Quên 'nhắc nhở' uống rượu bia trong giờ làm, lãnh đạo bị phạt đến 5 triệu đồng

Hành vi ép buộc người khác uống rượu, bia sẽ bị phạt 1-3 triệu đồng. Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan bị phạt 3-5 triệu đồng nếu để tình trạng uống rượu bia trong thời gian làm việc, tại nơi làm việc. Thông tin được đưa ra hội nghị triển khai các văn bản pháp luật hướng dẫn Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia diễn ra tại Hà Nội sáng 28/9.

Tiếp tục siết chặt việc sử dụng rượu bia từ ngày 15/11

Tiếp tục siết chặt việc sử dụng rượu bia từ ngày 15/11

Nhiều mức phạt

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Nghị định số 117 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế ký ban hành ngày 28/9/2020 có hiệu lực từ ngày 15/11/2020 (thay thế nghị định 176) trong đó có một phần về phòng chống tác hại rượu, bia. Theo đó, tại điều 30 quy định người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu bia sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền 200.000 - 500.000 đồng. Phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi: uống rượu bia tại địa điểm không uống rượu, bia theo quy định của pháp luật (cơ sở y tế, cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc); xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu, bia.

Các hành vi như uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; ép buộc người khác uống rượu bia cũng bị phạt tiền 1-3 triệu đồng. Điều 34 của Nghị định cũng quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Theo đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức sẽ bị phạt 3-5 triệu đồng nếu không tổ chức thực hiện quy định không uống rượu bia trong thời gian làm việc, tại nơi làm việc của cơ quan, tổ chức; không nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hành vi uống, bán rượu bia trong địa điểm không được uống, bán rượu, bia thuộc quyền quản lý điều hành…

Tại Việt Nam, rượu, bia là 1 trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới ở độ tuổi từ 15 đến 49. Chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm khoảng 1% tổng thu nhập quốc dân GDP. Chi phí xử lý 6 bệnh ung thư mà rượu, bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính (gồm ung thư vú, đại trực tràng, gan, khoang miệng, dạ dày, cổ tử cung) là gánh nặng cho nhiều gia đình và xã hội.

Thống kê thực tế cho thấy, mức tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân đầu người tại Việt Nam với các đối tượng trên 15 tuổi có xu hướng tăng. Tỷ lệ uống rượu, bia trong vị thành niên và thanh niên khoảng 80% đối với nam và 36% đối với nữ. Đặc biệt, có tới hơn 40% nam giới uống rượu, bia ở mức nguy hại.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề xuất, cần đưa công tác phòng chống tác hại bia rượu vào trong nội quy, quy chế kèm chế tài xử lý ở các cơ quan, đơn vị như cấm uống bia, rượu trước, trong khi làm việc; cấm uống bia, rượu trước và trong khi điều khiển phương tiện giao thông. Đồng thời cần quy định rõ trong nội quy cơ quan về trách nhiệm của người đứng đầu nếu để cán bộ, công chức, viên chức của mình vi phạm. Theo ông Tuyên, nếu có thể đưa nhiệm vụ phòng chống bia, rượu vào nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh thì sẽ gia tăng hiệu quả thực hiện Luật.

Bán rượu thủ công phải đăng ký kinh doanh

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, khó khăn nhất hiện nay là làm thế nào để quản lý sản phẩm rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh do người dân sản xuất để tự tiêu dùng, làm quà tặng và cả bán ra thị trường. Do đó, Luật và các Nghị định mới nhằm quản lý hoạt động này để họ phải kê khai sản lượng, bảo đảm về mặt chất lượng và không được đưa sản phẩm ra kinh doanh trực tiếp.

Người chế biến rượu thủ công phải bán lại cho doanh nghiệp chế biến, còn nếu muốn bán phải có đăng ký kinh doanh. Đây là biện pháp mới của Luật và Nghị định nhằm quản lý hoạt động rượu thủ công. Trách nhiệm chính là giao cho UBND cấp xã theo sát từng hộ gia đình. Cơ quan này sẽ có trách nhiệm đến từng hộ gia đình, phát hướng dẫn, đôn đốc cách kê khai, bảo đảm quản lý được sản lượng. Chính phủ đã ban hành Nghị định xử phạt trong lĩnh vực thương mại, trong đó có chế tài liên quan trách nhiệm pháp lý nếu không tuân thủ nội dung này.

Hiện nay, tại Việt Nam tiêu thụ rượu thủ công hơn 200 triệu lít/năm, là thách thức lớn đối với cơ quan quản lý. “ Nếu quản lý được sản lượng sẽ quản lý được chất lượng ( rượu), an toàn cho người tiêu dùng. Đồng thời, giúp quản lý được việc kinh doanh tránh thất thu thuế, quản lý hoạt động hợp pháp, tránh bất bình đẳng giữa các đơn vị kinh doanh”, bà Trang nói.

Các bằng chứng khoa học chứng minh: rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế ICD 10.

Thái Hà

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/quen-nhac-nho-uong-ruou-bia-trong-gio-lam-lanh-dao-bi-phat-den-5-trieu-dong-1728047.tpo