Quét sạch giấy phép con vô lý

Nếu không sửa từ gốc thì việc dẹp bỏ giấy phép con, giấy phép cháu vô lý sẽ tiếp tục trở thành nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong tương lai.

Loạt bài của Pháp Luật TP.HCM mấy ngày qua chỉ là một nét chấm phá một “rừng đinh” luôn rình rập các doanh nghiệp. Mà không may cái rừng đinh ấy là hệ quả từ cái gốc là hệ thống luật về đầu tư-kinh doanh. Một khi các luật về kinh doanh vẫn còn các cụm từ như “Chính phủ quy định chi tiết” thì đương nhiên các nghị định, thông tư… về điều kiện kinh doanh (ĐKKD) vẫn sẽ được xây dựng và các ĐKKD sẽ tiếp tục sinh sôi nảy nở.

Nếu trong các luật về đầu tư, kinh doanh vẫn còn các cụm từ chỉ mang tính chất định tính, khó định lượng được thì đương nhiên các nghị định, thông tư sẽ còn rất nhiều dư địa để phát sinh các ĐKKD vô lý, vi hiến, trái luật.

Mặt khác, các khái niệm, định nghĩa trong các luật về kinh doanh cho đến nay vẫn chưa đạt được tính chất rõ ràng, cụ thể. Chẳng hạn Luật Đầu tư quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện rằng: Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Tưởng chừng đây là các khái niệm rất cụ thể và có thể quét sạch được các ĐKKD vô lý. Tuy vậy, tất cả khái niệm về “quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” gần như không được giải thích rõ ràng, chi tiết.

Điều ấy khiến cho an ninh quốc gia, trật tự, an toàn, đạo đức xã hội và sức khỏe cộng đồng trở thành cái cớ để các bộ, ngành tiếp tục duy trì những ĐKKD vô lý.

Điều này đã thể hiện rất rõ đối với trường hợp các thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm. “Sức khỏe cộng đồng” đã trở thành một trong các bệ đỡ để cơ quan chức năng trong một thời gian dài muốn duy trì tất cả điều kiện, thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực này. Nếu không có sự quyết tâm và chỉ đạo cụ thể từ các cấp cao nhất trong Chính phủ, chắc chắn sẽ không có Nghị định 15/2018 ra đời cởi trói tới 90% thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực này.

Điều 33 Hiến pháp đã minh định rằng: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Khoản 1 Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng quy định một trong các quyền của doanh nghiệp là “tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm”.

Trên thực tế, việc đảm bảo quyền tự do kinh doanh gần như đang gặp cản trở từ chính những luật về đầu tư, kinh doanh. Bởi vậy, chúng tôi cho rằng: Để chấm dứt tình trạng rừng đinh rình rập doanh nghiệp thì cần phải lật lại vấn đề từ gốc là các luật về kinh doanh.

CHÂN LUẬN

Nguồn PLO: http://plo.vn/kinh-te/quet-sach-giay-phep-con-vo-ly-797255.html