Quốc gia giàu hay nghèo (?!)

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã có thông cáo giải thích về khoản 'hoa hồng' trị giá 548 triệu đô khi tham gia đầu tư thăm dò khai thác dầu khí tại Venezuela.

Trước đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an đang xác minh những dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc thực hiện Dự án đầu tư liên doanh phát triển khai thác và nâng cấp dầu khí lô Junin 2, Venezuela (Dự án Junin 2) của Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Đây là dự án lớn nhất do PVEP đại diện cho PVN đầu tư ra nước ngoài với mục đích thăm dò và khai thác dầu khí, gây thất thoát 500 triệu USD. Theo giấy chứng nhận đầu tư số 398 do Bộ Kế hoạch - đầu tư cấp năm 2012, trong giai đoạn 1 (2010-2015) PVEP sẽ rót khoảng 1,82 tỉ USD vào dự án.

1. PVN giải thích rằng cụm từ “hoa hồng” là do dịch sai, chứ chữ "bonus" mà dịch là tiền thưởng (tiền "hoa hồng") thì không đúng với bản chất của từ ngữ.

Thực chất, đây là khoản tiền mà nhà thầu phải trả cho nước chủ nhà khi ký hợp đồng dầu khí. Khoản tiền này giống như tiền đi mua hồ sơ thầu, giá trị của khoản tiền này nhiều hay ít tùy thuộc vào giá trị tổng thể của gói hợp đồng.

Có nghĩa là khi công ty dầu khí nước chủ nhà giao tài liệu thì ta phải trả tiền, khoản tiền này cũng như một loại tiền đặt cọc để buộc tham gia dự án. Đây là một thông lệ bình thường trên thế giới.

Thực tế trong khai thác dầu khí ở Việt Nam, các công ty nước ngoài đầu tư vào khai thác dầu cũng phải trả khoản tiền này. Ví dụ, BHP (Anh) đã phải trả quyền khai thác ở mỏ Đại Hùng 90 triệu USD, hoặc liên doanh với Nga khai thác dầu ở mỏ Nhenhetxky cũng phải trả phí tham gia hợp đồng gần 100 triệu USD.

PVN cho rằng do cách hiểu và cách dịch khác nhau nên cho rằng đây là tiền "lại quả" nhưng thực tế việc thanh toán khoản phí này là theo luật dầu khí của từng nước.

Đối với dự án Junin 2, PVN cho biết cụ thể khoản tiền phí tham gia dự án này là 584 triệu USD và phải chuyển ngay 300 triệu USD theo quy định của Venezuela. Đồng thời, PVN cũng khẳng định: “Không thể nào có chuyện chúng ta chuyển tiền cho Venezuela rồi họ lại cắt xén, chia chác, lại quả với nhà đầu tư tại Việt Nam”.

Tôi không biết đầu tư sang Venezuela có đúng là không được cắt xén, chia chác, lại quả như PVN khẳng định hay không nhưng theo chỗ tôi được biết thì chuyện nhà đầu tư được cắt xén, chia chác, lại quả là chuyện vẫn thường xảy ra ở chỗ này hay chỗ khác.

Báo chí đưa tin PVN đầu tư sang Venezua mà không xin chủ trương của Quốc hội, có cả một nguyên bộ trưởng phải thốt lên bị ép ký văn bản. Nếu những chi tiết này đúng hết (mà thường thì rất khó sai), cần phải nhìn thẳng vào sự thật, đó chính là đây không phải là khoản đầu tư mà quốc gia mong muốn thực hiện tại Venezuela, mà có thể chỉ là mong muốn của một nhóm người nhân danh quốc gia để đầu tư nước ngoài.

Nếu vì quốc gia thì đã đường đường chính chính trình Quốc hội để Quốc hội phản biện, thảo luận nhằm giảm thiểu rủi ro trong tương lai, có được biện pháp tốt nhất để thu về lợi nhuận nếu thành công.

Nhưng, họ lại lách Quốc hội bằng cách chia nhỏ gói đầu tư để không phải trình Quốc hội theo luật định. Tôi có một số tài liệu về vụ việc này nhưng vốn không có ý định tham gia quá sâu ngoại trừ đọc để nắm thông tin nên không cần bàn nhiều.

Đây không phải là lần đầu tiên khoảng tối tại PVN bị lộ ra, trước đó hàng loạt sai phạm tại tập đoàn này đã bị vạch trần và rất nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tập đoàn phải chịu sự phán xét của pháp luật.

Trước khi nổ ra vụ lách Quốc hội đầu tư sang Venezuela của PVN, dư luận đã chứng kiến mười nghìn tỷ đồng, tương đương gần 500 triệu USD cũng đang trong tình trạng đắp chiếu tại Lào.

Tổng mức đầu tư của dự án khai thác và chế biến muối mỏ Kali tại Lào của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) được Bộ Công thương phê duyệt vào năm 2013 là hơn 522 triệu USD, tương đương hơn 10.000 tỷ đồng (ban đầu, tổng mức đầu tư của dự án vào năm 2012 chỉ là 377 triệu USD nhưng sau khi tính toán lại thì điều chỉnh tổng mức đầu tư lên con số 522 triệu USD).

Trong đó vốn tự có là 104 triệu USD, vốn vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam là 113 triệu USD, vốn vay thương mại có bảo lãnh của Chính phủ là 262 triệu USD, vốn vay thương mại không bảo lãnh là hơn 43 triệu USD.

Một góc mỏ Junin 2 do PVN hợp tác đầu tư khai thác dầu ở Venezuela.

Một góc mỏ Junin 2 do PVN hợp tác đầu tư khai thác dầu ở Venezuela.

Thanh tra của Bộ Công thương sau khi đưa ra những xác tín trong kết luận thanh tra về các sai phạm (được gọi là chưa đủ điều kiện vẫn đầu tư), dự án này đã bị tạm dừng.

Tập đoàn Than, khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng vác triệu đô sang nước ngoài đầu tư, kết quả là thua trắng, Thanh tra Chính phủ đang đề nghị Bộ Công an vào cuộc về các khoản đầu tư này.

Sòng phẳng mà nhìn nhận thì không phải khoản đầu tư nào của quốc gia tại các nước khác đều lỗ, có vài dự án đầu tư sinh lợi. Tuy nhiên, theo như những gì tôi đọc được thì không có dự án nào “không tuân thủ điều kiện” mà lại không thua lỗ.

2. Trong khi nhiều khoản đầu tư của các tập đoàn nhà nước tại các dự án ở nước ngoài vừa đội vốn vừa thua lỗ thì trong nước cũng xuất hiện hàng loạt câu chuyện đội vốn nghìn tỷ, chục triệu đô, trăm triệu đô...

Những đại dự án đều luôn có một ai đó lách việc trình Quốc hội, bởi thật ra việc lách trình Quốc hội không quá khó. Luật quy định dự án có giá trị đầu tư trên 20 nghìn tỷ thì phải trình Quốc hội mà dự án đã trình Quốc hội thì sẽ gặp rất nhiều ý kiến phản biện. Vì vậy, chỉ cần giảm tổng đầu tư dưới 20 nghìn tỷ sẽ không phải trình Quốc hội.

Và khi không trình Quốc hội thì quá trình triển khai dự án, họ bắt đầu đội vốn liên tục và xin một giải pháp tình thế nhằm giải cứu dự án đó. Giải pháp tình thế là ngân sách cho thêm tiền hoặc cho cơ chế vay tiền rồi ngân sách sẽ trả lại sau. Tóm lại là “trăm dâu đổ đầu ngân sách”.

Khẩu thuyết vô bằng nên rất khó để khẳng định các dự án né Quốc hội có phải là nhằm phục vụ cho lợi ích nhóm hay không. Nhưng có một điều chắc chắn là có vẻ không nhiều đơn vị muốn trình Quốc hội những dự án có tổng mức đầu tư lớn. Điều này là khó hiểu mà cũng rất dễ hiểu.

3. Bất cứ ai cũng biết rằng, một quốc gia không thể thực hiện bất cứ điều gì nếu không có tiền. Quốc gia không có tiền thì sẽ không có hạ tầng cơ sở tốt, không có cầu cống đường sá, không có an sinh xã hội, không có đảm bảo về quỹ lương hưu...

Nghĩa là, không có tiền thì không có gì. Mà khi không có gì thì rất khó để thu hút đầu tư từ nước ngoài hoặc muốn thu hút đầu tư phải chịu họ o ép về nhiều mặt, Đặc biệt là sự nhường nhịn về chính sách mà chúng ta hay gọi là ưu đãi cho nhà đầu tư.

Khi quốc gia không có tiền, vị thế của quốc gia trên trường quốc tế là hết sức nhỏ bé. Đó là không kể đến không có tiền thì phải đi vay nợ, vay nợ lớn thì thành bẫy nợ mà sa vào bẫy nợ sẽ bị can thiệp rất nhiều thứ từ chủ nợ đối với những vấn đề thuộc nội bộ của quốc gia.

Năm trước, trong chuyến đi công tác ở Trường Sa, tôi có trao đổi ngẫu nhiên với một đồng nghiệp về chuyện quốc gia của chúng ta đang giàu hay nghèo.

Chuyện vô thưởng vô phạt thôi nhưng về giường nằm ngẫm nghĩ rồi nhớ lại những khoản đầu tư theo dạng “đốt tiền” từ trong nước đến nước ngoài theo cái cách mà nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang làm thì “Có giàu như tỷ phú cũng sẽ nghèo, còn đang nghèo thì chắc chắn sẽ nợ như chúa Chổm”.

Mà khi ai đó biến quốc gia thành chúa Chổm thì hẳn nhiên họ đã cướp mất những điều kiện thuận lợi dành cho con cháu về sau. Và tiến trình kiến tạo phát triển quốc gia lại bị “câu giờ” thêm rất lâu từ những sự vụ ăn mặn khát nước như thế này.

Cho nên, mong muốn biết bao nhiêu một giải pháp ngăn chặn vấn nạn này, nếu cần thiết có thể áp dụng Quốc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 26-1-1946, chỉ vài tháng sau khi giành được chính quyền, Điều 8 phần Phạt của Quốc lệnh nói rõ: “Tội ăn cắp của công là phải bị xử tử”!

Ngô Song Minh

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/sai-gon-con-do-cho-dan-sinh-cuoi-thang-539699/