Quen biết, quan hệ và những mối đe dọa nghiêm trọng

Những liên kết cá nhân, những mối quan hệ thân quen được sử dụng như chìa khóa để mở cánh cửa các dịch vụ công. Đó không phải là một hình thức giúp đỡ hay hỗ trợ, mà đó là tham nhũng!

Ảnh: TI

Ảnh: TI

Quan hệ càng sâu, “lối tắt” càng ngắn

Ở nhiều quốc gia Arab, việc sử dụng những liên kết cá nhân, hay “wasta” (tiếng Arab, có nghĩa là chủ nghĩa gia đình trị), đã trở thành một thông lệ, một quy tắc xã hội.

Tại đó, người ta sử dụng các mối quan hệ gia đình hoặc xã hội để bỏ qua những quy định, “đi tắt”, để tiếp cận nhanh hơn và tốt hơn đến các trường phổ thông, đại học, bệnh viện hoặc công việc, cũng như “tăng tốc” trong quy trình thực hiện các thủ tục giấy tờ của Chính phủ như gia hạn ID (chứng minh thư) hoặc giấy khai sinh…

“Lối tắt” ngắn ra sao với chất lượng dịch vụ tốt thế nào phụ thuộc vào mối quan hệ của bạn thân thiết đến đâu, người bạn biết ở vị trí cao như thế nào.

Trong Phong vũ biểu Chống tham nhũng (GCB) 2019 - khu vực Trung Đông và Bắc Phi, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã tiến hành hỏi các công dân về quan điểm và trải nghiệm trực tiếp của họ về tham nhũng và hối lộ. Năm nay, lần đầu tiên, TI đã hỏi mọi người ở Jordan, Lebanon và Palestine về những kinh nghiệm thực tế của họ về “wasta”.

Kết quả cho thấy, khoảng 1/3 dân số đã sử dụng kết nối cá nhân để nhận các dịch vụ cơ bản ở những quốc gia này. Lebanon có tỷ lệ “wasta” cao nhất, ở mức 54%. Tiếp theo là Palestine (39%) và Jordan (25%).

Theo TI, tỷ lệ hối lộ và “wasta” thường đi đôi với nhau. Gần 1/2 số người đã sử dụng mối quan hệ cá nhân cũng phải đưa hối lộ.

Tòa án và các ngành dịch vụ công như điện, nước là 2 lĩnh vực mà công dân có nhiều khả năng tận dụng các mối quan hệ cá nhân. Ở Jordan, Lebanon và Palestine, gần 1/3 số người tiếp cận các dịch vụ công và tòa án đã sử dụng “wasta” để có được các dịch vụ mà họ cần. Điều này đặc biệt phổ biến ở Lebanon, nơi có 65% công dân đã sử dụng mối quan hệ cá nhân khi làm việc với tòa án.

Những mối đe dọa bắt nguồn từ “WASTA”

Sự thiên vị là một hình thức của “wasta”, đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với công bằng kinh tế, xã hội, các quyền cơ bản của con người và các quy định pháp luật. Ở đây, đặt ra vấn đề mang tính kết cấu: Nhiều người coi mối quan hệ cá nhân là cách duy nhất để có được các dịch vụ họ cần, điều này thường có tác động gây tổn hại đối với cuộc sống của những người khác, đặt ra nguy cơ đối với sức khỏe, an ninh kinh tế và làm suy yếu niềm tin của người dân vào Chính phủ.

“Wasta” cũng có thể là nguyên nhân gây ra bất ổn kinh tế. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), 54% dân số trong độ tuổi lao động đang bị thất nghiệp hoặc không làm gì cả. Phần lớn người dân bày tỏ sự thất vọng rằng chủ nghĩa gia đình trị, các mối quan hệ cá nhân là trở ngại chính để họ tìm kiếm việc làm.

Bằng cấp, kỹ năng, kinh nghiệm không còn là chính yếu bên cạnh các kết nối xã hội không chính thức. Điều này ảnh hưởng đặc biệt đến những người trẻ. Khi TI thực hiện hỏi nhóm người này rằng, để xin được việc làm, có cần thiết phải quen biết ai đó ở vị trí cao hay không, thì hơn 60% trả lời rằng, đây là yếu tố quan trọng.

Tại sao người ta phải “quan hệ”?

Mặc dù nhiều người trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi nhận ra những hậu quả tiêu cực của “wasta” và coi đó là một hình thức tham nhũng, nhưng họ vẫn tiếp tục sử dụng nó trong thực tế. Vì sao vậy?

Theo kết quả nghiên cứu GCB, đa số người dân nói rằng, họ sẽ không nhận được các dịch vụ công họ cần nếu không sử dụng các mối quan hệ, các liên kết cá nhân. Trong khi, gần một nửa cho rằng, họ phải “quan hệ” để có được dịch vụ tốt hơn.

TI cũng đã tiến hành khảo sát riêng đối với Jordan về vấn đề này. Hơn một nửa công dân Jordan cho biết, họ đã sử dụng “wasta” để hoàn thành các thủ tục giấy tờ của Chính phủ và 65% thấy rằng, cần thiết phải có quan hệ thì mới có được một vị trí việc làm.

Chúng ta cần phải làm gì?

Trước tiên, để loại bỏ gia đình trị và các liên kết cá nhân, bảo đảm quyền bình đẳng của mọi người khi tiếp cận các dịch vụ công, bảo đảm quyền công dân, thì “wasta” cần phải được hình sự hóa như một dạng thức của tham nhũng.

Các dịch vụ, chương trình của Chính phủ điện tử có thể giúp loại bỏ việc sử dụng các kết nối cá nhân, đặc biệt là trong việc cấp hộ chiếu, ID, chứng nhận và các giấy tờ khác.

Quan trọng nhất, các Chính phủ cần làm việc với xã hội dân sự và báo chí truyền thông để có biện pháp phòng ngừa, nâng cao nhận thức về gia đình trị và những thác thức đối với các quy tắc xã hội. Để mọi người nhận thức rõ, “wasta” không phải là một cách giúp đỡ hay trợ giúp, mà đó là tham nhũng. “Wasta” lấy đi cơ hội của công dân và làm suy giảm niềm tin vào Chính phủ. “Wasta” là một vấn đề mang tính kết cấu phải được giải quyết bằng các biện pháp liêm chính mạnh mẽ, nhưng chúng chỉ có thể thực hiện khi “wasta” trong hàm nghĩa là một quy tắc xã hội bị gỡ bỏ.

Trao đổi với TI, Lemia, một phụ nữ 24 tuổi đến từ Palestine, mô tả những bất công mà chủ nghĩa gia đình trị gây ra: “Vài năm trước, tôi đã vượt qua kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và đạt khung điểm cao 90/100 điểm. Tôi chắc chắn sẽ nhận được học bổng để theo học ngành kỹ thuật tại một trường đại học Palestine. Tôi đã đáp ứng tất cả các yêu cầu cho học bổng này. Tôi đã nộp đơn và chờ đợi trong một khoảng thời gian dài. Gia đình tôi không có khả năng trả các khoản phí học đại học, bởi vậy, tôi đã phải tìm việc làm và dừng việc học. Vài tháng sau, một bạn cùng học cấp 3 với tôi tới cửa hàng quần áo nơi tôi làm việc. Trước đó, cô ấy tốt nghiệp với khung điểm 60. Cô ấy nói với tôi rằng, đã nhận được học bổng nhờ chị dâu của mình và đang theo học ngành kỹ thuật, mặc dù không thích lĩnh vực này và không có ý định làm kỹ sư sau khi tốt nghiệp. Khi nghe câu chuyện này, thật khó diễn tả cảm xúc của tôi, và tôi chỉ biết khóc, khóc rất lâu…”.

Còn Mohammad, 29 tuổi, cho biết: “Tôi đã nộp đơn xin việc vào một cơ quan thuộc Chính phủ khi đã có 10 năm kinh nghiệm làm việc cho các công ty khác nhau. Họ yêu cầu tôi làm một bài kiểm tra để kiểm tra trình độ, kỹ năng. Ngồi cùng phòng với tôi là một cô gái khoảng 22 tuổi. Tôi đã hoàn thành bài kiểm tra và trả lời tất cả câu hỏi. Sau hơn 2 tuần, tôi đến cơ quan để xem tại sao họ không trả lời tôi có trúng tuyển hay không. Và ở đó, tôi đã gặp cô gái hôm trước. Cô ấy đã được chọn. Và, điều mà tôi được biết, đó là cô ấy có người thân đang giữ một vị trí ở một cơ quan thuộc Chính phủ, người này đã tác động để tuyển dụng cô. Và, bài kiểm tra chẳng có ý nghĩa gì, chỉ mang tính hình thức”.

Hoài Phương

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/quoc-te/tin-tuc/quen-biet-quan-he-va-nhung-moi-de-doa-nghiem-trong_t238c52n158002