới tiếp cận tên lửa S-400 sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các nước sau đây.

Ấn Độ

Từ tháng 10/2016, Ấn Độ và Nga đã đạt được những thỏa thuận đầu tiên trong việc mua sắm các dàn tên lửa S-400 từ Moscow, tuy nhiên hợp đồng mua sắm vẫn chưa được hai bên trực tiếp ký kết. Hôm 20/8 vừa rồi, phía Nga đã khẳng định thỏa thuận giữa Moscow và Delhi đã "tới rất gần việc ký kết", thậm chí phía Nga còn hy vọng bản hợp đồng bán các tổ hợp tên lửa S-400 cho đối tác chiến lược Ấn Độ sẽ được ký kết sớm nhất vào cuối năm nay.

Ở một khía cạnh khác, Washington đã cảnh báo New Delhi nên cân nhắc về "hậu quả" mà nước này sẽ phải hứng chịu khi mua các tổ hợp phòng không tầm xa tên lửa S-400 từ phía Nga. Tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ, phía Mỹ sẽ cứng rắn tới đâu với Ấn Độ nếu nước này vẫn "bất chấp tất cả" để sở hữu tổ hợp S-400 từ phía Nga.

Ảnh minh họa. Nguồn: Sputnik.

Ả Rập Xê Út

Quốc gia Trung Đông này cũng rất quan tâm tới tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay của Nga kể từ khi Nga mang S-400 tới triển lãm hàng không Dubai trưng bày hồi năm 2015. Từ năm 2017, Moscow và Riyadh cũng đã đạt được thỏa thuận trong lĩnh vực quân sự, theo đó Nga sẽ cung cấp hậu cần một vài loại vũ khí đặc biệt tới quốc gia này, trong đó bao gồm cả tổ hợp tên lửa phòng không S-400.

Mặc dù vậy, hợp đồng mua-bán các tổ hợp S-400 tới tận ngày nay vẫn chưa được hai bên ký kết. Theo nhiều nguồn tin, hợp đồng giữa Ả Rập Xê Út và Nga đổ bể do sự can thiệp rất mạnh từ phía Mỹ, chứ không phải do các "trở ngại kỹ thuật" như thông tin trước đây được đăng tải.

Qatar

Tháng 1/2018 vừa rồi, Qatar đã chia sẻ thông tin cho báo giới về việc một cuộc hội đàm cấp cao giữa nước này và Nga đang diễn ra tại Moscow có đề cập tới việc Nga trang bị cho Qatar các tổ hợp tên lửa S-400 trong tương lai. Lần này, Mỹ trực tiếp ra mặt và gây sức ép lên Qatar, khiến Doha phải chịu chung số phận giống người láng giềng Ả Rập Xê Út của mình - thông tin được bài điều tra đăng trên tạp chí La Monde của Pháp khẳng định.

Mặc dù vậy, nhiều nguồn tin khác lại cho rằng, thỏa thuận mua bán giữa Moscow và Doha sẽ không dừng lại cho tới khi hai nước "tìm được hướng đi khác".

Iraq

Cuối cùng là Iraq, quốc gia này đã bày tỏ ý định mua các tổ hợp tên lửa S-400 từ phía Nga vào hồi tháng 2/2018 vừa qua. Iraq khẳng định việc trang bị tên lửa S-400 sẽ chỉ giúp "tăng cường sức mạnh của lực lượng Quân đội nhằm bảo vệ đất nước Iraq". Tuy nhiên cùng thời điểm, Bộ trưởng Ngoại giao Iraq ông Ibrahim Jaafari đã cảnh báo bộ quốc phòng của nước này về những biện pháp trừng phạt mà Mỹ sẽ áp đặt lên Iraq nếu nước này muốn sở hữu các tổ hợp S-400 từ phía Nga.

Lời cảnh báo này chưa chắc đã khiến Iraq đổi ý, tuy nhiên chắc chắn khiến Iraq phải... suy nghĩ lại về quyết định của mình. Tới nay, Iraq vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

Mời độc giả xem Video: Cận cảnh tổ hợp tên lửa S-400 của Nga phóng thử.

Tuấn Anh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/quoc-gia-nao-se-bi-my-trung-phat-neu-mua-ten-lua-s-400-1105925.html