Quên áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo, bị rút kinh nghiệm

Hành vi làm giả giấy tờ đất để lừa đảo của các bị cáo xảy ra trước khi BLHS 2015 có hiệu lực nên cần áp dụng luật cũ để xét xử.

VKSND Cấp cao tại TP.HCM vừa ban hành thông báo rút kinh nghiệm cách giải quyết một vụ án vì không áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo, bỏ lọt người phạm tội.

Theo hồ sơ, Nguyễn Thanh Phượng và Nguyễn Thanh Hằng là vợ chồng. Phượng đứng tên trên ba giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đều đang được thế chấp tại ngân hàng.

Để có tiền trả cho nhiều người đã vay trước đó, Phượng thuê Châu Thái Lang làm giả các giấy tờ này. Sau khi có giấy giả, Phượng cùng Hằng đã ký chuyển nhượng, thế chấp hoặc ủy quyền cho nhiều người để chiếm đoạt 4,95 tỉ đồng.

Tháng 9-2020, xử sơ thẩm, TAND tỉnh Bạc Liêu phạt Phượng 18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ba năm tù và tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; phạt Hằng 12 năm tù về tội lừa đảo, Lang ba năm tù về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

VKSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị phúc thẩm, đề nghị hủy án sơ thẩm. Xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP. HCM đã chấp nhận kháng nghị, hủy án để giải quyết lại theo thủ tục chung.

Thông qua vụ án, VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã rút kinh nghiệm chung các vấn đề sau:

Thứ nhất, vụ án bỏ lọt tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức đối với Hằng. Bởi lẽ dù Hằng không trực tiếp thuê người làm giả nhưng Hằng biết rõ các giấy tờ này là giả và do Phượng thuê người khác làm.

Các tài sản này vợ chồng Hằng đã thể chấp hoặc chuyển nhượng nhưng vẫn sử dụng giấy giả này để ký hợp đồng chuyển nhượng, ủy quyền cho các bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản của họ.

Thứ hai, việc áp dụng Điều 341 BLHS 2015 để xét xử các bị cáo về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức là không chính xác và gây bất lợi cho các bị cáo.

Hành vi làm giả giấy tờ đất để lừa đảo của các bị cáo xảy ra trước khi BLHS 2015 có hiệu lực. Vì vậy, căn cứ điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 41/2017 của Quốc hội, cần áp dụng nguyên tắc có lợi cho các bị cáo để xét xử 3 bị cáo về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo điểm b khoản 2 Điều 267 BLHS năm 1999.

Vấn đề thứ ba là theo các bị cáo và bị hại thì trong số tiền các bị cáo chiếm đoạt có số tiền trước đó các bị cáo vay và có trả lãi. Thế nhưng cấp sơ thẩm chưa xem xét trong số tiền vay, lãi suất có đúng quy định theo Nghị quyết 01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm) hay không để từ đó xác định số tiền hợp pháp của bị hại có và số tiền bị chiếm đoạt.

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/quen-ap-dung-nguyen-tac-co-loi-cho-bi-cao-bi-rut-kinh-nghiem-985878.html