Quốc gia nào muốn thế chân Anh trong EU?

Sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), một số nước đã có những động thái nhằm lấp khoảng trống trong khối liên minh này. Tuy nhiên, việc gia nhập 'ngôi nhà chung châu Âu' của những nước này đang gặp trở ngại do còn tồn tại nhiều khác biệt.

Khó khăn do khác biệt về chính trị

Năm ngày sau khi Anh rời khỏi EU, ngày 5-2, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã kêu gọi EU "mở ra trang mới" trong các cuộc đàm phán để cho phép quốc gia này gia nhập EU, vốn trong tình trạng đình trệ từ năm 2016. Ông Cavusoglu cho rằng, Hội đồng châu Âu nên xem xét lại quyết định đình chỉ các cuộc họp hội đồng quan hệ đối tác, các cuộc liên lạc và đối thoại cấp cao, đồng thời lưu ý rằng Croatia, tân Chủ tịch của EU, cũng cần thể hiện tinh thần xây dựng trong vấn đề này.

Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã có tham vọng gia nhập EU, song tới tháng 10-2005, các cuộc đàm phán về quy chế thành viên với Ankara mới được bắt đầu. Tuy nhiên, trong gần 15 năm qua, gần như hai bên không đạt được tiến triển do những khác biệt về giá trị chính trị. Trong tổng số 16 chương cần thảo luận và thống nhất để Ankara có thể gia nhập EU, mới chỉ có một chương tạm thời được hoàn tất, những chương khác bị chặn sau các quyết định của Hội đồng châu Âu và Cộng hòa (CH) Cyprus-quốc gia EU đang có tranh chấp trên biển với Thổ Nhĩ Kỳ.

 Ủy ban châu Âu ngày 5-2 họp bàn về việc các nước Balkan muốn gia nhập EU sau khi Anh rời đi. Ảnh: EPA.

Ủy ban châu Âu ngày 5-2 họp bàn về việc các nước Balkan muốn gia nhập EU sau khi Anh rời đi. Ảnh: EPA.

Kể từ năm 2016, không có chương nào được mở thêm do EU phản đối chiến dịch của chính quyền Ankara nhằm truy quét những đối tượng tình nghi tham gia âm mưu đảo chính bất thành xảy ra cùng năm tại quốc gia này. Ngoài ra, EU cũng bất đồng với Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều vấn đề, như: Hoạt động khai thác hydrocarbon ở Đông Địa Trung Hải, chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Libya về vấn đề biên giới biển ở Đông Địa Trung Hải. Do vậy, trở thành thành viên của EU đến nay vẫn còn là “giấc mơ bỏ ngỏ” của Thổ Nhĩ Kỳ.

Chưa tạo được uy tín trước EU

Cũng giống như Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine lần đầu tiên công khai đưa “con đường châu Âu” vào trong các chương trình nghị sự của mình từ năm 2005. Tuy nhiên, sự kiện Maidan ở Ukraine năm 2014 đưa nhà tỷ phú thân phương Tây Petro Poroshenko lên lãnh đạo đất nước khiến con đường gia nhập EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của quốc gia này trở nên khó khăn hơn. Một trong những lý do mà EU từ chối lời đề nghị của Kiev là do khủng hoảng kinh tế và bất ổn xã hội. Từ năm 2014, Ukraine được Mỹ và các tổ chức tín dụng như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) cho vay hàng chục tỷ USD. Tuy nhiên, GDP thực tế của Ukraine lại giảm 35%. Ukraine đã không thể hoàn thành các cam kết cải cách theo yêu cầu của EU, đặc biệt, vấn đề “đau đầu” nhất là việc cải cách hệ thống tư pháp, chống tham nhũng, luật bầu cử và miền Đông Ukraine hầu như chưa có tiến triển.

Tại Diễn đàn Davos ở Thụy Sĩ hồi năm ngoái, khi phát biểu về triển vọng Ukraine gia nhập EU, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky nói rằng, khi một nước ra khỏi liên minh thì có thể là lúc để một nước khác thế chỗ, với dụng ý Ukraine có thể thay thế vào vị trí của Anh trong EU. Tuy nhiên, phía EU cho rằng, việc Ukraine gia nhập EU trong những năm tới là không thực tế. Kiev trước tiên nên tập trung thực hiện thỏa thuận về việc liên kết với EU.

Sự phản đối của Paris

Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine, các nước Bắc Macedonia, Albania, Bosnia, Kosovo, Montenegro, Serbia đang cố gắng tham gia vào EU. Serbia và Montenegro đã bắt đầu quá trình đàm phán gia nhập khối. Trong khi đó, việc gia nhập EU của Albania và CH Bắc Macedonia lại gặp nhiều trở ngại do bị Pháp phản đối. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, đàm phán về việc gia nhập của Albania và CH Bắc Macedonia chỉ có thể bắt đầu sau khi EU thay đổi. Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh EU hồi tháng 10-2019, Tổng thống Emmanuel Macron cho rằng, Albania và CH Bắc Macedonia chưa đạt được các tiến bộ, đồng thời khẳng định không muốn kết nạp bất cứ thành viên mới nào vào EU cho đến khi khối này hoàn tất cải cách, theo đó cải thiện các thủ tục kết nạp thành viên.

Dự kiến, EU sẽ thảo luận vấn đề đàm phán gia nhập của Albania và CH Bắc Macedonia trong tháng này, trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh giữa EU và các nước Tây Balkan, dự kiến được tổ chức tại Zagreb (Croatia) vào tháng 5 tới.

BÌNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/quoc-gia-nao-muon-the-chan-anh-trong-eu-609421