Quốc gia 'không chê' thịt chó ở châu Âu

Không chỉ riêng châu Á, các tranh cãi xung quanh việc cấm hay không nên cấm ăn thịt chó cũng có nhiều ý kiến trái chiều và vẫn chưa ngã ngũ ngay cả ở các quốc gia phương Tây.

Thịt chó hun khói: Đặc sản của Thụy Sĩ

Theo tờ Tages Anzeiger của Thụy Sĩ, chó và mèo vẫn là một phần trong bữa ăn ở quốc gia vùng Alpine. Nông dân ở các khu vực Appenzell và St. Gallen có thói quen giết thịt chó để chế biến thành món 'mostbröckli'. Đây là món ăn tương tự như thịt hun khói hoặc giăm bông nhưng được làm từ thịt chó, mèo.

Món 'mostbröckli' đặc sản từ thịt chó của Thụy Sĩ

"Chẳng có gì lạ. Thịt nào cũng là thịt. Chẳng ai biết đó là thịt chó nếu bạn chế biến đúng cách", một nông dân nói với tờ Tages Anzeiger. Một người nông dân khác điềm nhiên kể lại chuyện ông đã từng bắn chết hoặc dùng dùi cui đánh đến chết một chú chó. Ông cũng nuôi chó nhưng đến khi nó đủ lớn, ông sẽ gọi cho một người bạn đến để giết thịt.

Năm 2016, một quán ăn tại Thụy Sĩ có tên là La Table Suisse đã giới thiệu thực đơn tiệc 5 món, trong đó có 2 món thịt chó và mèo. La Table Suisse được xem là quán ăn đầu tiên ở châu Âu phục vụ thịt chó, mèo. Nhưng dường như quán ăn này cũng bị “ném đá” dữ dội, thậm chí là tẩy chay và công kích nên địa chỉ và số điện thoại không được đăng trên trang web của nhà hàng.

Theo số liệu của SOS Chats Noiraigue, một tổ chức bảo vệ động vật ở Thụy Sĩ, khoảng 3% người Thụy Sĩ, tương đương khoảng hơn 250.000 người vẫn ăn thịt chó trong những bữa ăn hàng ngày.

Tại Thụy Sĩ, ăn thịt chó là hợp pháp. Người giết hại chó, mèo chỉ có thể bị truy tố nếu hành động đó được thực hiện một cách dã man. Nhưng tại Thụy Sĩ, thịt chó không được phép buôn bán mặc dù trước đây đã có một số nhóm tạo sức ép để được bán thịt chó với mức giá thông thường của thịt bò, thịt lợn và thịt cừu.

Tờ Tages Anzeiger cho biết thêm rằng, những người được hỏi chỉ cung cấp các thông tin về sở thích ăn thịt chó của mình với điều kiện giấu tên. Tất cả đều sợ một phản ứng dữ dội từ các nhà hoạt động vì quyền động vật và những người yêu động vật.

Ngoài Thụy Sĩ, thịt chó cũng là nguồn thức ăn trong trường hợp khẩn cấp ở các vùng Siberia, Alaska, Greenland and Bắc Canada. Thông thường, chó sẽ có nhiệm vụ kéo xe nhưng trong lúc không có thức ăn, người dân sẽ ăn thịt chó.

Tranh cãi chưa hồi kết

Tuy nhiên, không phải người phương Tây nào cũng đồng tình với việc cấm ăn thịt chó. Nhà báo Chas Newkey-Burden của tờ The Guardian (Anh) đặt câu hỏi: Bạn có ăn thịt thỏ, gà, cừu, lợn không? Sự khác biệt là gì? Tại sao chúng ta coi một số động vật là bạn bè còn một số loài khác thì để ăn?

Trong bài báo của mình trên The Guardian, Burden viết, hơn 30 triệu con chó được giết mổ mỗi năm cho thị trường châu Á và phục vụ trong các món ăn.

Các tranh cãi về việc cấm ăn thịt chó vẫn chưa có kết thúc

Các tờ báo mô tả chi tiết của việc buôn bán thịt chó thực sự khủng khiếp: những con chó con được nhốt vào lồng kim loại chật chội, chân đẫm máu. CNN mô tả những vụ mua bán chó, mèo là những thương vụ “tàn bạo” và “nham hiểm”, trong khi USA Today đưa tin cảnh tại một trang trại nuôi chó, tập trung vào “những tiếng rên rỉ đáng thương”. Những con vật sợ hãi bị nhốt, giết và biến thành thức ăn.

Nhưng nói cách khác, đây cũng là cảnh tượng tượng tự với những gì xảy ra với lợn và nhiều động vật khác ở phần lớn các nước phương Tây, nhà báo người Anh viết.

CNN đưa tin, những con chó này "bị bỏ lại một mình trong lồng kim loại tương tự như chuồng gà... và tất cả đều hợp pháp". Nhưng 9 tỷ con gà bị giết thịt mỗi năm ở Mỹ; 93% số lợn bị giết thịt ở Anh.

Chó thông minh và thân thiện - lợn cũng vậy. Theo các nhà nghiên cứu từ Đại học Cambridge, lợn thông minh như một đứa trẻ 3 tuổi, có thể chơi trò chơi trên máy tính và nhận ra người quen đã gặp vài năm trước.

Thực tế, người phương Tây tức giận về những người ở châu Á ăn thịt chó, cũng tương tự như việc nhiều người da đỏ bị xúc phạm khi nhìn thấy những người phương Tây ăn thịt bò. Đã có rất nhiều những cuộc biểu tình và thu thập chữ ký để yêu cầu chính phủ Thụy Sĩ ban hành luật cấm ăn thịt chó nhưng Thụy Sĩ vẫn không thông qua lệnh cấm với lý do: Hãy để cho mỗi cá nhân tự quyết định.

THANH HƯƠNG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/quoc-gia-khong-che-thit-cho-o-chau-au-post227099.html