Quốc gia 'bỏ nhậu'!

Bia, rượu có thể mang đến cho ngân sách cả đống tiền theo nghĩa đen, nhưng để lại hậu quả dai dẳng rất khó để diễn tả hết bằng ngôn ngữ thông thường.

Chị H là mẹ của 3 đứa con, chưa đứa nào được vào trường cấp III, cơn mưa lớn nghịch mùa khiến 3 mẹ con co ro trong căn nhà tranh tre còn hiếm hoi sót lại giữa làng. Ngay chính gian giữa, nơi khô ráo nhất là di ảnh chồng chị sau bát hương tàn lạnh.

Từ một người đàn ông lực điền, sức vóc hiếm thấy, chồng chị thường “giải khát” bằng rượu “đế” sau một ngày lao động vất vả. Uống rượu từ thuở còn mười tám, chất cồn trở thành “năng lượng” thay cơm, thiếu nó chân tay run lẩy bẩy.

Một lần say rượu cách đây mấy năm - cũng như hàng ngàn lần trước đó - nhưng chồng chị không bao giờ tỉnh dậy nữa. Cái chết “êm thấm” của anh để lại sự hoang mang cho những người nghiện rượu ở ngôi làng bé xíu có gần chục lò rượu thủ công, và hình như đó là trường hợp đầu tiên bị hủy hoại vì rượu.

Thế rồi, người ta cũng nhanh chóng quên đi nỗi ám ảnh đó trong những cuộc chén chú chén anh, nhiều “giấc ngủ không bao giờ tỉnh dậy” liên tiếp xuất hiện. Nỗi sợ hãi như chai lỳ, nhiều người bỏ rượu chuyển sang bia, vì lý lẽ giản đơn “bia ít hại hơn rượu”.

Cồn là tác nhân trực tiếp gây ra 7 hình thức ung thư và 200 loại bệnh khác nhau.

Cồn là tác nhân trực tiếp gây ra 7 hình thức ung thư và 200 loại bệnh khác nhau.

Ở ngôi làng này, ngày nay lò rượu thủ công hầu như tuyệt hẳn, nhưng “nhậu” còn ác liệt hơn xưa. Chỉ mấy ngày lễ một địa phương cỏn con tiêu thụ hết cả một kho bia không hề nhỏ, chiếm hết một góc khu công nghiệp lớn nhất ở tỉnh nọ!

Mặc dù đã tính toán từ trước nhưng nhiều nhà cung cấp đồ uống có cồn… trở tay không kịp trong mỗi dịp lễ, tết. Một doanh thu khủng khiếp trên cơn say bất tận của một bộ phận rất lớn dân cư.

Không ai có thể lượng hóa hết tác hại tiệu cực của chất cồn khi đi vào cơ thể con người, là tai nạn giao thông, tán gia bại sản, kiệt quệ giống nòi, giảm năng suất lao động, là tác nhân trực tiếp gây ra 7 dạng ung thư và 200 căn bệnh khác nhau… và vô số hệ lụy kéo theo sau mỗi cơn say.

Theo một biểu đồ do Forbes cung cấp chỉ ra, Việt Nam lại là quốc gia có tốc độ tăng tiêu thụ rượu lớn nhất thế giới, gần 90% kể từ năm 2010. Ấn Độ cũng chứng kiến sự gia tăng đáng chú ý với lượng tiêu thụ trung bình hàng năm tăng 37,2% trong cùng kỳ.

Năm 2017 bình quân mỗi người Việt uống gần 9 lít đồ uống có cồn, con số này tại Ấn Độ là 5,9 lít; Nhật Bản là 7,9 lít..., Báo cáo của Tạp chí y khoa Lancent cũng cho biết nhiều quốc gia có mức tiêu thụ rượu bia giảm dần như Anh, Canada và Úc và Mỹ.

Tiêu thụ rượu bia tăng nhanh ở các nước nghèo và suy giảm ở những quốc gia giàu có. Vâng, nghèo khó lại nhậu nhẹt liên miên, vì rảnh rỗi, vì bế tắc, vì không có việc gì để làm…

Rượu bia và nghèo hèn có mối liên hệ mật thiết với nhau, uống để say là một cấp độ; uống để… thành công là cấp độ khác. Nhưng dù mang đẳng cấp nào đi nữa nó cũng phản ánh thứ văn hóa chậm tiến của người Việt.

Làm gì để bỏ “nhậu”? Xã hội không phải không biết đến tác hại của rượu bia nhưng đa phần phải lao đầu vào nó vì vô vàn lý do, vì công việc, vì mối quan hệ xã hội, vì thói quen của đám đông, vì người ta thế mình không thể khác…

Rượu bia là căn “bệnh” xã hội, cần có bàn tay điều tiết bằng chính sách, rượu bia chẳng mang lại ích lợi căn bản gì cho xã hội ngoài nguồn thu từ thuế. Tiền là quan trọng hay sức khỏe quốc gia quan trọng hơn?

Để cứu một doanh nghiệp “con cưng”, thuế, phí có thể tăng vùn vụt, nhưng để cứu cả một dân tộc chìm trong cồn vẫn chưa cho thấy quyết tâm nào cụ thể.

Bộ Y tế từng đề xuất bán rượu, bia theo giờ, nhưng nảy sinh lo ngại Luật cũng “nhàm” vì không biết có thực hiện được hay không. “Ai sẽ là người kiểm soát nếu cấm, chúng ta có kiểm soát được hay không?”, một đại biểu Quốc hội đã đặt vài câu hỏi như thế.

Nhưng sẽ rất có lý nếu hỏi, vì sao các quốc gia phát triển tỷ lệ sử dụng rượu bia giảm xuống? Đó là vai trò của chính sách và những người hoạch định nó.

Thứ nhất, uống rượu là một thói quen tìm vui của một xã hội nông nghiệp nhiều thời gian rảnh rỗi và cuộc sống đơn điệu. Rủ nhau uống để tìm thú vui, lâu dần thì thành tập quán, nếp sống, khó bỏ, kể cả khi bị cảnh báo tác hại.

Thứ hai, uống rượu để thể hiện bản thân trong cuộc sống nghèo nàn về vật chất hay tri thức, có khi cả hai. Khi uống sẽ xóa bớt sự mặc cảm, thêm sự mạnh dạn để thể hiện bạn thân, tìm sự tự tin mà đôi khi chỉ là ảo giác.

Thứ ba, tìm rượu, bia để xây dựng niềm tin, đó là cách xây dựng niềm tin thiếu đi nhận thức khách quan của vấn đề, muốn sử dụng rượu bia như cầu nối, thuốc thử cho các giao dịch quan trọng.

Vâng, rượu, bia đã thấm vào văn hóa nên những đề xuất có phần hời hợt chỉ nhắm vào phần ngọn của vấn đề.

Trương Khắc Trà

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/quoc-gia-bo-nhau-150217.html