Quốc Công Hoàng Đình Ái trong thời Lê Trung Hưng

Quốc Công Hoàng Đình Ái sinh ra và lớn lên ở làng Bồng Thượng, tổng Bồng, huyện Vĩnh Phúc, nay là làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ông sinh ngày 23 tháng Chạp năm Bính Tuất (1526) là con nhà cậu của Lương Quốc Công Trịnh Kiểm.

Hoàng Đình Ái ra đời trong bối cảnh chiến tranh Lê - Mạc, nước Đại Việt bị chia cắt. Từ nhỏ Hoàng Đình Ái đã theo nghiệp võ. Lớn lên ông đầu quân giúp nhà Lê Trung Hưng và trở thành danh tướng tài ba lỗi lạc. Theo sách “Lịch triều hiến chương loại chí”, tập 1 trang 342 có đoạn viết: “Hoàng Đình Ái có học thức, thông binh pháp, cầm quân nghiêm chỉnh, trong thì giúp mưu mô, ngoài thì đánh dẹp, tự mình trải vài trăm trận đánh, đến đâu được đấy, làm cả tướng võ, tướng văn không phân biệt thứ bậc, uy quyền, ưu đãi sĩ phu, giữ gìn pháp độ đi đánh dẹp, mọi người đều khen là giỏi”.

Năm 1570, Trịnh Kiểm mất, hai anh em Trịnh Cối và Trịnh Tùng bất hòa, nhân dân hoang mang, tướng sĩ mất lòng, nhân cơ hội này Mạc Kinh Điển đã đem 10 vạn quân chia làm 5 đạo với 700 thuyền chiến đánh vào Thanh Hóa quyết một lần diệt sạch quân Lê Trịnh. Trịnh Cối lo sợ đầu hàng nhà Mạc. Hoàng Đình Ái đã triệu tập các tướng: Lê Khắc Thuận, Nguyễn Hữu Liêu, Phạm Văn Khoái vào yết kiến Vua Lê Anh Tông và tôn Trịnh Tùng làm Đô tướng chống quân Mạc. Năm 1581, Hoàng Đình Ái thống lĩnh quân tướng chia làm 3 đạo, Nguyễn Hữu Liêu làm tiên phong tự mình đốc đại binh làm chính đội, Trịnh Thái làm hữu đốc chặn đánh quân Mạc suốt dọc sông Mã tiêu diệt 600 quân, bắt sống 1 tướng Mạc, quân Mạc thất bại phải tháo chạy ra Bắc.

Ngày 6 tháng Giêng, niên hiệu Quang Hưng thứ 15 (1592), quân Lê - Trịnh đánh chiếm được Đông Quan, bắt sống tướng Mạc là Thường Quốc ở Mặc Kiều, đánh bại binh Mạc ở Lô Thủy, thu nhận hàng tướng Bùi Văn Khuê, bắc cầu nổi cho quân vượt sông, phủ dụ dân chúng quan lại, thu nạp hàng binh. Hoàng Đình Ái theo Trịnh Tùng đánh bại quân Mạc nhiều trận chiếm được kinh thành Thăng Long, Vua Mạc lúc bấy giờ là Mạc Mậu Hợp bỏ trốn không lâu sau bị bắt và giết. Danh tướng Hoàng Đình Ái trở thành một trong các công thần có công lớn nhất trong việc giúp nhà Lê Trung Hưng mặc dù, khi đó ông đã 66 tuổi.

Tháng 3 năm 1597 nhà Minh sai Uy quan là Vương Kiến Lập đến trấn Nam Giao đòi lễ cống và diễu binh. Ngày 28 tháng 3 Vua Lê Thế Tông thân đốc hữu tướng Hoàng Đình Ái (lúc này đã 70 tuổi) cùng các tướng Nguyễn Hữu Liêu, Thái Úy Nguyễn Hoàng... đem 5 vạn quân đến trấn Nam Giao đề phòng khi mở cửa quan, quân Minh tràn sang giúp nhà Mạc lưu vong bắt vua, hiếp tướng, Hoàng Đình Ái tâu với chúa Trịnh “Nhà Minh chuẩn bị chinh phục nước ta, có thể đó chỉ là diễu võ dương oai, khiến nước ta phải sợ, nhưng cũng có thể thực hiện mưu đồ mà xưa kia tổ tiên họ bị thất bại, xin Tiết chế cho lệnh tùy nghi đối phó”. Trịnh Tùng liền trao cho Hoàng Đình Ái thanh gươm “An Quốc” tại cửa ải Nam Quan, Uy quan Vương Kiến Lập cùng tàn quân Mạc trông thấy quân nhà Lê đông mạnh, binh tướng oai hùng khí thế ngút trời chúng phải lẳng lặng từ bỏ những ý đồ đánh chiếm. Cuộc hội khám cử hành đúng nghi lễ, nhà Minh phải công nhận nhà Lê và bỏ nhà Mạc.

Vì vậy ông được nhân dân ca ngợi bằng 2 câu thơ:

“Đặc địa anh hùng cao nhất thế

Kình thiên sự nghiệp vĩnh thiên thu”.

Ngày 15 tháng 12 niên hiệu Hoằng Định thứ 8 (1608) lão Tướng Hoàng Đình Ái mất ở Kinh Sư, thọ 81 tuổi. Khi ông sắp ra đi, chúa Trịnh Tùng tới thăm hỏi đã nói: “Hữu tướng quốc một đời công lao dồn lại, to hơn núi Thái Sơn...”. Sau khi ông mất, vua sai Hữu thị lang Bộ lễ là Nguyễn Lễ soạn văn bia “Thần đạo” để ghi công, trong bia có đoạn viết: “Tướng Công Hoàng Đình Ái là người có phong cách sống trong sáng, hòa nhã, bền bỉ, đúng chức phận, trong công việc giữ điều tín nghĩa, đem hết năng lực ra làm việc nước, đức độ của tướng công thu phục lòng người, khoan hậu của Tướng công góp phần làm cho mạch nước mạnh thêm trường thọ, phong thái và thể chất của tướng công ngưng tụ thành biểu tượng cao lớn. Trong triều đình Tướng công uy nghi như Thái Sơn - Kiều Mộc”. Vua ra chiếu chỉ cả nước để tang ông 5 ngày, triều đình bãi triều 5 ngày, gia quyến được cấp tiền nghìn quan và lấy dân trong 10 xã ở huyện Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc ngày nay) làm lính hầu giữ mộ. Vua còn ban 4 chữ Đại tự để thờ “Kiều Mộc Thế Thần” tức là (cây lớn trên núi Thái, trụ cột vững chắc của triều đình).

Sau khi ông mất, đền thờ ông được xây dựng tại làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay, đền thờ Hoàng Đình Ái cũng là nơi thờ cúng của họ Hoàng Đình.

Đây là ngôi đền, cổ kính, nghinh môn (cổng) được xây dựng với kiến trúc một gian, hai bên tường phía ngoài đắp 2 ông ngựa, phía trong đắp 2 ông hộ pháp tay cầm binh khí vẻ mặt uy nghiêm, phần mái được lợp ngói âm dương, phía trên đắp một cuốn thư cao 0,8m khắc dòng chữ Hán “Cao môn tướng”. Trong sân đền có bức bình phong, cây thị và cây đại thụ cổ quanh năm xanh bóng mát. Nhà tiền đường được xây dựng kiến trúc theo kiểu tường hồi bít đốc 3 gian 2 dãy chất liệu bằng gỗ dổi, phần mái được lợp bằng ngói liệt, phía trên đắp lưỡng long chầu nguyệt, với đôi rồng uốn lượn uyển chuyển thành 4 khúc. Bên trong nhà tiền đường gian giữa đặt bàn thờ các vị liệt tổ liệt tông của dòng họ Hoàng Đình, gian bên phải đặt ban thờ của ông Trưởng chi một là ông Hoàng Đình Chính Hiền, bên trái đặt ban thờ của ông Hoàng Đình Phúc Thịnh. Qua tiền đường cách một khoảng rộng là hậu cung của đền thờ, nơi đây đặt bài vị và tượng Quốc Công Hoàng Đình Ái ngồi trong long khám cao khoảng 1,2m, vẻ mặt trong sáng khoan hòa, mình khoác áo choàng mầu đỏ, 2 tay đặt lên đùi.

Hiện nay trong đền còn lưu giữ được nhiều sắc phong của các triều vua ban tặng và các đồ thờ cổ như: Hương án thờ, bát hương, bộ bát biểu, mâm bồng, cây nến.

Do có công lớn và giá trị kiến trúc đền thờ Quốc Công Hoàng Đình Ái đã được Nhà nước xếp hạng Di tích quốc gia (Quyết định số: 2233/QĐ-BVHTT ngày 26/6/1995 nay là Bộ VH,TT&DL).

Hàng năm vào ngày mất của ông, con cháu khắp miền đất nước đều về dâng hương và có nhiều hoạt động bổ ích, nhân văn như trao thưởng Quỹ khuyến học cho học sinh trong dòng họ có nhiều thành tích trong học tập, thi cử, học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh đậu đại học...

Lê Văn Sự

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/quoc-cong-hoang-dinh-ai-trong-thoi-le-trung-hung-76150