Quốc gia đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Thương mại dịch vụ ASEAN

Ngày 5/4, Singapore đã trở thành quốc gia đầu tiên phê chuẩn một thỏa thuận mang tính bước ngoặt trong việc thúc đẩy thương mại dịch vụ trong ASEAN, báo hiệu cam kết mạnh mẽ trong việc tạo ra một môi trường minh bạch và ổn định hơn cho thương mại dịch vụ trong khu vực.

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing mô tả động thái này là kịp thời khi vai trò của ngành dịch vụ đang tăng lên, và có tiềm năng lớn để thúc đẩy tăng trưởng toàn diện trong khu vực. Hiệp định Thương mại dịch vụ ASEAN (ATISA) mang lại cơ hội tiếp cận thị trường dịch vụ ưu đãi rộng rãi nhất vào các thị trường khu vực, cho phép các doanh nghiệp Singapore và ASEAN được tăng cường tiếp cận thị trường và giảm bớt các rào cản pháp lý.

Hiệp định ATISA sẽ giúp tăng cường các thỏa thuận thương mại liên quan đến dịch vụ giữa các quốc gia thành viên ASEAN trong tất cả các lĩnh vực dịch vụ bao gồm dịch vụ chuyên nghiệp, viễn thông, dịch vụ tài chính, máy tính và các dịch vụ liên quan cũng như dịch vụ phân phối và hậu cần. Hiệp định ATISA được các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN ký kết năm 2019, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 25. Các cuộc đàm phán về hiệp định đã được kết thúc vào năm 2018. Các quyền và nghĩa vụ của mỗi quốc gia thành viên ASEAN theo hiệp định thương mại sẽ bắt đầu khi họ hoàn tất các thủ tục phê chuẩn. Do đó, các quyền và nghĩa vụ của Singapore đã bắt đầu vào ngày 5/4, sau khi nước này hoàn tất các thủ tục trong nước để phê chuẩn hiệp định và thông báo cho Tổng thư ký ASEAN về việc phê duyệt này.

Bộ trưởng Chan Chun Sing cho biết, Singapore mong muốn các quốc gia thành viên khác phê chuẩn hiệp định trong năm nay để các doanh nghiệp ASEAN có thể gặt hái được nhiều lợi ích càng sớm càng tốt. Theo ATISA, hơn 70% các ngành dịch vụ trong khu vực sẽ mở cửa hoàn toàn. Các doanh nghiệp Singapore cũng có thể sở hữu hơn 51% quyền sở hữu vốn cổ phần nước ngoài trong các lĩnh vực này, một số cho phép giới hạn tới 70% vốn cổ phần nước ngoài.

Hiệp định cũng tạo ra một môi trường ổn định hơn và dễ dự đoán hơn cho thương mại dịch vụ trong khu vực, bằng cách giảm các rào cản "vượt ra ngoài biên giới" cho các công ty. Điều này cũng tạo tiền đề cho quá trình hội nhập và tự do hóa dịch vụ trong ASEAN trong tương lai. Các lợi ích khác của ATISA bao gồm tăng tính minh bạch và chắc chắn về quy định, chẳng hạn như cho phép các công ty có được thông tin về các quy định hiện hành và cập nhật trạng thái trên các đơn xin cấp phép một cách kịp thời.

Khi được tất cả các quốc gia thành viên ASEAN thực hiện đầy đủ, ATISA sẽ là phần thứ ba và phần cuối cùng của các hiệp định ASEAN nhằm cải thiện sự hội nhập kinh tế và lĩnh vực của khu vực. Hai hiệp định còn lại là Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN và Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN đã đang được thực thi. Vào năm 2020, lĩnh vực dịch vụ chiếm hơn 85% việc làm thường trú tại Singapore, với hơn 1,89 triệu lao động. Ngành dịch vụ là một ngành ngày càng quan trọng trong các nền kinh tế khu vực và chiếm 50,6% tổng sản phẩm quốc nội của ASEAN vào năm 2019.

Các thị trường ASEAN nói chung là điểm đến xuất khẩu lớn thứ ba của Singapore trong năm 2019, trước Mỹ và Trung Quốc đại lục. Liên minh châu Âu và Nhật Bản là hai thị trường xuất khẩu hàng đầu. Xuất khẩu dịch vụ của Singapore sang khu vực ASEAN đã tăng 11,3% lên 27,3 tỷ USD.

Việt Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quoc-gia-dau-tien-phe-chuan-hiep-dinh-thuong-mai-dich-vu-asean-154818.html